Thuế một đằng, khai một nẻo
Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vừa điều tra vụ án trốn thuế của Cty TNHH Bánh Xe Xoay (địa chỉ: 137/5A Lê Văn Sĩ, phường 13, quận Phú Nhuận, TPHCM). Cụ thể, ngày 5/12/2014, Cục này phối hợp với Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu (Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I) kiểm tra toàn bộ lô hàng nhập khẩu ngày 26/11/2014 của doanh nghiệp. Theo khai báo, doanh nghiệp này nhập 1.110 bộ lốp ô tô tải mới từ Trung Quốc và tự áp mã hàng được hưởng ưu đãi chứng nhận xuất xứ với thuế nhập khẩu 5%. Cùng với 10% thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp chỉ nộp thuế 246,820 triệu đồng.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, lô hàng trên thuộc mã hàng khác không được hưởng ưu đãi xuất xứ và có thuế nhập khẩu 25%. Số tiền truy thu thuế lên trên 597,1 triệu đồng. Như vậy, số tiền thuế chênh lệch lên tới hơn 350,3 triệu đồng. Khi làm việc với cơ quan chức năng, Giám đốc Bùi Thụy Liễu Anh đã thừa nhận hành vi cố tình khai sai và chấp nhận nộp bổ sung tiền thuế chênh lệch vào ngân sách.
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, biểu thuế xuất khẩu – nhập khẩu năm 2013 và 2014 hướng dẫn rất rõ việc khai và áp mã đối với mặt hàng “Lốp ôtô dùng cho xe tải”. Xác định vụ việc có tính chất nghiêm trọng và cố tình, Cục Điều tra chống buôn lậu tiến hành xác minh mở rộng những lô hàng nhập khẩu trước đây của doanh nghiệp này. Theo hồ sơ còn lưu, từ khi thành lập đến nay, doanh nghiệp mở tổng cộng 53 tờ khai nhập khẩu cùng mặt hàng kể trên với tổng trị giá lên tới 2.189.496 USD (tương đương khoảng 46 tỷ đồng). Việc khai báo sai mã hàng để được hưởng thuế suất thấp của các tờ khai trước đó giống như tờ khai bị cơ quan chức năng phát hiện kể trên. Tính toán sơ bộ, doanh nghiệp này đã gian lận khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Cố tình giải thể, bỏ trốn
Trong biên bản làm việc ngày 13/1/2015, bà Liễu Anh thừa nhận, tất cả thủ tục hải quan (mở tờ khai, khai báo, nộp thuế, làm thủ tục nhận hàng…) đều do bà trực tiếp làm. Hàng chủ yếu bán buôn cho Cty Đoàn Thắng (Hà Nội) và Công ty Định Lốp (TPHCM). Vị giám đốc này cam kết sẽ khắc phục hậu quả từ việc áp mã hàng sai từ đầu năm 2014 đến nay bằng cách nộp lại các khoản truy thu thuế ngay khi nhận được thông báo. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng trong quá trình tính toán số tiền thuế cụ thể, vị giám đốc này đã bỏ trốn.
“Việc khai tên hàng và áp mã hàng là do doanh nghiệp tự khai và chịu trách nhiệm. Phía Chi cục chỉ căn cứ theo khai báo của doanh nghiệp, nếu phù hợp với quy định thì cho thông quan”.
Đại diện Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực I cho biết.
Bà Phan Ngọc Mai Liêm, Phó Chi cục trưởng Kiểm tra sau thông quan (Cục Hải quan TPHCM) cho biết: Xác minh cho thấy công ty này đã có quyết định giải thể gửi Chi cục Thuế quận Phú Nhuận ngày 16/12/2014. Tham khảo hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, công ty này đã được chấp thuận giải thể ngày 27/2/2015. Vì vậy Chi cục Kiểm tra sau thông quan đã không thể tiến hành kiểm tra sau thông quan.
Mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu gửi công văn tới Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đề nghị tạm dừng làm thủ tục giải thể, chuyển nhượng đối với doanh nghiệp kể trên. Tuy nhiên, đại diện sở này cho biết, không thể thực hiện theo yêu cầu của cơ quan, hải quan vì không đúng thẩm quyền và đồng thời cho biết, doanh nghiệp này đã đăng ký giải thể.
Tổng cục Hải quan đánh giá, việc giải thể công ty chỉ có ý nghĩa né tránh trách nhiệm dân sự với số tiền trốn thuế lên đến hàng chục tỷ đồng. Cục Điều tra chống buôn lậu đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Công an TPHCM tiếp tục điều tra mở rộng.