5 cổng chào mừng Đại lễ: 50 tỷ và 100 ngày

5 cổng chào mừng Đại lễ: 50 tỷ và 100 ngày
TP - Phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình quanh việc xây dựng 5 cổng chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Thưa ông, vì sao đến thời điểm này Hà Nội mới đưa ra việc xây dựng 5 cổng chào?

Trên cơ sở căn cứ Quyết định số 1470 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề cương các hoạt động hướng đến kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng 5 cổng chào đón khách dự đại lễ.

Trên tinh thần đó thành phố Hà Nội đã xác định vị trí thiết kế và xây dựng 5 cổng chào phải có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa theo yêu cầu của Chính phủ, gồm: Đầu đường 1 thuộc địa bàn huyện Phú Xuyên, đây là hướng nam tiến mở mang bờ cõi dân tộc.

Cổng được thiết kế hình những con hạc; Đường vào sân bay Nội Bài thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn, là cửa ngõ giao lưu quốc tế, cổng này có hoạ tiết tang trống của trống đồng Ngọc Lũ; Đường Hà Nội- Lạng Sơn thuộc huyện Gia Lâm, nơi phát tích nhà Lý, cổng có hoa văn họa tiết của trống đồng và có hình tượng 8 rồng, tượng trưng cho 8 vị vua thời Lý; Đường Láng- Hòa Lạc thuộc huyện Hoài Đức là hướng về Đền Hùng có hình tượng là tang trống và bệ trống. Cuối cùng là Quốc lộ 5 thuộc huyện Gia Lâm, hướng ra biển Đông, mô phỏng những chiếc cọc gỗ trên sông Bạch Đằng.

Trước đây từng có chủ trương xây dựng Khải hoàn môn ở phía nam thành phố, ý tưởng thiết kế đã được thi tuyển, đã giải phóng mặt bằng rồi nhưng lại không triển khai. Vì sao bây giờ Hà Nội tái khởi động xây cổng chào?

Khi thành phố đang chuẩn bị thực hiện dự án xây dựng Khải hoàn môn tại huyện Thanh Trì thì có việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Hơn nữa dự án này chưa tranh thủ được ý kiến nhân dân nên chưa thực hiện.

Thiết kế cổng chào trục đường QL 1 (Hà Nội - TPHCM) và thiết kế cổng chào trục đường Hà Nội - Hải Phòng (từ trên xuống dưới) - Ảnh: Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia 1.000 năm Thăng Long
Thiết kế cổng chào trục đường QL 1 (Hà Nội - TPHCM) và thiết kế cổng chào trục đường Hà Nội - Hải Phòng (từ trên xuống dưới) - Ảnh: Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia 1.000 năm Thăng Long.

Chỉ còn 100 ngày nữa là đến Đại lễ, nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội còn rất nhiều việc cấp thiết hơn xây cổng chào?

Lãnh đạo thành phố đã quyết tâm thực hiện xây dựng 5 cổng chào với mục đích chào mừng Đại lễ nhưng đồng thời là dịp tham khảo ý kiến đóng góp của nhân dân. Vì vậy trong thiết kế kết cấu của các cổng chào là bằng thép có thể tháo lắp, vận chuyển

Đồng thời cổng chào được sử dụng các vật liệu có thể chịu được với thời gian 2- 3 năm. Chứ không phải sau đại lễ 1.000 năm Thăng Long là bỏ và cũng không phải công trình vĩnh cửu.

Về sau này nếu được nhân dân đồng tình ủng hộ, dư luận đánh giá cao, thành phố sẽ đầu tư xây dựng các cổng chào này một cách bài bản, vững bền.

Chính do thời gian quá ngắn nên thành phố chủ trương xã hội hoá, kêu gọi tinh thần yêu Hà Nội của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để xây cổng chào.

5 cổng chào mừng Đại lễ: 50 tỷ và 100 ngày ảnh 2

Đến nay thành phố đã dự tính được tổng mức đầu tư cho việc xây dựng 5 cổng chào?

Xây dựng 5 cổng chào hết khoảng 50 tỷ đồng. Đến nay có hai doanh nghiệp xin đóng góp hoàn toàn xây cổng chào là Cty Vincom (đóng góp 1 cổng chào 14 tỷ đồng) và Cty Him Lam (đóng góp 1 cổng chào 11 tỷ đồng). Hiện có 3 doanh nghiệp khác nhận đóng góp 50%. Phần 50% còn lại trong thời gian tới thành phố tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp đóng góp thêm, mục tiêu là không phải dùng tiền ngân sách.

Có ý kiến cho rằng chi 50 tỷ đồng xây dựng 5 cổng chào mà chỉ sử dụng được 2-3 năm là lãng phí?

Đúng là dùng tiền của doanh nghiệp, song thành phố luôn ý thức rằng, phải sử dụng hiệu quả những đồng tiền ấy. Đặc biệt trong trường hợp này các cổng chào mang lại những giá trị văn hóa, lịch sử, có ý nghĩa về mặt tinh thần.

Hơn nữa, khi giá trị văn hóa, giá trị sử dụng của các cổng chào này còn thì chúng ta vẫn tiếp tục lưu giữ cho đến khi thành phố có quyết định về việc có xây dựng các cổng chào, Khải hoàn môn bền vững hay không.

Hiện nay công tác triển khai xây dựng 5 cổng chào đã được tiến hành ra sao, thưa ông?

"Việc xây dựng 5 cổng chào cũng là nguyện vọng của lãnh đạo thành phố. Mong muốn nhân dịp 1000 năm Thăng Long để cho nhân dân Hà Nội cũng như nhân dân cả nước tự hào về Thủ đô.

Mặc dù đây là công việc khó khăn, rất vất vả nhưng thành phố đang kêu gọi doanh nghiệp tham gia và coi đây cũng chính là món quà của doanh nghiệp tặng cho Thủ đô Hà Nội. Còn nếu không làm gì thì chắc chẳng có ai nói gì"

Ông Phí Thái Bình 

Dự kiến phấn đấu cuối tháng 9-2010 là hoàn thành. Bên cạnh đó thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp tập trung nguồn lực và đảm bảo chất lượng có thể đẩy nhanh tiến độ hoàn thành vào dịp Quốc khánh 2-9.

Khi biết tin Hà Nội có chủ trương này, nhiều người dân bày tỏ mong muốn Thủ đô có những công trình mang tính biểu trưng cao của loại hình kiến trúc cổng chào. Liệu thời gian ngắn như vậy có đáp ứng được những mong muốn đó?

Thành phố đặt vấn đề chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật là yếu tố hàng đầu. Chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp về các yếu tố này khi xây dựng cổng chào. Nhanh nhưng phải đảm bảo. Trên thực tế thành phố đã làm những việc lớn hơn thế này và đã từng thành công nên chúng tôi khá yên tâm.

Hiện việc thiết kế được giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc, tuy nhiên thành phố cũng rất cần sự tham góp của nhân dân trước khi xây dựng các cổng chào này?

Thời gian quá ngắn nên khó có thể trưng cầu ý kiến của nhân dân. Tuy vậy, về chuyên môn, thành phố cũng tham khảo ý kiến hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Chuẩn bị mặt bằng xong trước ngày 30-6

Ngày 22-6, UBND TP Hà Nội có quyết định về việc giao nhiệm vụ cho các huyện Sóc Sơn, Phú Xuyên, Gia Lâm làm chủ đầu tư công tác giải phóng mặt bằng thực hiện xây dựng cổng chào. Theo đó việc giải phóng mặt bằng tại huyện Phú Xuyên là 5.000m2, Sóc Sơn 5.000m2 và Gia Lâm 4.000m2.

Cùng ngày thành phố Hà Nội cũng có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị tạo điều kiện bố trí sử dụng mặt bằng khu đất hành lang đường bộ và đất quy hoạch hành lang cây xanh đã được đền bù trên trục Láng - Hoà Lạc và trục Bắc Thăng Long - Nội Bài để xây dựng cổng chào. Việc bàn giao mặt bằng hoàn thành trước 30-6. 

Các doanh nghiệp tham gia xây dựng cổng chào:

Công ty CP Vincom (xây dựng cổng trên QL1); TCty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội (cổng trên chào trên đường Bắc Thăng Long- Nội Bài); TCty Vinaconex (cổng chào trên đường Láng-Hoà Lạc); TCty ĐTPT hạ tầng đô thị (Cổng chào trên QL5); Cty CP Him Lam (cổng chào trên đường Hà Nội- Lạng Sơn).

Phùng Sưởng (thực hiện)

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.
Quấy rối nhìn từ vụ ồn ào ở Nhã Nam
Quấy rối nhìn từ vụ ồn ào ở Nhã Nam
TPO - Sau vụ lùm xùm về quấy rối tình dục ở Nhã Nam, chắc hẳn nhiều doanh nghiệp cũng nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng một bộ quy tắc về ứng xử nội bộ và thường xuyên nâng cao nhận thức cho cán bộ nhân viên về quấy rối tình dục, không để đời sống riêng của cá nhân ảnh hưởng xấu tới tập thể và thương hiệu.