45 tháng tù giam và 36 tháng tù treo cho... 424 vết sẹo

45 tháng tù giam và 36 tháng tù treo cho... 424 vết sẹo
TPO – Chiều 21/1, Tòa tuyên án với cặp vợ chồng chủ quán phở ở Hà Nội đã đày đọa em Bình suốt 13 năm qua với 424 vết sẹo trên cơ thể. Trịnh Hạnh Phương chịu án 45 tháng tù giam, còn người chồng Chu Văn Đức chỉ bị phạt 36 tháng tù treo.

>> Video clip phiên tòa xét xử vợ chồng Đức - Phương

>> Toàn cảnh vụ cô gái bị đày đọa
>> Video clip: Lời kể của cô gái 13 năm bị đầy đọa
>> Video clip : Bắt vợ chồng đày đọa cô gái
>> Chỉ mỗi ông "vác tù và" bị mất chức ?

45 tháng tù giam và 36 tháng tù treo cho... 424 vết sẹo ảnh 1
Vợ chồng Chu Văn Đức - Trịnh Thị Hạnh Phương tại phiên tòa. Ảnh: Công Minh. 
45 tháng tù giam và 36 tháng tù treo cho... 424 vết sẹo ảnh 2
Đòn roi của ông bà chủ đã để lại tới... 424 vết sẹo trên toàn thân cô gái này trong suốt 13 năm qua.

Sáng 21/1, TAND quận Thanh Xuân, Hà Nội, đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án vợ chồng Chu Văn Đức - Trịnh Thị Hạnh Phương hành hạ em Nguyễn Thị Bình trong hơn 10 năm.

Từ sáng sớm, rất nhiều người dân đã có mặt trước cổng tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, đợi tham dự phiên xét xử vợ chồng Chu Văn Đức - Trịnh Thị Hạnh Phương.

45 tháng tù giam và 36 tháng tù treo cho... 424 vết sẹo ảnh 3
Người dân đứng tràn ra hành lang để theo dõi phiên tòa. Ảnh: Công Minh

8 giờ 15, chiếc xe chở vợ chồng Hạnh - Phương có mặt tại tòa.

Trước đó ít phút, Nguyễn Thị Bình cùng gia đình bà Hà Thị Bình, người đã giải thoát em khỏi những ngày tháng bị đày đọa, và một số người thân ở Vĩnh Phúc, cũng có mặt tại phiên xét xử.

Mặc chiếc áo khoác dày và chiếc quần bò xanh, trông Bình (tên thật là Nguyễn Thị Thông, sinh năm 1983, quê ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) có vẻ béo hơn. Tinh thần của cô cũng tốt hơn nhiều.

Trao đổi nhanh với các phóng viên trước khi bước vào tòa, Bình mong mỏi “Giờ em chỉ biết nhờ luật pháp xử lý. Cô chú ấy tội đến đâu thì cứ xử đến đó".

Theo thông tin chính thức, trong số 3 luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự, nhận lời bảo vệ quyền lợi cho em Bình, chỉ có Luật sư Kiều Hải Vân tham dự phiên xét xử trong buổi sáng hôm nay. Luật sư Nguyễn Hồng Bách cáo vắng, còn luật sư Vũ Gia Trường sẽ tham dự phiên xét xử vào buổi chiều.

Vợ chồng Đức – Phương cũng mời một luật sư bào chữa cho mình.

8 giờ 30, sau phần kiểm tra căn cước và làm các thủ tục cần thiết, phiên tòa chính thức bước vào phần xét xử.

Trong bản cáo trạng đọc trước tòa, vợ chồng Đức – Phương bị truy tố về hai tội danh: Hành hạ người khác (theo quy định tại Điều 110 - Bộ Luật Hình sự) và Gây tổn hại đến sức khỏe của người khác (theo quy định tại Điều 104 - Bộ Luật Hình sự).

45 tháng tù giam và 36 tháng tù treo cho... 424 vết sẹo ảnh 4
Dụng cụ từng dùng để tra tấn em Bình. Ảnh: Công Minh

Đặc biệt, Hội đồng xét xử cũng cho công bố bản kết quả giám định pháp y mới nhất về tổn hại sức khỏe của em Bình do bị hành hạ gây ra.

Theo kết quả bản Giám định pháp y số 269B, ngày 3/12/2007, đối với Nguyễn Thị Bình của Viện pháp y quốc gia kết luận: Nguyễn Thị Bình không biểu cảm khi tiếp xúc; có 424 vết sẹo trên toàn cơ thể.

Các vết sẹo này là hậu quả của thương tích; tổn thương; gây rách da; toàn thân có nhiều da sậm màu, hậu quả của tổn thương tụ máu ở da và dưới da. Sức khỏe bị giảm do thương tích gây nên là 34%.

Kết luận cũng cho thấy vật gây thương tích là do bỏng nhiệt, do các vật tày và vật sắc nhọn gây ra.

45 tháng tù giam và 36 tháng tù treo cho... 424 vết sẹo ảnh 5
Trịnh Thị Hạnh Phương bị dẫn đến tòa sáng nay. Ảnh: Công Minh.

Tại phần thẩm vấn Trịnh Thị Hạnh Phương, bị cáo cơ bản thừa nhận những hành vi hành hạ như: Chửi mắng, dùng muôi múc nước nóng hắt vào người, đánh vào tay vào đầu Bình; dùng roi tre, thanh gỗ đánh vào người; dùng chân đi sục đá vào mặt; dùng roi điện đánh… đối với em Nguyễn Thị Bình.

Phương cũng khai việc có một lần bị em Bình làm rơi chiếc thớt vào chân nên đã cầm dao đâm vào bắp chân của Bình, gây chảy máu. Tuy nhiên, sau khi thấy máu chảy nhiều nên Phương đã băng bó và chăm sóc Bình rất tử tế, thậm chí còn bật khóc vì thấy ân hận.

Lời khai của Phương đã khiến tất cả những người dự phiên xét xử bật cười vì thái độ giả tạo này.

Trịnh Hạnh Phương cũng khai nhận nhiều lần hành hạ em Bình bằng cách bắt cởi truồng và quỳ ngoài sân nhiều giờ trong thời tiết giá lạnh. Trong lời khai trước tòa, Phương cũng cho biết, chồng mình biết những lần bắt em Bình quỳ ngoài sân. Có lần, Đức đã bảo Phương tha cho em vào nhà đi ngủ để hôm sau có sức đi làm. Lần đó, Bình được tha sớm.

Cùng với những phương thức hành hạ trên, Hạnh Phương cũng thừa nhận nhiều lần dùng dây điện đánh nhưng không thừa nhận dùng kìm kẹp đối với em Bình mà cho rằng chỉ có chồng dùng kìm kẹp đối với em Bình.

Riêng đối với lời cáo buộc dùng sục đá vào vùng kín của em Bình, Phương kiên quyết không thừa nhận và cho rằng, cùng là phụ nữ nên rất hiểu việc làm này là hành vi rất nguy hiểm.

Trước những lời lẽ sắc sảo của Hội đồng xét xử, Phương thừa nhận đã hành hạ Bình nhiều hơn chồng và khi đánh chỉ đơn giản nghĩ là giúp cháu ngoan hơn, chứ không biết đó là những hành vi vi phạm pháp luật.

“Là một người mẹ, nếu chị có người con bị hành hạ, đánh đập như vậy thì chị nghĩ như thế nào?”. Câu hỏi đó của Hội đồng xét xử đã khiến Hạnh Phương lặng đi và sau đó đột nhiên bật khóc.

45 tháng tù giam và 36 tháng tù treo cho... 424 vết sẹo ảnh 6
Nguyễn Thị Bình tại tòa. Ảnh: Công Minh 

Sau phần thẩm vấn Hạnh Phương, hội đồng xét xử chuyển sang thẩm vấn Chu Văn Đức. Đức tỏ ra khá “bướng” trước những lời cáo buộc và chỉ thừa nhận rất ít hành động vi phạm của mình.

Về việc đánh đập em Bình, Đức cho biết do bắt gặp và bị phản ánh nhiều về việc Bình ăn cắp vặt nên bức xúc và đánh đập em.

Chính Đức đã bắt được 2 lần em Bình ăn cắp tiền của vợ chồng mình, một lần 10.000 đồng và một lần 50.000 đồng. Ngoài ra có một vài lần có người ở chợ phản ánh Bình ăn cắp thịt và ngô của người bán hàng tại chợ. Chính vì vậy nên Đức đã đánh Bình.

Đặc biệt, Đức cũng thừa nhận có dùng gậy đập vào chân và dùng kìm kẹp khi đánh Bình. Đức cũng khai việc vợ mình có đánh và bắt Bình quỳ trong nhà nhưng không có chuyện bắt cởi quần áo.

Trước câu hỏi của tòa về việc Bình làm việc tại đây trong thời gian dài nhưng không được trả tiền công hàng tháng, Đức trả lời dù không trả tiền công nhưng vẫn chu cấp đầy đủ quần áo và mua cả băng vệ sinh cho em.

Đức cũng khá ngoan cố khi tòa hỏi “Nếu con anh có vi phạm thì anh có đánh như thế không?” - “Con tôi mà hư tôi cũng đánh như thế”. “Vậy có dùng kìm không?”, “Không”. “Thế có dùng gậy đánh không”, “Ở nhà tôi cũng dùng gậy đánh con”- Đức trả lời.

Về việc có nhận thức được việc đánh cháu Bình là hành động vi phạm pháp luật hay không, Đức cho biết ngay cả khi dùng gậy đánh thì bị cáo cũng không nhận thức được điều này. Chỉ đến khi bị bắt thì mới biết là hành động vi phạm pháp luật.

“Tuy nhiên để đổi lấy 1 người cháu biết ăn biết làm thì tôi chấp nhận vi phạm pháp luật”- Đức nói.

Đức cũng lý giải việc đánh Bình là do nuôi từ bé đến lớn nên sau này khi Bình đòi bỏ đi thì Đức cảm thấy những gì mình đã làm cho Bình bị coi thường nên mới bức xúc và đánh cháu.

Chiều nay, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án đối với vợ chồng Đức Phương. Theo đó, Chu Minh Đức bị đề nghị 8 – 12 tháng tù giam vì tội hành hạ người khác, 18 – 24 tháng tù vì tội gây tổn hại sức khỏe người khác. Tổng hợp hai mức án đề nghị là từ 26 – 36 tháng tù giam nhưng cho hưởng án treo.

Trịnh Hạnh Phương bị đề nghị 12 – 15 tháng tù giam về tội tội hành hạ người khác và 30 – 36 tháng tù giam vì tội gây tổn hại sức khỏe người khác. Tổng hợp hình phạt đề nghị cho cả hai tội danh là từ 42 – 51 tháng tù giam.

Đại diện Viện Kiểm sát cũng yêu cầu vợ chồng Đức – Phương trả cho Nguyễn Thị Bình 28,8 triệu đồng tiền công trong suốt thời gian em làm việc tại quán phở của cặp vợ chồng này. Ngoài ra, hai vợ chồng còn phải bồi thường 10 triệu đồng cho Bình vì những tổn hại sức khỏe mà em phải chịu.

Trước mức án đề nghị được coi là quá nhẹ của Viện Kiểm sát, một số người dân có mặt tại phiên tòa đã phản ứng với mức án đề nghị. Lác đác hơn 10 người bỏ về sau khi đại diện Viện Kiểm sát đọc bản đề nghị tội danh.

Các luật sư bảo vệ quyền lợi của em Bình cơ bản đồng tình với đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát.

Phát biểu tại phiên tòa xét xử, Chu Đức Hải, con trai của Đức – Phương cũng cho biết có nghe bố mẹ mắng chửi Bình nhưng đây là hành động của người lớn với trẻ em.

Trước những hành động vi phạm pháp luật của bố mẹ, Hải xin và mong hội đồng xét xử xem xét và cho bố mẹ được hưởng khoan hồng. Hải cũng cho biết sau những sóng gió xảy ra đối với gia đình, cuộc sống của em hiện đã ổn hơn với sự giúp đỡ của họ hàng. Hải hiện cũng đã đi học lại.

Về phần mình, trước phiên tòa xét xử, Nguyễn Thị Bình cũng kể sơ lại những ngày tháng khổ cực mà em đã trải qua khi sống trong gia đình vợ chồng Đức – Phương.

“Tôi đề nghị chủ tọa xét xử nghiêm khắc để không còn những ai phải chịu và rơi vào hoàn cảnh như tôi. Đề nghị pháp luật có biện pháp bảo vệ cả người giải cứu tôi khỏi cảnh đau khổ” - Bình nói.

Lời cuối trước khi tòa tuyên án, Hạnh Phương nói: “Thưa toàn thể nhân dân, thưa quý tòa, tôi thực sự ân hận vì những việc đã làm vì đây là những hành động mà tôi thực tâm muốn dạy bảo cháu. Xin chủ tọa thương vợ chồng tôi ít hiểu biết pháp luật và xin cho chúng tôi mức phạt thấp nhất, tạo điều kiện để cho chúng tôi quay trở về kiếm được tiền để trả cho cháu Bình".

Kết thúc phiên xét xử chiều nay, hội đồng xét xử đã tuyên phạt Chu Minh Đức 12 tháng tù giam vì tội hành hạ người khác, 24 tháng tù treo vì gây tổn hại cho người khác. Tổng hình phạt là 36 tháng tù treo. Chu Minh Đức được trả tự do trước tòa nhưng phải chịu thử thách trong 48 tháng kể từ ngày tuyên án.

Hạnh Phương bị đề nghị mức án 15 tháng tù giam vì tội hành hạ người khác, 30 tháng tù giam vì tội gây tổn hại đến sức khỏe người khác. Tổng hình phạt là 45 tháng tù giam.

Hội đồng xét xử cũng yêu cầu vợ chồng Đức – Phương phải bồi thường sức khỏe 16,2 triệu đồng thời phải hoàn trả số tiền 300.000 đồng tiền công lao động/tháng trong suốt thời gian Nguyễn Thị Bình làm việc tại đây.

Ngoài ra, vợ chồng Đức – Phương cũng phải bồi thường 5,4 triệu đồng tiền bồi thường về danh dự cho em Bình. Tổng số tiền mà hai vợ chồng phải trả cho em Bình là  50,4 triệu đồng.

Đây là vụ án không chỉ có báo chí đặc biệt quan tâm mà ngay cả những người dân bình thường cũng thường xuyên theo dõi.

Thậm chí có cả những người lặn lội từ Đông Anh (Hà Nội), Vĩnh Phúc, Hưng Yên cũng đã có mặt tại phiên tòa từ sáng sớm.

Trong vụ  án này, đã có nhiều luồng dư luận khác nhau về bản án của vợ chồng Đức - Phương.

Có người thì cho rằng với phán quyết của tòa là công bằng, khách quan bởi vợ chồng Đức-Phương dù sao cũng nuôi dưỡng em Bình từ nhỏ, phạm tội lần đầu và cũng đang còn nuôi con nhỏ.

Thế nhưng cũng có ý kiến lại xem hành vi của vợ chồng Đức - Phương là hết sức dã man, cần phải có bản án nghiêm khắc hơn để làm gương cho kẻ khác bởi với mức án 36 tháng tù treo cho Đức và 45 tháng tù giam với Phương là quá nhẹ.

Chị N.T.M, (Đống Đa, Hà Nội): “Tòa tuyên phạt như thế là quá nhẹ so với hành vi mà họ gây ra. Bây giờ được thả rồi, có khi họ sẽ tìm cách trả thù”.

Bác H.T.K, Đông Anh, Hà Nội: “Xử nhẹ như thế này thì làm sao có thể răn đe được. Những vết thương trên da thịt của Bình có thể lành nhưng trong tiềm thức thì mãi mang một nỗi sợ hãi”.

Chị N.T.L (Thanh Xuân, Hà Nội): “Tôi thấy tòa xử như thế là đúng bởi dù gì họ cũng đã có công nuôi em Bình. Với lại vợ chồng chú ấy cũng đang phải nuôi con nhỏ”.

Anh T.V.H (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc): “Phải bồi thường thiệt hại vật chất thỏa đáng cho em Bình bởi số tiền hơn 50 triệu là quá ít so với hậu quả mà họ gây ra”.

Cô L.T.M.V (Hưng Yên): “Sau vụ án này, hy vọng sẽ có nhiều vụ việc tương tự được đưa ra pháp luật. Cần phải nghiêm trị những hành vi bạo hành trẻ em”. 

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Thủ lĩnh đoàn tâm huyết, giữ hồn văn hóa dân tộc Thái
Thủ lĩnh đoàn tâm huyết, giữ hồn văn hóa dân tộc Thái
TPO - Luôn trăn trở bồi đắp những giá trị sống tốt đẹp cho giới trẻ, anh Lãnh Văn Mùi (SN 1990) - Bí thư Đoàn xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An đã dành nhiều tâm huyết, triển khai các hoạt động nhằm lan tỏa tình yêu với văn hóa dân tộc. Anh vừa được Tỉnh Đoàn Nghệ An tuyên dương đảng viên trẻ xuất sắc năm 2024.
Lý do Thanh Hóa thu hút khách du lịch
Lý do Thanh Hóa thu hút khách du lịch
TP - Ông Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa - cho biết, ngay từ đầu năm, ngành du lịch Thanh Hóa đã đổi mới và hoàn thiện 3 dòng sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng.
Sông Sài Gòn đoạn trung tâm TPHCM Ảnh: Phục Lễ
Phong vị Sài Gòn
TP - Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới? Ngay những người hàng ngày hàng giờ sống ở thành phố này đã và đang tự hỏi Sài Gòn có gì lôi cuốn người tại chỗ và khách phương xa?