Hơn 20 tuổi, ông đứng ra nhận thầu những mặt hàng điêu khắc, chạm trổ khắp nơi. Người cha tin cẩn đặt cơ nghiệp bao đời vào tay ông từ đấy. Năm 2007, ông được Hội Làng nghề Việt Nam phong tặng Nghệ nhân làng nghề, ba năm sau nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Ông bảo, không nhớ nổi đã dạy nghề cho bao nhiêu thợ, có nhiều người ở tận ngoài Bắc, trong Nam.
Cơ sở điêu khắc của ông có 20 thợ chính, phải chia ra làm nhiều nơi để kèm cặp cho vài chục thanh niên trẻ vào học nghề mỗi năm. Ông không từ chối bất kì ai, nhưng đã đến đây thì phải có chí. Bài học vỡ lòng trong nghề điêu khắc cho lớp thợ trẻ là thao tác tay, trong 5 ngày đầu phải tự vẽ mẫu trên gỗ, tập đục đẽo cho dẻo tay. Ai vượt qua được thử thách đầu tiên này thì làm đơn xin được học nghề.
Các tháng tiếp theo, ông cấp mẫu cho học trò điêu khắc thử rồi tự tay chỉnh từng đường đục, bày cho từng cách làm nhanh, hiệu quả. Khi quen dần ông mới giao cho thợ chính kèm thêm. “Một số em theo được nửa đường thì bỏ, tại không giữ được đam mê, nhẫn nại. Nghề này còn đòi hỏi người làm phải phả được cái tâm, cái hồn lên tác phẩm, không yêu nghề thì chịu”.
Ông liên tục nhận trò vào học nghề nhưng chưa một lần tính tiền học phí. Ngược lại mỗi tháng ông còn phụ cấp một khoản nhỏ cho trò ăn uống, “coi như đó là tiền công cho sự hiếu học”, ông nói vui. Những trò làm ra được sản phẩm được trả lương từ 3 triệu đồng/tháng trở lên, làm giỏi sẽ được giữ lại cơ sở với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng.
Nhờ ông Tiếp, mà nhiều thanh niên lêu lỏng, bỏ học giữa chừng, hay thất nghiệp trong làng có công ăn việc làm. Không ít thanh niên khuyết tật cũng tìm đến ông xin được truyền nghề, nhiều người mắc tim bẩm sinh, người khuyết tật chân cũng đã ra nghề thành thạo, đi làm công cho các nơi khác kiếm được thu nhập khá cao.
Ba người con trai của ông Tiếp, sau khi tốt nghiệp đại học cũng lần lượt trở về nối gót cha làm mộc mỹ nghệ.
Hiện, ông Tiếp đang tiến hành mở làng nghề chạm khắc gỗ truyền thống rộng 3.500m2, hứa hẹn sẽ giải quyết thêm việc làm cho rất nhiều lao động ở địa phương.
Ông Lê Đức Thu, Chủ tịch xã Điện Phương, cho biết: “Việc làm của ông Tiếp là nghĩa cử đẹp để mọi người noi theo, giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương, và kéo những thanh niên hư hỏng trở về làm người tốt. Nghề điêu khắc của gia đình ông là nét đẹp truyền thống đáng tự hào của địa phương”.