33 người chết và mất tích do mưa lũ, sạt lở đất

Bộ NN&PTNT phát động ủng hộ bà con vùng lũ, sạt lở miền núi phía Bắc
Bộ NN&PTNT phát động ủng hộ bà con vùng lũ, sạt lở miền núi phía Bắc
TPO - Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã phát động toàn ngành nông nghiệp ủng hộ, chia sẻ với đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại trong đợt mưa lũ, sạt lở đất.

Sáng 28/6, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã phát động toàn ngành ủng hộ, chia sẻ với bà con vùng lũ. 

Theo đó, cán bộ công nhân viên chức ngành nông nghiệp sẽ ủng hộ người dân vùng thiên tai ít nhất 1 ngày lương. Trước đó, Công đoàn ngành NN&PTNT đã ủng hộ số tiền 5 triệu đồng đối với mỗi người chết, với người bị thương ủng hộ 3 triệu đồng. 

 Trước mắt, Bộ NN&PTNT sẽ trao 900 triệu đồng tiền ủng hộ cho bà con hai tỉnh Hà Giang và Lai Châu bị thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ.

Bộ trường Cường cũng cử 2 đoàn công tác do 2 thứ trưởng dẫn đầu, cùng các đơn vị trực thuộc của Bộ trực tiếp đi các tỉnh miền núi phía Bắc hỗ trợ các địa phương và người dân bị thiệt hại bởi thiên tai khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.

33 người chết và mất tích do mưa lũ, sạt lở đất ảnh 1 Mưa lũ, sạt lở đất đá khiến nhiều tuyến đường ở Lai Châu bị tắc
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đến sáng nay (28/6), mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 33 người chết và mất tích, trong đó 23 người chết (Hà Giang 5 người chết do sập nhà, lũ cuốn trôi; Lai Châu 16 người chết do sạt lở đất, lũ cuốn trôi và sạt lở đất đá, nhà sập; Quảng Ninh 1 người bị lũ cuốn trôi; Lào Cai 1 người bị lũ cuốn trôi. Đến nay, 10 người mất tích do lũ cuốn trôi (Lai Châu 9 người và Điện Biên 1 người) vẫn chưa được tìm thấy.

Tổng thiệt hại ở các địa phương, ước tính lên gần 460 tỷ đồng, trong đó nặng nhất là Lai Châu trên 315 tỷ đồng, Hà Giang trên 120 tỷ đồng, Tuyên Quang 10 tỷ đồng, Lào Cai 8,5 tỷ đồng…

Cần giải pháp tổng thề về lũ quét, sạt lở cho miền núi phía Bắc

Trao đổi với Tiền Phong, sau khi đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục từ rốn lũ, sạt ở đất đá ở Lai Châu, ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, đợt mưa từ 23-26/6 vừa rồi ở các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục lập những kỷ lục ở khu vực này.

Khu vực phía Bắc có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-300mm. Đặc biệt có những nơi mưa rất lớn như Nậm Giàng (Lai Châu) 508mm, Nà Hử (Lai Châu) 398mm, Bắc Quang (Hà Giang) 380mm...

Theo ông Hoài, đợt mưa lớn vừa rồi là đợt mưa trái mùa. “Mùa này, thường mưa lớn ở Đông Bắc nhưng đợt mưa này ở phía Tây Bắc, thượng nguồn sông Đà, thậm chí bên Trung Quốc cũng có mưa lớn diện rộng. Đặc biệt, ở khu vực Lai Châu có địa hình dốc, chủ yếu là núi đất, dễ bị sạt trượt. Những khu vực bám theo tuyến đường sạt lở nghiêm trọng”- ông Hoài nói.

33 người chết và mất tích do mưa lũ, sạt lở đất ảnh 2  Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai dẫn đầu đoàn Công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đến xã Noong Hẻo (Sìn Hồ, Lai Châu)- khu vực bị thiệt hại nặng do sạt lở để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và tìm kiếm người mất tích

Qua thực tế, ông Hoài cho hay, đợt mưa lũ vừa qua ở Lai Châu, không chỉ diễn ra ở khu vực rừng trồng, mà ngay cả rừng nguyên sinh cũng sạt. Vấn đề là mưa kéo dài, hạt đất bở rời, địa hình dốc, cùng đó lũ từ các con suối tuồn ra rất lớn.

Chưa kể, ngoài việc Trung Quốc xả lũ, ngay cả lượng mưa rất lớn trong vùng cũng khiến mực nước các hồ thủy điện dâng 4-6 mét trong vòng vài tiếng.

“Cùng với vấn đề thời tiết, khí hậu ngành càng cực đoan, do quá trình phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng hạ tầng, nên hệ thống sông suối ngày càng bị thu hẹp, thậm chí nước dâng cả mặt cầu, lột cả tấm bê tông áp phan. Người dân với tập quán sống ven sông, suối, nên khi có lũ về rất nguy hiểm, gây thiệt hại lớn về người và tài sản”- ông Hoài nói.

Cũng theo ông Hoài, hiện thệ thống dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng được so với yêu cầu. Cùng đó, việc cập nhận và nâng cao nhận nhận thức của người dân trước sự biển đổi ngày càng nguy hiểm của thiên tai còn hạn chế. Người dân nhiều nơi còn chủ quan, vẫn dựa theo kinh nghiệm trước đây, trong khi thiên tai đã biến đổi rất nhiều.

33 người chết và mất tích do mưa lũ, sạt lở đất ảnh 3

Lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng cho rằng, tới đây, cần tập trung vào việc truyền thông cho bà con về kiến thức phòng chống thiên tai. Trong đó, địa phương phải khẩn trương xây dựng lực lượng xung kích, trong đó có lãnh đạo thôn bản, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên, phụ nữ…vừa truyền thông, vừa trực tiếp hỗ trợ người dân ứng phó khi có thiên tai.

Theo ông Hoài, tới đây, sẽ tiếp tục đầu tư ứng dụng thêm công nghệ vào dự báo, cảnh báo lũ, nhất những thiết bị tự đông. “Lũ quét ầm ầm và khoảng 2 tiếng nữa sẽ đến khu dân cư, khó ai có thể thông báo đến tận từng hộ gia đình được nên phải có thiết bị tự động để cảnh báo”- ông Hoài chia sẻ.

Để hạn chế những thiệt hại đáng do thiên tai, cần có một chương trình toàn diện về phòng chống thiên tai ở miền núi phía Bắc, nhất là vấn đề lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, cần sắp xếp lại khu dân cư, gắn với phát triển kinh tế của người dân thì mới bền vững được.

MỚI - NÓNG