Mưa lũ tại Lai Châu, Hà Giang: Không để dân đói khát

Khắc phục đường sạt lở do mưa lũ tại huyện Tân Uyên (Lai Châu). Ảnh: TTXVN.
Khắc phục đường sạt lở do mưa lũ tại huyện Tân Uyên (Lai Châu). Ảnh: TTXVN.
TP - Liên tiếp trong ba ngày (24, 25, 26/6), tỉnh nghèo biên giới Lai Châu phải hứng chịu nhiều trận mưa lớn trên diện rộng và kéo dài. Chỉ trong 36 giờ qua, có trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh này đo được lượng mưa từ 440mm - 463mm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến lũ quét, sạt lở đất đá khiến một loạt địa phương bị thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đã có tới 7/8 huyện thị của tỉnh Lai Châu bị ảnh hưởng.

Nhiều gia đình ở Lai Châu mất trắng nhà cửa, ruộng vườn, ao, bể nuôi trồng thủy sản. Lũ quét khốc liệt chỉ trong thời gian ngắn đã xóa sổ không còn vết tích nhiều nhà dân, trong đó các huyện Tân Uyên, Sìn Hồ bị thiệt hại nặng nề. Cuộc sống của cả ngàn hộ dân đang đối mặt nguy cơ đói kéo dài sau lũ. Hiện nay, mực nước ở các sông, suối, hồ đã lên tới đỉnh điểm, và mưa vẫn không có dấu hiệu giảm, lượng nước đổ về ngày càng mạnh, tiềm ẩn lũ chồng lũ khiến công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bội phần khó khăn.

Tính đến cuối giờ chiều qua, Lai Châu có 14 người chết, 11 người mất tích và 11 người bị thương. Thống kê có 259 ngôi nhà bị sạt lở gây hư hỏng, 55 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn và hàng chục nhà bị ngập úng, 77 con trâu và 5.000 con gia cầm bị lũ cuốn mất xác; gần 700ha lúa, hoa màu bị ngập úng và đất đá vùi lấp. Nhiều trại nuôi cá tầm, cá hồi trị giá hàng chục tỷ đồng của dân bị xóa sổ. Hệ thống thủy lợi, cấp nước sinh hoạt và công trình điện bị tàn phá nghiêm trọng trên diện rộng, trong đó có 74 công trình thủy lợi quan trọng bị hư hỏng gây ảnh hưởng xấu rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lai Châu. Thiệt hại nặng nề và đặc biệt nghiêm trọng đối với hệ thống giao thông đã gây tê liệt vận tải và đi lại, trong đó các quốc lộ 4D, 279, 32, 12, 4H và một loạt đường tỉnh bị sạt lở rất nguy hiểm, ách tắc giao thông dài ngày.

Nhiều phương tiện di chuyển tuyến Lào Cai - Lai Châu đã bị kẹt lại ngang đường vì sạt lở đã gần ba ngày qua, trong đó điểm Km75 quốc lộ 4D (đoạn qua xã Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu) bị sạt lở rộng, khối lượng đất đá đổ xuống đường quá lớn. Đã có người phải nhịn đói chờ thông đường, trong đó có cả phụ nữ mang theo con nhỏ còn bú sữa. Lực lượng cứu hộ đã phải huy động thêm người hỗ trợ, tiếp thức ăn khi số lượng ô tô, xe máy bị tắc tăng lên. Cho đến chiều qua quốc lộ 4D đã tạm thông dưới nỗ lực cao độ của lực lượng công an, đoàn viên thanh niên, công nhân xây dựng liên tục đào xúc, di chuyển đất đá.

Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo tỉnh Lai Châu cho biết đã thống kê sơ bộ thiệt hại về tài sản lên tới 300 tỷ đồng. Tỉnh đã huy động tối đa nhân lực, trong đó quân đội, công an và hàng ngàn đoàn viên, thanh niên là chủ lực khắc phục thiệt hại theo phương châm “bốn tại chỗ” giúp đỡ nhân dân bị nạn, di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao (293 hộ), giải tỏa sạt lở để giao thông sớm nhất được thông đường.

Hôm qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt đoàn công tác của Chính phủ đã đến Lai Châu thăm hỏi, động viên đồng bào bị hại, chia sẻ những mất mát lớn của chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh, đặc biệt là các gia đình có người chết, mất tích. Phó Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng tỉnh Lai Châu phải khẩn trương hơn nữa khắc phục hậu quả, bám sát thực hiện Công điện của Thủ tướng về phòng, chống thiên tai, tiếp tục ngay việc di dời dân ra vùng nguy hiểm, tổ chức mai táng chu đáo nạn nhân thiệt mạng, giúp đỡ dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, và đặc biệt là kiên quyết không để nhân dân bị đói khát do thiên tai với lượng nhu yếu phẩm cần thiết nhất. Phó Thủ tướng cũng lưu ý các lực lượng cứu nạn phải nắm bắt điều kiện thời tiết và tình huống cứu hộ để đảm bảo an toàn cho chính lực lượng này. Việc khôi phục hệ thống giao thông, điện, trường, trạm, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lai Châu và các bộ, ngành tập trung phối hợp vào cuộc ngay, nhanh chóng hỗ trợ dân việc đi lại, khám chữa bệnh, phục hồi sản xuất để ổn định cuộc sống, trong đó Bộ GD&ĐT cần có chỉ đạo, hướng dẫn địa phương đảm bảo việc học hành, thi cử của học sinh, nhất là học sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia.

Khẩn trương khắc phục hậu quả

Tại Hà Giang, tin cuối giờ chiều qua cho biết đã có 5 người chết vì mưa lũ (tăng thêm 2 người), chủ yếu do bị đá đè sạt lở  và sập nhà. Tin cũng cho hay lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể cháu Nguyễn Văn Kiên, 9 tuổi ở thôn Khuổi Khài, xã Trung Thành - bị lũ cuốn mất tích trên đường đi chợ. Tỉnh Hà Giang thống kê có 16 nhà sập hoàn toàn, 33 nhà bị cuốn trôi hoàn toàn khiến mất trắng tài sản, và 141 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở. Đặc biệt có tới gần 1.400 nhà bị ngập úng, trong đó TP Hà Giang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất (gần 1.000 ngôi nhà). Hôm qua tỉnh này tiếp tục phải di dời 43 ngôi nhà nữa ra khỏi vùng nguy hiểm.

Trao đổi với Tiền Phong, Sở NN&PTNT Hà Giang cho biết có hơn 550ha lúa ngô, mạ gieo, cây cối, hoa màu bị ngập úng và lũ cuốn trôi, số lượng gia cầm, gia súc lên đến 650 con bị lũ cuốn chết, nhiều trang trại thủy sản, cá lồng bị xóa sổ. Nhiều công trình giao thông, trong đó nghiêm trọng nhất là quốc lộ 4C bị hư hỏng nghiêm trọng do sạt la luy nhiều đoạn. Kè sông Miện bị phá hỏng và 3.700 kênh mương bị đứt gãy tại các xã Xín Chải, Minh Tân, Thuận Hòa, Quảng Ngần, Bạch Ngọc, Thượng Sơn của huyện Vị Xuyên. Đặc biệt, khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy bị sạt lở mặt bằng với khối lượng đất đá lên đến 15.000m3, nhiều trạm y tế xã, trụ sở thôn bị phá hỏng đến mức không thể sử dụng được nữa. Ước tính thiệt hại toàn tỉnh do mưa lũ, úng ngập lên tới 122 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng đã huy động tối đa các nguồn lực khắc phục hậu quả,  tiếp tục phương châm “bốn tại chỗ” giúp đỡ các hộ gia đình bị thiệt hại, thăm hỏi động viên gia đình có người chết, di dời người và tài sản, dọn dẹp vệ sinh, cào bùn đất ở hàng loạt con phố tại TP Hà Giang.

Trong một nỗ lực đáng khen ngợi, lực lượng Công an tỉnh Hà Giang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa các em học sinh đến điểm thi THPT an toàn, không bỏ sót trường hợp nào bằng sức lực, phương tiện đặc chủng. Hàng ngàn lượt đoàn viên, thanh niên, công an xã, dân quân tự vệ đã được huy động kịp thời giúp dân sơ tán, di dời tài sản, đưa hàng trăm hộ có nguy cơ bị sạt lở đất và ngập úng đến nơi tránh nạn an toàn. Hiện nước ngập ở thành phố Hà Giang đã rút.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.