Vụ Thống kê Thương mại Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) vừa có những lý giải liên quan tới số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc chênh lệch quá lớn. Theo đó, năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhập khẩu của Trung Quốc 5 tỷ USD (tương đương 33%). Trong khi nhập khẩu của Việt Nam thấp hơn xuất khẩu từ Trung Quốc 20 tỷ USD (tương đương 46%), trong khi chênh lệch các số liệu trên giữa Việt Nam với các nước đối tác khác không nhiều.
Về nhập khẩu, chênh lệch số liệu của Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu ở nhóm hàng tiêu dùng và nguyên liệu đầu vào cho gia công, sản xuất (như dệt may, giày dép, bông vải, máy móc, thiết bị…), với số chênh lệch khoảng 12,5 tỷ USD (chiếm trên 60%).
Theo Tổng cục Thống kê, sự chênh lệch trên do hoạt động nhập khẩu lậu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, như rau quả, quần áo, giày dép, đồ dùng gia đình… “Phía Trung Quốc kiểm soát tốt nên hàng hóa được tính đầy đủ trong xuất khẩu của họ. Trong khi Việt Nam không kiểm soát được nguồn hàng nhập lậu này vì thế không thống kê được trong con số nhập khẩu của Việt Nam. Một số nước coi đây là “hoạt động kinh tế ngầm”, Tổng cục Thống kê lý giải.
Cùng với đó, số liệu khác nhau còn có nguyên nhân từ gian lận thương mại, khi nhiều doanh nghiệp Việt nhập khẩu (đặc biệt với hàng chịu thuế) đã thông đồng với doanh nghiệp đối tác khai giá rẻ hơn giá trị thật để hưởng mức thuế thấp. Trong khi, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể khai trị giá xuất khẩu cao để hưởng thuế khấu trừ lớn.
Đồng thời, đơn vị thống kê Việt Nam cho rằng, đang có khác biệt về phương pháp và phạm vi thống kê giữa 2 nước (hàng tạm nhập, tái xuất từ Trung Quốc qua Việt Nam không được thống kê là hàng Việt Nam nhập, nhưng Trung Quốc vẫn thống kê là hàng xuất sang Việt Nam). Ngoài ra, còn có khác biệt trong xác định giá trị lô hàng giữa hải quan 2 nước. Đặc biệt, theo Tổng cục Thống kê, có sự lẫn lộn giữa hàng hóa và dịch vụ xuất nhập khẩu trong thống kê, khi một số sản phẩm được Việt Nam tính vào dịch vụ trong khi Trung Quốc vẫn tính là hàng hóa, như phần mềm, trò chơi điện tử...
Do đó, theo cơ quan thống kê Việt Nam, để số liệu thống kê chính xác hơn, cần có sự phối hợp rà soát, phân tích số liệu chi tiết thông qua một nhóm công tác của Hải quan 2 nước. Đồng thời, Việt Nam cần có các biện pháp hiệu quả trong việc quản lý các luồng hàng hóa có liên quan đến Trung Quốc, đặc biệt là kiểm soát buôn lậu, gian lận thương mại.
Về xuất khẩu của Việt Nam chênh lệch số liệu của Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu ở nhóm hàng máy móc, thiết bị điện và linh kiện (với 5,5 tỷ USD); và nhóm hàng khoáng sản. Nguyên nhân, theo Tổng cục Thống kê, do hàng Việt Nam sau khi sản xuất được chuyển đến một nước thứ 3 và Trung Quốc nhập khẩu các hàng hóa này từ nước thứ 3 đó.
Theo Tổng cục Thống kê, số liệu xuất nhập khẩu của Việt Nam đã được tổng hợp theo chuẩn mực quốc tế, trên cơ sở khuyến nghị của Cơ quan thống kê Liên Hợp Quốc (UNSD). Nguồn số liệu chính được lấy từ tờ khai hải quan do Tổng cục Hải quan thu thập, tổng hợp và báo cáo. Về giá trị, xuất khẩu được tính theo giá giao hàng tại biên giới Việt Nam, nhập khẩu được tính theo giá về đến biên giới Việt Nam (giá hàng hóa cộng thêm chi phí vận tải, bảo hiểm).