18 năm và 10 cuộc thi Hoa hậu

18 năm và 10 cuộc thi Hoa hậu
TP - Lần đầu tiên sau 1975, Việt Nam tổ chức thi Hoa hậu. Dù qui mô còn khiêm tốn song là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong “lịch sử” các cuộc thi Hoa hậu của báo Tiền phong và phong trào chung.
18 năm và 10 cuộc thi Hoa hậu ảnh 1
Các Hoa hậu: Ngọc Khánh, Thu Thủy, Mai Phương, Diệu Hoa (từ trái qua) đã có mặt tại Hòn Ngọc Việt

Năm 1988. Tên cuộc thi:  Hoa hậu Hội báo Tiền phong. Hoa hậu Bùi Bích Phương.

Lần đầu tiên sau 1975, Việt Nam tổ chức thi Hoa hậu. Dù qui mô còn khiêm tốn song là sự kiện văn hóa của thanh niên và của xã hội, đánh một dấu mốc quan trọng trong “lịch sử” các cuộc thi Hoa hậu của báo Tiền phong và phong trào chung.

Lúc đăng quang, Bùi Bích Phương vừa tốt nghiệp THPT, chuẩn bị vào khoa Tiếng Anh Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hiện nay: Thạc sĩ, Giám đốc Quĩ giáo dục cao học Hàn Quốc tại VN.

Năm 1990. Từ 1990 đến 2000, tên gọi cuộc thi là: Hoa hậu toàn quốc. Hoa hậu: Nguyễn Diệu Hoa (sinh viên khoa Tiếng Nga Đại học Ngoại ngữ HN). Từ đây bắt đầu cách thức sơ tuyển từ các địa phương, các miền. Chung kết tổ chức tại Hà Nội, nâng qui mô lên một tầm mới so với lần đầu.

Hiện Hoa hậu Diệu Hoa là Giám đốc kinh doanh Cty Phoenix Commoditis Pte LTD. Là Hoa hậu biết 5 ngoại ngữ: Nga, Anh, Pháp, Thái Lan, Hindi.

Năm 1992. Lần đầu tiên chung kết tại TPHCM. Hoa hậu Hà Kiều Anh. Bắt đầu mở ra thời kì mà các cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ thế giới có đại diện Việt Nam- Hoa hậu do báo Tiền phong tổ chức.

Từ cuộc 1992, chiều cao và học vấn của thí sinh nâng lên rõ rệt, nâng dần qua các thời kì. Nếu như Bùi Bích Phương và Nguyễn Diệu Hoa đăng quang với chiều cao chỉ trên dưới 1m60 thì Hoa hậu Hà Kiều Anh: 1m69 (sau này Kiều Anh còn cao thêm vài cm nữa).

Năm 1993, Hoa hậu Hà Kiều Anh (khi đó là sinh viên Nhạc viện TPHCM) tham gia cuộc thi Hoa hậu sinh viên thế giới (Miss World University Contest) tổ chức tại Taejon- Hàn Quốc gồm 57 nước, chung cuộc Kiều Anh đứng thứ 5 trong số 10 người đẹp nhất và đoạt giải Hoa hậu Taejon (Miss Taejon). Hiện: Giám đốc Cty TNHH Việt Vương.

Năm 1994. Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy đăng quang khi đang là sinh viên Đại học Ngoại giao. Hiện: Giám đốc thẩm mỹ Bellisima tại Hà Nội.

Năm 1996. Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga, sinh viên ở TPHCM. Hiện làm việc và sinh sống tại Mỹ.

Năm 1998. Đêm chung kết diễn ra tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng với số khán giả kỉ lục so với trở về trước. Hoa hậu Nguyễn Thị Ngọc Khánh khi đăng quang là tiếp viên hàng không. Hiện: Giám đốc điều hành Cty mỹ phẩm Misha.

Năm 2000. Chung kết cuộc thi Hoa hậu trong năm chuyển giao thiên niên kỉ mới diễn ra ở TPHCM. Hoa hậu Phan Thu Ngân (Sinh viên). Hiện: Nội trợ và là mẹ của 2 con nhỏ.

Năm 2002. Từ 2002, tên gọi chính thức của cuộc thi là: Hoa hậu Việt Nam. Hoa hậu Phạm Thị Mai Phương vừa tốt nghiệp THPT, chuẩn bị vào ĐH.

Tháng 11/2002, Hoa hậu Mai Phương tham dự cuộc thi Hoa hậu thế giới (Miss World 2002) tổ chức tại London gồm 94 nước, lọt vào Top 20 người đẹp nhất. Năm 2003, Mai Phương nhận học bổng toàn phần của trường Đại học Luton (UK). Hiện đã hoàn thành năm học thứ 2, khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Luton với kết quả học tập đạt loại giỏi 2 năm liền.

Năm 2004. Vòng chung kết diễn ra tại đảo Tuần Châu- Hạ Long và được truyền hình trực tiếp, lập một kỉ lục mới về lượng khán giả và tầm vóc một cuộc thi sắc đẹp trong nước. Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền (Sinh viên báo chí). Dư âm “hậu Hoa hậu” cho thấy mức độ thành công không chỉ về địa điểm, hình thức tổ chức…

Tháng 12/2004, Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới (Miss World 2004) tổ chức tại đảo Hải Nam (Trung Quốc) gồm 97 nước, lọt Top 15 người đẹp nhất. Năm 2005, nhận học bổng toàn phần của trường Đại học Middlesex (UK). Hiện Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền vừa hoàn thành năm học đầu tiên tại khoa Báo chí Đại học Middlesex.

Năm 2006. Lần tổ chức thứ 10, qui mô lớn nhất trong lịch sử 18 năm. Vòng chung kết diễn ra tại một thắng cảnh biển miền Trung, được coi là độc đáo. Chung kết kéo dài 11 ngày, thể thức trong đó có giải phụ tiến hành- gần với cuộc thi sắc đẹp thế giới. Dự kiến thu hút lượng người quan tâm lớn nhất trước nay với các hệ thống: Bình chọn qua mạng điện thoại và Internet, truyền hình trực tiếp, khán đài sức chứa lớn.

13/34 thí sinh vào chung kết có chiều cao từ 1m70 trở lên, 19/34 thí sinh cao 1m65 trở lên, kỉ lục có thí sinh cao 1m79. Đến từ nhiều miền đất nước: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng,  Nha Trang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Đà Lạt, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Bình Định, Đăk Lăk, Tiền Giang, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Dương…

Có thí sinh là người dân tộc K’Ho ở Tây Nguyên, có thí sinh gốc dân tộc Chăm, lai Hoa kiều. Có người (chuẩn bị) là sinh viên của ĐH nước ngoài, không phải sau cuộc thi mới giành được học bổng. Có người chơi giỏi trên 5 môn thể thao. Có người từng đoạt giải 3 môn Địa lý quốc gia, được tuyển thẳng vào ĐH.

MỚI - NÓNG