1.522 ca mắc COVID, 102 bệnh nhân nặng: Sớm cập nhật hướng dẫn điều trị

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tất cả biến thể phụ Omicron phổ biến trên thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam. Dự kiến tuần này nước ta cập nhật hướng dẫn điều trị COVID-19 phù hợp với tình hình mới.

Ngày 18/4, Việt Nam ghi nhận 1.522 ca mắc COVID-19 và 102 bệnh nhân nặng. Đây là ngày có số ca mắc mới và ca nặng cao nhất trong gần 1 năm qua tại nước ta. Tại cuộc họp về tình hình dịch bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Omicron đang lưu hành rộng rãi trên thế giới với một số biến thể phụ như BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBB, XBB.1.16, XBB.1.9.1, XBB.1.5, XBF… Trong đó, biến thể phụ XBB.1.5 đã có mặt tại 95 quốc gia.

“Đến thời điểm này, biến thể Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện lưu hành ở hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế”, GS Lân nói. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 2.070 ca mắc COVID-19, trung bình 160 ca mắc mỗi tuần, tỉ lệ bệnh nặng/mắc là 1,3%. Từ đầu tháng 4 đến nay, số mắc có xu hướng tăng. Từ ngày 1- 7/4 có 278 ca/tuần, tỉ lệ nặng/mắc là 1,4%; từ ngày 8 - 14/4 tăng lên 2.000 ca, nhưng tỉ lệ nặng/mắc giảm còn 1,1%. “Kết quả giám sát giải trình tự gien cho thấy, các biến thể phụ phổ biến trên thế giới đều đã ghi nhận tại Việt Nam”, ông Lân nói.

1.522 ca mắc COVID, 102 bệnh nhân nặng: Sớm cập nhật hướng dẫn điều trị ảnh 1

Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, bệnh viện tiếp nhận điều trị 20 ca mắc COVID-19 trong tháng Một, 21 ca tháng Hai, 45 ca tháng Ba, 47 ca trong tuần đầu tháng Tư, 85 ca trong tuần thứ hai. Đến cuối chiều 18/4, bệnh viện đang điều trị 146 ca, trong đó có 21 ca có dấu hiệu chuyển nặng. “Trong số 21 bệnh nhân này, hầu hết trên 70 tuổi. Phần lớn có bệnh nền kèm theo như tiểu đường, huyết áp, lao, HIV, COPD, viêm gan, xơ gan…”, bác sĩ Hà cho hay. Bệnh viện đã thành lập đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.

Các bác sĩ điều trị cho biết, triệu chứng của bệnh COVID-19 nhẹ, giống cúm nên nhiều trường hợp bị bỏ sót. Đây là chính là nguồn lây nhiễm lớn trong cộng đồng, nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Trong khi đó, hiệu lực bảo vệ của vắc-xin suy giảm theo thời gian, nhiều người có nguy cơ tái mắc COVID-19.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Văn Học, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho biết: “Từ đầu tháng Tư đến nay, số người bệnh đến khám tại bệnh viện có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 có xu hướng tăng”. Trước đó, trung bình một tháng, bệnh viện chỉ tiếp nhận 10-15 ca dương tính. Nhưng từ đầu tháng 4 đến nay, khoa Cấp cứu tiếp nhận đến 68 ca, riêng ngày 11/4 có đến 18 trường hợp. Trong đó, tỉ lệ nhập viện điều trị là khoảng 25% (17/68 bệnh nhân). Bác sĩ Học cho biết, so với trước đây, triệu chứng của bệnh hầu như không thay đổi nhiều. Phần lớn bệnh nhân vào viện với các biểu hiện gần giống cúm và các loại sốt virus khác như hắt hơi, sổ mũi, đau rát họng, ho khan, sốt, đau mỏi người... Một số trường hợp vào khám với triệu chứng ho khan dai dẳng 5-7 ngày.

Tuần này cập nhật hướng dẫn điều trị phù hợp

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, Cục đang phối hợp với các chuyên gia để rà soát lại hướng dẫn điều trị COVID-19. Trong tuần này dự kiến họp Hội đồng chuyên môn để rà soát, cập nhật hướng dẫn điều trị phù hợp với tình hình mới. Đối với việc sàng lọc tại bệnh viện, hiện vẫn duy trì chủ trương sàng lọc tại các khoa nguy cơ cao như hồi sức tích cực, lọc máu, hậu phẫu... “Nếu bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng COVID-19, cần xét nghiệm sàng lọc ngay để tách bệnh nhân ra khu vực riêng, tránh lây lan dịch bệnh. Cùng đó, các bệnh viện cần tiếp tục truyền thông, nhắc nhở người bệnh, người nhà bệnh nhân và cả nhân viên y tế duy trì đeo khẩu trang trong môi trường bệnh viện”, TS Khoa nói.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa cấp thêm cho Hà Nội 10.000 liều vắc-xin phòng COVID-19. Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tổng hợp nhu cầu vắc-xin để tiêm 6 tháng cuối năm 2023, đặc biệt cho đối tượng nguy cơ.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu sớm họp hội đồng chuyên môn, rà soát, cập nhật hướng dẫn điều trị, tổ chức phổ biến. Các đơn vị rà soát lại các nội dung về cấp phép, mua sắm, tiếp nhận tài trợ, phân bổ, điều chuyển trang thiết bị, thuốc, vắc xin… để chủ động phòng chống dịch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền thông điệp về phòng chống dịch COVID-19 để người dân tuân thủ 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở điều trị tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, giảm thiểu lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, đặc biệt bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi…), người bệnh nằm điều trị tại khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật.

Ngày 18/4, Sở Y tế TPHCM cho biết, miễn dịch cộng đồng đối với SARS-CoV-2 ở TPHCM giảm từ 98,7% trong tháng 9/2022 xuống 96,7% hiện nay. Cùng với sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5, số ca mắc COVID-19, hầu hết là người cao tuổi, bắt đầu tăng nhẹ tại TPHCM. Sở Y tế đang xem xét kích hoạt trở lại “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” để giúp người lớn tuổi, người có bệnh lý nền tránh nguy cơ nhiễm bệnh hoặc diễn tiến nặng khi mắc COVID-19.

HỮU HUY

MỚI - NÓNG