150 tỷ đồng bơm nước sông Hồng rửa Tô Lịch: Có khả thi không?

Công ty Thoát nước Hà Nội dự kiến dùng hơn 150 tỷ đồng để bơm nước sông Hồng vào hồ Tây, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. Ảnh: Anh Trọng
Công ty Thoát nước Hà Nội dự kiến dùng hơn 150 tỷ đồng để bơm nước sông Hồng vào hồ Tây, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. Ảnh: Anh Trọng
TP - Cuối tuần qua, 3 đơn vị gồm Liên Hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật, Hội Quy hoạch phát triển Đô thị và Hội Xây dựng thành phố Hà Nội đã tổ chức hội thảo về dự án lấy nước sông Hồng để cải thiện nước hồ Tây, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. Hội thảo nhằm đưa ra phương án có tính khả thi cao cho vấn đề này.  

Xây đập tràn cho sông Tô Lịch

Báo cáo tại hội thảo, ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội) cho biết, để cải thiện môi trường nước hồ Tây và sông Tô Lịch từ 5 năm qua, UBND thành phố đã nhất trí chủ trương và giao cho đơn vị xây dựng dự án bơm nước sông Hồng vào hồ Tây, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch.

Cụ thể, dự án đã được công ty xây dựng xong với hai nội dung thực hiện chính: Thứ nhất, đối với việc bơm nước sông Hồng vào hồ Tây, đơn vị sẽ xây một trạm bơm ngầm, cố định, được đặt sát mép sông. Trạm gồm 4 tổ bơm công suất 2.500m3/h, trong đó có 3 máy bơm hoạt động thường xuyên, 1 máy bơm dự phòng. Xây tuyến ống xả dẫn nước bắt đầu từ trạm bơm, chạy qua ngõ 464 Âu Cơ - qua đê - đi theo đường Lạc Long Quân - đi vào ngõ 612 Lạc Long Quân - đi vào lòng mương tiêu cạnh công viên nước để dẫn nước vào hồ Tây.

150 tỷ đồng bơm nước sông Hồng rửa Tô Lịch: Có khả thi không? ảnh 1 Công ty Thoát nước Hà Nội dự kiến dùng hơn 150 tỷ đồng để bơm nước sông Hồng vào hồ Tây, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. Ảnh: Anh Trọng

Thứ hai, sau khi nước hồ Tây được bổ cập nước, cửa điều tiết A, B của hồ tại khu vực đường Lạc Long Quân sẽ hoạt động để xả nước ra sông Tô Lịch. Khi sông Tô Lịch đã có dòng chảy, tại phía cuối nguồn khu vực cầu Dậu (Thanh Trì), cách thượng nguồn phía hồ Tây khoảng 11,7km, đơn vị thực hiện sẽ xây dựng đập dâng (hình thức dạng đập tràn) bằng chất liệu cao su, nhằm giúp giữ và dâng mực nước sông có dòng chảy sâu. “Khi mực nước sông dâng cao và có dòng chảy, ngoài giải quyết tình trạng nước tù đọng, ô nhiễm, việc này còn giúp cho thành phố có thể phát triển du lịch, giao thông đường sông như xe buýt đường thủy”, ông Hùng nói.

Trước băn khoăn của chuyên gia, nhà khoa học rằng, “do phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh nên hiện nay nước sông Hồng cũng không phải là sạch?”, ông Hùng nói: Cùng với trạm bơm, các đơn vị thực hiện dự án sẽ xây dựng hai bể lắng, bể lắng thứ nhất có nhiệm vụ lắng cát thô, bể lắng thứ hai có nhiệm vụ lắng cát tinh và các quy trình xử lý nước khác, sau đó mới bơm nước vào hồ Tây.

Cần làm rõ tác động tới con sông khác

Đồng tình với giải pháp xử lý và đưa nước sông Hồng vào hồ Tây, nhưng ông Tô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Quy hoạch - Phát triển đô thị Hà Nội lưu ý thêm: Việc bổ cập nước cần được tiến hành song song với các biện pháp khác như nạo vét, gây dựng hệ động thực vật thủy sinh phù hợp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, đánh giá tác động của nguồn nước mới với môi trường sinh thái, hệ thủy sinh trong hồ.

Ông Phạm Văn Cường, Hội Xây dựng thành phố Hà Nội cũng nêu quan điểm, việc xây dựng hồ lắng cần tính toán diện tích phù hợp và đặt ngoài đê gần sông Hồng và trạm bơm, để việc quản lý nạo vét cặn lắng được thuận tiện và giải phóng mặt bằng đỡ tốn kém; cần kiểm tra chất lượng hồ Tây, sông Tô Lịch và hồ lắng ngoài sông Hồng trong quá trình vận hành, để bảo đảm kiểm soát chất lượng nước.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, do có ý nghĩa trong việc xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ Tây và sông Tô Lịch nên phương án trên đã được UBND thành phố Hà Nội đề cập từ năm 2012, sau đó giao cho Công ty Thoát nước xây dựng dự án. Tuy nhiên, các lần đề xuất trước chưa giải quyết được tổng thể nên chưa được xem xét thấu đáo. Lần này, dự án được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, đại diện các tổ chức xã hội đã được chỉnh sửa, bổ sung theo hướng tổng thể, bền vững hơn. “Đặc biệt, vấn đề mà dư luận lo ngại lâu nay là chất lượng nước sông Hồng và lượng phù sa trong nước sẽ được phân tích, xử lý thế nào thì lần này đơn vị xây dựng dự án đã có hướng giải quyết rõ ràng”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

Tuy vậy, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng lưu ý thêm, dự án có nêu việc tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch sẽ kết nối mang tính bền vững với hệ thống sông Hà Nội (4 con sông), cần làm rõ thêm sẽ kết nối thế nào? Liệu tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch có ý nghĩa gì hoặc có tác động gì khi nước sông Tô Lịch đẩy vào các con sông khác ở phía cuối nguồn như sông Lừ, sông Sét, sông Nhuệ?…

Thay mặt cho đơn vị tổ chức gồm Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật, Hội Quy hoạch phát triển Đô thị và Hội Xây dựng thành phố Hà Nội, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, về tổng thể dự án, các hiệp hội nhất trí để dự án hoàn chỉnh trình thành phố. Cùng với đó, các hiệp hội cũng ra văn bản chung gửi lãnh đạo UBND thành phố về các góp ý cho dự án tại hội thảo. Cũng theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, tuy chưa được thành phố phê duyệt nhưng dự trù kinh phí để thực hiện dự án trên được Công ty Thoát nước báo cáo là 150 tỷ đồng.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng lưu ý thêm, dự án có nêu việc tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch sẽ kết nối mang tính bền vững với hệ thống sông Hà Nội (4 con sông), cần làm rõ thêm sẽ kết nối thế nào? Liệu tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch có ý nghĩa gì hoặc có tác động gì khi nước sông Tô Lịch đẩy vào các con sông khác ở phía cuối nguồn như sông Lừ, sông Sét, sông Nhuệ?…

MỚI - NÓNG