Dừng thí điểm công nghệ Nhật, Hà Nội tính cứu sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng

Sông Tô Lịch hiện ô nhiễm nghiêm trọng
Sông Tô Lịch hiện ô nhiễm nghiêm trọng
TPO - UBND thành phố Hà Nội vừa xin ý kiến các nhà khoa học hoàn thiện Dự án Xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch. Theo đề án, nước từ sông Hồng sẽ được bổ cập vào hồ Tây sau đó điều tiết ra sông Tô Lịch, để “hồi sinh” con sông này.

Theo ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch Cty Thoát nước Hà Nội, trong những năm gần đây mực nước hồ Tây đang bị cạn kiệt dần (nhiều chỗ chỉ còn 0,5 m nước). Điều đó dẫn đến tình trạng ô nhiễm hồ Tây ngày càng nghiêm trọng hơn. Để cải thiện chất lượng nước hồ Tây, cùng với việc nạo vét bùn, theo ông Hùng việc cung cấp nước bổ sung là hết sức cần thiết.

Song song đó, thành phố Hà Nội cũng tính tới việc tạo dòng chảy để “hồi sinh” sông Tô Lịch. Theo phương án, nước từ sông Hồng được bơm vào hồ Tây, khi đạt mực nước cần thiết, thành phố sẽ cho mở các cửa xả ra sông Tô Lịch. Theo phương án này, mỗi ngày thành phố Hà Nội dự kiến bơm hơn 134 nghìn mét khối nước vào hồ Tây (bơm 26 ngày/tháng).

Thành phố Hà Nội dự tính đặt trạm bơm cố định nằm cách chân cầu Nhật Tân khoảng 600 m, về phía hạ lưu. Hệ thống đường ống xả sau máy bơm gồm 4 ống đường kính 600 mm, kết nối vào đường ống chung có đường kính 1200 mm, dẫn đến bể xử lý nước cạnh công viên nước hồ Tây. Tổng chiều dài đường ống dẫn nước khoảng 1.960 m, chạy dọc theo ngõ 464 Âu Cơ - Lạc Long Quân vào ngõ 612 Lạc Long Quân đến mương tiêu cạnh hồ Tây vào bể lắng xử lý phù sa sông Hồng.

Trong đề án, thành phố Hà Nội cũng cho biết, sẽ xây dựng một con đập cao su (có đường kính 1,5 m, cao 2,5 m) ở cuối nguồn sông Tô Lịch, cách thượng lưu 11,7 km. Với đập cao su này, đơn vị liên quan sẽ khống chế cao độ mực nước trên sông, đảm bảo mục tiêu khai thác giao thông thủy và giải quyết úng ngập trong mùa mưa bão.

UBND thành phố Hà Nội cho rằng, dự án trên mang tính bền vững và sẽ khắc phục được một số hạn chế mà các vấn đề về quy hoạch cũng như các dự án khác đang triển khai nhưng chưa giải quyết được tình trạng ô nhiễm ở hồ Tây và sông Tô Lịch.

Cùng với việc tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch, thành phố Hà Nội cũng đang xây dựng hệ thống tuyến đường ống tách nước thải ra khỏi con sông này. Cụ thể, từ năm 2016, thành phố Hà Nội đã khởi công dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000 m3/ngày đêm.

Trước đó, UBND  thành phố Hà Nội có thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tại buổi làm việc với Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản về kết quả thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản.

Đáng chú ý, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho rằng, trong quá trình thực hiện, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản và Công ty JVE đã không tuân thủ yêu cầu của thành phố. Cụ thể, sử dụng thông tin truyền thông trong quá trình thử nghiệm để khuếch trương công tác thí điểm xử lý khi chưa có kết quả thử nghiệm; không phối hợp với các cơ quan khi xử lý thông tin, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội.

 UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng rà soát, giới thiệu một hồ nước đọng trên địa bàn thành phố  để tổ chức trên xử lý mùi và làm sạch nước, bùn hồ bằng công nghệ nano-bioreactor. Quá trình thực hiện phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định; không công bố, thông tin kết quả cho công luận khi chưa được cơ quan chức năng đánh giá kết quả thử nghiệm.

MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương. 
Đằng sau hợp tác không gian Mỹ-Nga-Trung
Đằng sau hợp tác không gian Mỹ-Nga-Trung
TP - Hợp tác không gian Mỹ-Trung và Nga-Trung đang được đẩy mạnh vì các chiến lược, chương trình không gian của 3 nước có nhiều điểm chung và giúp tăng cường quan hệ song phương về tổng thể trong bối cảnh địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt.