Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh trao tặng danh hiệu cho 10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2014. Ảnh: Như Ý
Hiến đất xây bảo tàng, làm đường
Chuyện về những đóng góp của ông Lâm Văn Bảng - Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (sinh năm 1943) có nhiều điều chưa mấy ai biết. CCB Lâm Văn Bảng từng bị địch bắt giam cầm ở trại giam Phú Quốc. Là Phó ban liên lạc tù binh Việt Nam, ông trực tiếp cùng với đồng đội, với K92 tỉnh Kiên Giang tìm được 1.620 hài cốt liệt sĩ bị địch thủ tiêu tại nhà tù Phú Quốc.
Ông đã dành nhiều thời gian sưu tầm các hiện vật, kỷ vật chiến tranh và tự nguyện góp tiền xây dựng Bảo tàng trên khu đất hơn 2.000m2 của dòng họ để làm khu trưng bày. Ông đã không quản đường sá xa xôi, sưu tầm gần 4.000 hiện vật của những đồng đội để trưng bày tại Bảo tàng.
Ông Phùng Mạnh Thực, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai (sinh năm 1947) tham gia lực lượng Thanh niên xung phong từ năm 1965.
Đến năm 1970, là thương binh hạng 4/4, trở về với cuộc sống đời thường, dù vết thương cũ luôn tái phát, ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Lần lượt đảm nhiệm cương vị: Chủ tịch Hội CCB, Hội người cao tuổi, Hội cựu Thanh niên xung phong, MTTQ, Hội nông dân của xã Hòa Thạch.
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, ông đã vận động gia đình tình nguyện 3 lần hiến đất làm đường với tổng số trên 1.000m2. Từ tấm gương hiến đất làm đường của ông đã có rất nhiều người hưởng ứng và làm theo; đến nay đã có 44 hộ gia đình tự nguyện hiến trên 7.730m2 đất để làm đường.
Điểm sáng về giáo dục, đào tạo
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền (sinh năm 1945), nguyên là giảng viên của trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, là một trong những người đặt nền móng đầu tiên xây dựng trường THDL Đoàn Thị Điểm, một điểm sáng về giáo dục đào tạo của Thủ đô.
Với tinh thần dám nghe, dám làm, sáng tạo, bà đã lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng nhà trường phát triển nhanh về số lượng và chất lượng đào tạo. Hiện nay trường đã có 2 cơ sở với 108 lớp, 3.176 học sinh và 374 cán bộ, giáo viên và trở thành một trong những trường dân lập lớn nhất của Thủ đô.
Bà Hồ Hương Nam - Phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (sinh năm 1932), nguyên là giáo viên trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám cũng có cách cống hiến thật đáng trân trọng. Sau khi nghỉ hưu, bà tham gia công tác tại phường Yên Phụ (làm Chi hội trưởng Hội phụ nữ khu dân cư 10 năm, tham gia tình nguyện viên công tác xã hội sau cai nghiện tái cộng đồng xã hội, tham gia Hội người cao tuổi, BCH Hội khuyến học phường, Chi hội trưởng Hội khuyến học khu dân cư).
Năm 1997, bà đã mở lớp học tình thương ở khu dân cư số 6. Lúc đầu là dạy cho các cháu trên địa bàn phường sau đó là các cháu trên địa bàn quận. Học sinh của bà đều thuộc dạng khuyết tật như trẻ em câm, điếc bẩm sinh, trẻ em tự kỷ, bệnh down…
10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2014
1. Ông Dương Tuấn Anh - Công nhân lái xe buýt, Xí nghiệp Xe buýt 10-10 Hà Nội, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội.
2. Ông Lâm Văn Bảng - Giám đốc Bảo tàng Các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, huyện Phú Xuyên.
3. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm.
4. Đại tá Trần Đức Long - Chánh Thanh tra Công an thành phố, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội.
5. Bà Hồ Hương Nam - Số 253 phố An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.
6. Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Tổng Giám đốc - đồng Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn BRG.
7. Nhạc sĩ Phú Quang - Tổ 21 phường Tứ Liên, quận Tây Hồ.
8. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động - Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức.
9. Ông Phùng Mạnh Thực - Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai.
10. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Ngọc Trọng - Số 51, ngõ Tiến Bộ, phường Khâm Thiên, quận Đống Đa.