1 tỉ cho kịch bản 1 phim hoạt hình VN

Đạo diễn Phi Phi Anh
Đạo diễn Phi Phi Anh
"Độc, dị và đỉnh'' là ba từ mà báo chí đã dành tặng cho đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh - cậu bé vàng của nhạc kịch Việt Nam. Ở tuổi 26, đạo diễn trẻ này vẫn thích người khác gọi tên mình là PPan, theo nhân vật hoạt hình Peter Pan.

- Tháng này năm ngoái, những vở nhạc kịch của bạn đã làm dậy sóng cư dân mạng, có đến 35 suất chiếu. Mọi người tò mò không biết năm nay bạn sẽ thế nào?

Thật ra lúc nào tôi cũng muốn dành thời gian làm sản phẩm trước đến khi có một cái gì đấy rồi mới khoe với công chúng. Tháng này năm ngoái tôi diễn “Góc phố danh vọng”, tháng trước đó diễn “Đêm hè sau cuối”.

Nói là 35 đêm nhưng để chuẩn bị cho 35 đêm đó là khoảng thời gian rất dài làm việc không nói với ai cả và sau đó mới ra sản phẩm. Năm nay cũng tương tự thôi. Suốt một năm vừa rồi tôi có làm một dự án liên quan đến hoạt hình, thế nhưng tôi muốn có một sản phẩm đáng để đưa ra rồi mới nói, chính vì thế tôi hạn chế không chia sẻ.

- Bạn vừa mới nhắc đến dự án hoạt hình. Với một người được đào tạo tại nước ngoài lâu như bạn có vẻ rất phù hợp với thể loại này. Nếu không quá bí mật bạn có thể chia sẻ một chút?

Đây là dự án tôi đã bắt tay làm một năm qua. Lúc tôi làm nhạc kịch, song song với thời điểm đó, tôi cũng đi tìm họa sĩ, kỹ thuật viên để xem xem mình làm được đến đâu. Đây là dự án của Vingroup và tôi là người được tín nhiếm để triển khai đồng hành.

Từ trước đến giờ tôi để ý thể loại hoạt hình ở Việt Nam mình có rất nhiều người đam mê và cũng có nhiều thử nghiệm, nhưng những clip trên youtube hoặc sản phẩm họ đưa ra thường rất ngắn tầm 5 - 10 phút hoặc cùng lắm là 20 phút nên họ chưa có cơ hội đi xa có thể vì họ không có nguồn lực.

Vậy nên lần này tôi rất mong muốn nếu mình có cơ hội mình phải làm một cái gì đó dài hơn và lớn hơn và có sức sống lâu bền. Đã gọi là hoạt hình thì có rất nhiều đối tượng khán giả, phần lớn là trẻ em nên nếu mình làm tốt sẽ mở ra rất nhiều cơ hội và nhiều cách khai thác nội dung. Vì mục tiêu lần này dài hơi hơn rất nhiều nên tôi suy nghĩ rất kỹ để làm cái gì cũng làm cho đúng cách .

- Bạn có nghĩ vì được học tập tại nước ngoài như Singapore, Mỹ, còn trẻ tuổi nhưng đã làm nhạc kịch thành công cũng sẽ thành công với thể loại hoạt hình? Bạn nghĩ yếu tố nào khiến mình được Vingroup chọn mà không phải người khác?

Thực ra tôi cũng đã làm việc được một số năm rồi thì tôi thấy trong mọi việc đều có chữ duyên. Cho nên để bắt tay với một ai đó hoặc để ai đó chọn một ai thì có rất nhiều yếu tố và chữ duyên phải chiếm đến 70% trong sự gặp gỡ đấy. Còn nếu nói như chị là đã từng học tập ở nơi nọ nơi kia, thành công nọ kia thì trong thị trường cũng có nhiều người chứ không phải riêng tôi. Nên để nói vì sao họ chọn tôi thì tôi cũng không thay họ nói được. Tôi chỉ biết trong suốt một năm vừa qua, khi làm việc tội có được rất nhiều sự tôn trọng, được đặt rất nhiều niềm tin. Tôi chỉ muốn sẽ có thời gian làm nhiều điều hơn nữa và có chung tiếng nói với nhiều người.

1 tỉ cho kịch bản 1 phim hoạt hình VN ảnh 1

- Điều khiến chuỗi nhạc kịch của bạn thành công có lẽ là do bạn đã xây dựng một team cho mình với rất nhiều bạn trẻ tài năng, đam mê và nhiệt huyết. Vậy khi bạn xây dựng một ekip chuyên nghiệp cho nhạc kịch như vậy thì khi kết hợp với hãng phim Vintata bạn sẽ làm như thế nào?

Khi xây dựng hãng phim và tạo điều kiện làm việc cho mọi người thì đương nhiên tôi nghĩ rất nhiều về việc làm sao để có cách vận hành, phong cách, lối suy nghĩ chung để mọi người có thể cùng thống nhất, cùng đi chung một con đường để ra một sản phẩm tốt nhất có thể.

Đúng như chị nói, các vở nhạc kịch của tôi thành công phần lớn nhờ vào sự đoàn kết của mọi người, các bạn chung sức chung tay làm đúng vai trò của mình. Tôi cũng giữ nguyên tư duy đấy khi làm phim. Quan điểm của tôi là nghệ thuật không phải là cái gì đó cá nhân, nếu tôi vẽ một bức tranh cho mình tôi ngắm thì tôi chẳng cần đến ai cả, tôi sẽ có những tư duy rất cá nhân của tôi. Nhưng nếu tôi dùng bức tranh đó để bán cho người khác, tôi sẽ phải nghĩ cho khách hàng.

Chưa kể một bộ phim có hàng trăm người chung tay làm thế này thì nguyên tắc của tôi là dẹp bỏ hết những gì cá nhân trong công việc. Đó chính là mong muốn và định hướng mà tôi đưa ra cho mọi người trong hãng phim.

- Khi bạn tham gia hãng phim Vintata, bạn chắc hẳn sẽ phải xem rất nhiều bộ phim hoạt hình trên thế giới cũng như Việt Nam. Bạn sẽ làm gì để tạo ra những bộ phim tốt hơn?

Khi làm việc thì mục tiêu của tôi không phải là để đem ra so sánh và làm bằng được để tốt hơn ai. Khi xem phim nước ngoài hay Việt Nam, tôi xem với tâm thế của người làm nghề, cố gắng đặt mình vào địa vị của họ.

Ví dụ như phim nước ngoài, họ có tiềm lực gì mà họ làm được như vậy, môi trường của họ ra sao mà làm được như vậy thì mình sẽ cố gắng tạo một môi trường tương tự như vậy và chọn loc những người cũng có tư tưởng như vậy để làm được phim, đó là cái mà tôi học.

Đối với hoạt hình Việt Nam, đương nhiên tôi cũng xem để học. Khi vào hãng phim, tôi cố tránh những cái trước đây đã không thành công, tìm những cái thành công rồi để xem có phù hợp không và áp dụng và khích lệ họ đầu tư lượng chất xám lớn nhất vào tác phẩm này.

- Ở hãng phim, khi mà bạn là người đứng đầu, việc đầu tiên chắc bạn sẽ phải nghĩ ra một cái tên hoặc biểu tượng để đặt cho nhân vật hoạt hình trong chuỗi phim của mình?

Đúng như chị nói, khi làm một cái gì đó thì mình phải bắt đầu từ nhân vật. Đối với hoạt hình chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về khâu tạo hình vì tính cách bạn ý sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kịch bản thế nhưng trước mắt cũng phải có một hình hài gì đó đã. Vậy nên chúng tôi dành rất nhiều thời gian nghiên cứu xem sẽ chọn con gì, chọn xong thì vẽ như thế nào.

Đối với nhân vật chính, chúng tôi cứ chọn trước một con, và trong số rất nhiều con vật, chúng tôi chọn con vọoc. Vì sao chúng tôi chọn như vậy bởi vì như quí vị biết, vọoc là một con vật đặc hữu, quí hiếm mà chỉ Việt Nam mình mới có. Thật ra có rất nhiều con khác cũng quí hiếm ở Việt Nam, chúng tôi cũng có làm về một con sói đỏ, con tê tê, con hươu đen…và còn nhiều con khác cũng rất quí hiếm ở Việt Nam. Nhưng nếu chọn một con để chúng tôi khai thác sự lanh lợi, nhanh nhẹn thì con vọoc vẫn là con tôi cho rằng quí hơn và phù hợp hơn với hướng đi chung của hãng phim chúng tôi.

Nhân vật có rất nhiều, chúng tôi sẽ chọn dần dần và làm dần dần chứ đây cũng không phải là con duy nhất. Quan điểm của tôi về nhân vật đó là muốn có sức sống thì phải có thời gian chứ không phải mình vẽ xong rồi tự nhiên nó nổi tiếng hoặc cố làm nó giống con nọ con kia để đi vào lòng người thì chuyện đó không có, câu chuyện xung quanh mới là cái quan trọng.

Câu chuyện mình muốn kể về con vọoc này thực ra nó phải là về con người. Con gì thì con chuyện vẫn sẽ là về con người thì mình mới liên hệ được. Thế nên tôi mong chờ rất nhiều ở khâu kịch bản sẽ giúp những con vật này có hồn hơn. Tất cả mọi thứ đều đang ở giai đoạn khởi đầu.

- Tên Monta có vẻ hơi tây?

Tôi nghe nhiều người nói về cái này rồi. Họ bảo tại sao không đặt là Tí là Tèo cho đúng chất trẻ con Việt Nam. Tôi thì nghĩ như thế này, mình đang làm cho đối tượng khán giả rất là rộng, lúc đặt tên chúng tôi cũng vô cùng trăn trở, trên thực tế chúng tôi đã nghĩ ra hàng chục hàng trăm cái tên rồi và cuối cùng cái tên Monta được chọn.

Chữ “Ta” ở đây được hiểu đại loại là nước ta, của ta so với của tây nên tôi rất muốn giữ chữ “Ta”. Còn chữ “Mon” nhiều người chọn nó vì nó trong chữ “Monkey” nghĩa là con khỉ trong tiếng Anh. Theo như tiếng Pháp thì nó cũng có nghĩa là của tôi. Thế cho nên tôi thấy cái tên đó cũng chất chứa rất nhiều, ai hiểu thì hiểu còn không ít ra vẫn đọc được. Chứ ngay từ đầu tôi không có ý định chọn một cái tên quá thuần Việt vì người nước ngoài không đọc được và tôi không muốn cô lập sản phẩm của mình theo hướng đấy.

- Một bộ phim hoạt hình để thành công gồm rất nhiều yếu tố từ kịch bản đến kỹ xảo và một yếu tố rất quan trọng là tiềm lực kinh tế. Vậy một giám đốc sản xuất như bạn gặp khó khăn gì hay bạn đang có mọi thứ trong tay?

Đầu tiên tôi đồng tình với chị về quan điểm của một bộ phim tốt. Đương nhiên tôi nói là hướng đến trẻ em nhưng một tác phẩm hay thì ai xem cũng thấy hay. Vì sao tôi nhắc đên trẻ em trước vì những cái trẻ em thích thì thường người lớn cũng thích nhưng có cái người lớn thích thì trẻ em chưa chắc đã thích. Cho nên tôi muốn hướng đến độ phủ sóng rộng, đặc biệt đối với thể loại hoạt hình này.

Tiếp đó là những mong muốn riêng của tôi về bộ phim này, những gạch đầu dòng mà tôi đặt ra. Thực ra ai trong số chúng ta cũng đã từng xem rất nhiều phim hoạt hình, có nhiều phân khúc. Có những bộ phim đã trở thành cổ điển ví dụ “Tom và Jerry” ai xem cũng thấy hay.

Nhưng thời đại mời bây giờ họ có rất nhiều bộ phim hoạt hình bằng vi tính rất khác xưa, nói về những chủ đề đương đại và hiện thực cuộc sống bây giờ mà trẻ em hiểu và rât thích. Tôi nghĩ đã là nghệ thuật thì vô cùng. Hay với người này chưa chắc đã hay với người khác, nhưng những tác phẩm tốt nhất thường sẽ chạm được đến nhiều người. Cho nên quan điểm của tôi khi tìm kịch bản là tôi không muốn trói buộc ai phải như thế nào, là phải giống “Tom và Jerry” hay giống chỗ nọ chỗ kia.

Nhiều người hỏi Vintata có muốn trở thành Walt Disney của Việt Nam không tôi cũng không muốn giống họ. Đương nhiên họ phải có những công thức nhất định để thành công nhưng mình chỉ học hỏi có mức độ và cố gắng tìm ra bản sắc của mình.

Tôi luôn quan trọng yếu tố quốc tế, nghĩa là mình làm phim mà khán giả quốc tế có thể xem được nên tôi muốn những cảm xúc mình đưa ra trong phim là những cái nước ngoài người ta cũng hiểu được. Nó có thể rất đơn giản hoặc nó không quá địa phương thì cái đó tôi nghĩ là cái có thể chạm vào quốc tế. Như tôi đã nói, mục tiêu của chúng tôi là đường dài, là nhiều người xem được nên không có lí do gì mà chúng tôi gò bó nó lại cả.

Đương nhiên để đạt được mục tiêu ấy chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Theo tôi khó khăn lớn nhất tôi gặp ở Việt Nam từ xưa đến nay là làm nội dung. Để viết một kịch bản cần rất nhiều bước. Thực ra một kịch bản phim bên Mỹ cần rất nhiều người viết. Có những người chỉ viết câu chuyện và sau đó sẽ có người viết lời thoại, có rất nhiều khâu. Ở Việt Nam mình chưa có môi trường bài bản để làm, và tôi đang cố gắng xây dựng một môi trường như thế. Vậy nên tôi lên những ý tưởng đầu tiên trước và tìm cách gia công nó thành một sản phẩm phù hợp với nhiều người.

- Những bộ phim hoạt hình nước ngoài nhiều khi có những tình tiết rất vô lý nhưng lại bất ngờ và gây được hứng thú cho người xem. Với cương vị giám đốc sản xuất, bạn có liều lĩnh đưa vào bộ phim kịch bản của người viết có những tình tiết cường điệu hoá để bộ phim thêm hấp dẫn?

Những kịch bản chúng tôi cho là phù hợp nhất chúng tôi cũng sẽ làm thử thành phim và đương nhiên thí sinh sẽ cùng đồng hành với chúng tôi chứ không phải chúng tôi tự biên tự diễn. Về yếu tố cường điệu thì ai làm hoạt hình cũng đều biết đó là đặc trưng của hoạt hình là phải cường điệu

Mặc dù có những hoạt hình mô phỏng đời thật nhưng lí do họ sử dụng ngôn ngữ hoạt hình là bởi vì người thật không đóng được. Thế nên tôi cho rằng việc cường điệu là đương nhiên, không cường điệu sẽ không thể kích thích trí tưởng tượng và óc sáng tạo. Tôi chỉ muốn mở hết tất cả, để cho các tác giả thỏa thích sáng tạo để họ không bị gò bó bởi bất cứ thứ gì.

- Thời gian qua bạn làm thế nào để giải quyết những khó khăn?

Với mỗi một thách thức tôi đều cố gắng tìm hiểu mình nên như thế nào, khó khăn đó có thực sự là khó khăn hay không và tính chất của nó là gì thì mình mới giải quyết đúng được. Cho nên khi bắt tay vào tìm kịch bản tôi cũng nghĩ đến việc nên để ai viết kịch bản này, nếu mình muốn ra quốc tế thì thôi hay thuê tây viết cho xong, nhưng mà mình có nhu cầu đây là phim Việt, hay là mình thuê người Việt viết.

Những câu hỏi đấy tôi đều suy nghĩ rất kỹ, trăn trở nhiều và cũng thử nghiệm nhiều. Tôi nhìn vào những phim truyền hình và những phim chiếu rạp hiện nay xem họ đã ra được quốc tế hay chưa thì thực tế là họ vẫn chưa ra được quốc tế nên tôi cũng đắn đo nhiều. Tôi cũng thử thuê tây viết xem nó ra cái gì thì tôi lại thấy nó chưa Việt. Cho nên thôi thử nghiệm rất nhiều, sau khi thử xong xuôi tôi hiểu ra cốt lõi vấn đề là có sự chênh lệch rất lớn về văn hóa và cách kể chuyện.

Tôi vẫn luôn muốn tìm kiếm ý tưởng từ người Việt. Đâu đó trên đất nước mình đang có nhiều người có những ý tưởng rất hay nhưng họ chưa tìm được nhà đầu tư, chưa tìm được người làm, vì nhiều khó khăn nên họ chưa có cách nào làm được những ý tưởng ấy.

Vừa rồi bên tôi có tổ chức một cuộc thi, ai có ý tưởng đều có khả năng tham gia. Chỉ có hạn chế duy nhất là chúng tôi thực sự đang muốn tìm kiếm người có chuyên môn. Giống như xây một căn nhà, ai cũng nghĩ ra được một ngôi nhà đẹp nhưng phải là kiến trúc sư mới biết làm sao để xây nhà vừa đẹp vừa vững. Người dự thi phải có chuyên môn, trước đó họ đã từng viết gì đó hoặc vẽ gì đó rồi. Họ có thể phối hợp với một người không có chuyên môn nhưng có ý tưởng.

Để có được những ý tưởng hay từ các bạn, chúng tôi cũng muốn trước tiên là khích lệ bằng những giải thưởng hấp dẫn. Giải nhất của chúng tôi lên đến một tỷ đồng, những giải khuyến khích dù chưa chắc ý tưởng đó được sử dụng nhưng sẽ nhận được 100 triệu đồng.

- Có thời hạn nào đặt ra cho bạn để giới thiệu hãng phim và những sản phẩm đầu tay đến công chúng hay không?

Khi làm việc nếu không có deadline sẽ không bao giờ xong việc. Quan điểm của tôi là vậy nên nhiều người nói tôi làm gì cũng làm rất nhanh, làm nhạc kịch cũng 3 tháng xong ba vở. Nhưng quan điểm của tôi là nếu không nhanh không bao giờ xong việc. Chính vì thế lần này chúng tôi cũng có những mong đợi nhất định.

Chúng tôi mong muốn đến hè năm sau sẽ có tập phim đầu tiên. Chính vì thế cuộc thi này tôi muốn làm nó một cách khẩn trương. 30/11 chúng tôi sẽ đóng vòng nhận đơn. Vòng nhận đơn các bạn chỉ cần nói sơ qua mình đã có chuyên môn hay chưa, đồng hành cùng những ai và chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với từng người để xem tác phẩm trước đó bạn ý viết là gì, bạn ý có tiềm năng và chuyên môn thật sự hay không. Chúng tôi sẽ lọc ra một số người nhất định, những người đó sẽ có một vòng loại viết ra một ý tưởng nào đó. Sau vòng đó sẽ đến vòng làm phim nháp.

Quan điểm của tôi những thứ trên giấy tờ lên phim sẽ khác rất xa nên tôi không muốn đưa ra quyết định chỉ vào những dòng chữ nên tôi sẽ để các thí sinh làm việc cùng ekip của chúng tôi, mỗi một ý tưởng sẽ đi kèm với một đoạn phim nháp, không cần dài, chỉ cần 1, 2 phút nhưng cho tôi cảm nhận được rõ hơn ý tưởng của bạn ấy và giúp hội đồng thẩm định đưa ra được lựa chọn đúng đắn nhất.

Theo Theo Vietnamnet
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.