Sáng 11/7, bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - cho biết, bệnh nhân Phan Thị Bích Loan (18 tuổi, ngụ xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng phù phổi nặng, hôn mê sâu.
Theo bà Lại Thị Bích (48 tuổi, mẹ của bệnh nhân), khoảng 17h chiều 5/7, Loan ra vườn nhà nhón tay hái chùm cóc trên cây thì bất ngờ bị một con ong nghệ (hay còn gọi là ong bần) đốt ngay vào trán. Chỉ sau cú cắn vào phía trên mắt trái chừng 15 phút, người Loan bắt đầu nổi mẩn đỏ, mặt sưng lên, tím tái và ngất xỉu.
“Nhà ở sâu trong ruộng nên cha nó phải cõng nó chạy men theo bờ ruộng ra ngoài lộ lớn mới kiếm được xe ôm chở đi bệnh viện”, bà Bích kể.
Loan vào cấp cứu tại Bệnh viện huyện Tam Bình trong tình trạng đã rối loạn tri giác, tụt huyết áp, khó thở nên bệnh nhân được nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ do ong đốt, xuất hiện tình trạng phù phổi. Bác sĩ xử trí đặt nội khí quản để giúp thở và tiêm thuốc vận mạch để cải thiện huyết áp cho bệnh nhân. Do diễn tiến bệnh càng ngày càng nặng, đến sáng 7/7, Loan được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM.
Bác sĩ Linh cho biết Loan nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, tri giác lơ mơ, phù phổi, huyết áp xuống thấp, mạch nhanh, nồng độ oxy trong máu thấp. Bệnh nhân vật vã, tím tái và có nhiều máu trào ra từ ống nội khí quản. Nguyên nhân của tình trạng này, theo bác sĩ Linh, do cơ thể sốc phản vệ, phổi bị tổn thương rất nặng nên máu và nước tràn vào phổi. Bệnh nhân sẽ tử vong nếu nhập viện trễ thêm vài giờ đồng hồ.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã quyết định sử dụng đến kỹ thuật cao ECMO - trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể - mới có thể cứu sống cô gái 18 tuổi. Sau 5 ngày áp dụng kỹ thuật ECMO, đến ngày 11/7, sức khỏe chị Loan đã diễn tiến tốt. Các tổn thương phổi cũng được phục hồi tốt.
Giải thích về nguyên nhân tại sao chỉ với một vết ong đốt mà một cô gái đang tuổi đầy sức vóc như Loan lại suýt mất mạng, bác sĩ Linh cho rằng Loan là có tiền sử viêm da dị ứng. Chính cơ địa quá mẫn cảm của mình, nên bệnh nhân dễ bị chuyển nặng. Thông thường phải bị từ 50 vết ong đốt trở lên thì cơ thể mới bị tổn thương đa cơ quan như thế.
Do đó, với những người có cơ thể mẫn cảm, dễ dị ứng hoặc bị hen suyễn, cần hết sức cẩn thận vì đôi lúc chỉ một vết ong đốt thôi cũng có nguy cơ sốc phản vệ, phù phổi tương tự chị Loan. Khi bị ong, côn trùng đốt mà xuất hiện các triệu chứng nổi mẩn đỏ, khó thở… phải ngay lập tức đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa.