Việt Nam Cộng hòa thực thi chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa như thế nào? - Kỳ cuối:

Pháo hạm và ngoại giao để thực thi chủ quyền biển đảo

Tàu cá Trung Quốc nhưng trang bị súng đại liên ở Hoàng Sa năm 1974. Ảnh: Tư liệu
Tàu cá Trung Quốc nhưng trang bị súng đại liên ở Hoàng Sa năm 1974. Ảnh: Tư liệu
TP - Cuộc chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) không chỉ là cuộc đấu pháo hạm mà nó còn là cuộc đấu ngoại giao, nhằm để cả thế giới được tiếp cận với sự thật và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa với toàn thể nhân loại. 

Hải chiến

Chính quyền VNCH liên tục tăng cường sức chiến đấu cho hải quân. Các nhà nghiên cứu quân sự VNCH rất quan tâm đến lời bình luận của giới nghiên cứu Tây Phương, rằng: “Kẻ nào kiểm soát được mặt biển sẽ kiểm soát được nội địa”. 

Hải quân VNCH phát triển rất nhanh với gần 2.000 chiến hạm tổng số 140.000 tấn, trong khi miền Bắc chỉ có hơn 100 chiến hạm với tổng 35.000 tấn. 

Chiều 22/4/1971, sau khi đọc diễn văn, phu nhân Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã đập chai sâm banh để chính thức trở thành mẹ đỡ đầu cho Khu trục hạm Trần Hưng Đạo, HQ1.

Trong bài diễn văn khai mạc buổi lễ, Đề đốc Trần Văn Chơn Tư lệnh HQVN cho biết: “Năm 1971 và những năm kế tiếp, hoài bão của Hải quân VNCH là hướng các hoạt động về biển cả, khuếch trương một hải lực hùng mạnh có thể đảm trách hải chiến tuần dương thay thế phần còn lại của Hải quân Hoa Kỳ bên ngoài đại dương”.

Theo tài liệu của VNCH vào lúc 8h30 ngày 19/1/1974 lực lượng Trung Quốc đã nổ súng trước trên đảo Quang Hòa làm 2 binh sĩ chết, 2 bị thương. 8h52, hải quân được lệnh cho phép phản pháo tự vệ, do đó lính đổ bộ trở về tàu. 10h25 trận hải chiến xảy ra: “Hai bên sử dụng toàn thể hỏa lực nặng nhẹ để tiêu diệt nhau, nên chiến hạm nào cũng trúng nhiều vết đạn”. 

Tàu HQ- 10 (Nhật Tảo) là tàu duy nhất của phía VNCH bị chìm. Đây cũng là chiến hạm nhỏ nhất trong 4 chiến hạm tham chiến của VNCH, với chỉ có một súng 76 ly, hai khẩu 40 ly và vận tốc kém nhất. Tàu bị trúng đạn ở đài chỉ huy.

Theo con số của Quân lực VNCH vào thời điểm tháng 3/1974, số sĩ quan binh sĩ hy sinh là 18 người, 116 người mất tích trên các đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, Hoàng Sa và 59 người trên tàu hộ tống HQ-10, 43 người khác bị thương. Phía Trung Quốc không có thông tin chính thức về con người. Theo nguồn từ quân lực VNCH thì Trung Quốc bị cháy và chìm một chiến hạm Kronstad, một chiếc bị hủy hoại, ủi vào bờ sau đó, 2 tàu loại T43 hư hại nặng khó phục hồi, thiệt hại nhân mạng không thấy công bố.

Trận chiến ngoại giao

Ngày 1/1/1974, Trung Quốc tuyên bố nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc và VNCH chiếm giữ bất hợp pháp!
Ngay ngày 12/1/1974 người phát ngôn VNCH bác bỏ đòi hỏi chủ quyền vô căn cứ của Trung Quốc. 

Pháo hạm và ngoại giao để thực thi chủ quyền biển đảo ảnh 1 Nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã cho rằng thông tin về việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974 được đưa còn hạn chế. Ảnh: T.N.A

Ông Nguyễn Hữu Chì, Đại sứ quan sát viên Thường trực của VNCH tại Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 16/1/1974 đã thông báo cho ông Chủ tịch Hội đồng bảo an (HĐBA) LHQ về việc TQ xâm phạm chủ quyền của VNCH và yêu cầu HĐBA có những biện pháp khả thi cần thiết. 

Ngày 18/1/1974, tức trước một ngày xảy ra hải chiến, báo chí ở Sài Gòn đã đăng nguyên văn tuyên bố của Bộ Ngoại giao VNCH về đảo Hoàng Sa. Tuyên bố mở đầu như sau: “Ngày 11/1/1974, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng mạo nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VNCH. Ngay ngày hôm sau phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao VNCH đã bác bỏ sự đòi hỏi vô căn cứ đó. 

Mặc dầu vậy, trong những ngày gần đây, nhà cầm quyền Trung Quốc không những không rút lại sự đòi hỏi vô lý của mình lại còn ngang nhiên xâm phạm vào chủ quyền lãnh thổ của VNCH bằng cách cho người và tàu bè xâm nhập vào vùng lãnh hải chung quanh các đảo Cam Tuyền (Robert), Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond) thuộc quần đảo Hoàng Sa (Paracels Islands) của VNCH. 

Trước những sự vi phạm thô bạo đó, chính phủ và nhân dân VNCH rất công phẫn và quyết không dung thứ. Sự kiện các đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ VNCH là một sự kiện hiển nhiên và không thể chối cãi được, căn cứ trên những dữ liệu địa lý, lịch sử và pháp lý quốc tế”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao VNCH nhấn mạnh: “Về mặt thực tế, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn thường xuyên cho đóng quân và hành xử quyền quản trị hành chánh trên các quần đảo từ trước cho đến nay và Hải quân Việt Nam thường xuyên tuần tiễu và bảo đảm an ninh thủy vận trong vùng lãnh hải đó.

Pháo hạm và ngoại giao để thực thi chủ quyền biển đảo ảnh 2 Người dân Sài Gòn đón chiến hạm vừa tham chiến ở Hoàng Sa về năm 1974

Trước những dữ kiện rõ ràng ấy, việc Trung Quốc ngày nay bỗng dưng tranh nại chủ quyền của VNCH trên các đảo Hoàng Sa va Trường Sa và có những hành động xâm phạm chủ quyền ấy là một việc không thể chấp nhận được. Hành động ấy đe dọa hòa bình và an ninh tại vùng này. Chính phủ và nhân dân VNCH cương quyết bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mình và giành quyền thi hành mọi biện pháp thích nghi cho mục đích ấy”.

Trung Quốc đã tổ chức chiếm đóng Hoàng Sa ngay trong những ngày Tết. Trước sự việc khẩn cấp này, trong cuộc họp báo đầu năm tại Bộ Ngoại giao, Ngoại trưởng Bắc cho biết VNCH sẵn sàng họp với Bắc Việt để thi hành việc bình thường bang giao giữa 2 miền. Ngoại trưởng Bắc trong cuộc họp báo đầu năm tại Bộ Ngoại giao còn nói rằng: “VNCH sẵn sàng họp với ngoại trưởng Bắc Việt hoặc bất cứ đại diện nào để bàn về việc đó”. 

Trong phần trả lời báo chí, Ngoại trưởng Bắc cũng cực lực bác bỏ tin nói rằng đại sứ Hoa Kỳ G.Martin đã từ chối giúp đỡ VNCH trong vụ đảo Hoàng Sa. Ngoại trưởng Bắc nói: “Đây là tin hoàn toàn dựng đứng vì việc bảo vệ chủ quyền VNCH không cần nhờ tới ai”.

Tổng thống VNCH cũng đã gởi văn thư tới các quốc trưởng hoặc nguyên thủ các quốc gia giao hảo thân hữu với VNCH nhằm trình bày tiến trình của vụ Hoàng Sa, cùng chứng tỏ chính nghĩa của VNCH.   

VNCH cũng đã đưa vấn đề ra HĐBA nhưng không được thụ lý. Một số người cho rằng: “Khi đưa nội vụ ra trước HĐBA LHQ là để chứng tỏ VNCH hiếu hòa tôn trọng một tổ chức quốc tế và nhất là để tố cáo Trung Quốc cho thế giới thấy là một nước lớn đang dùng vũ lực xâm lăng một nước nhỏ”.

Dư luận, nhận định

Hải chiến Hoàng Sa năm 1974, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa, phần lãnh thổ thiêng liêng của đất nước Việt Nam- như chính phủ VNCH tuyên bố. Tuy vậy, việc nỗ lực khẳng định và bảo vệ chủ quyền của chính quyền VNCH rất đáng ghi nhận và đó cũng là căn cứ pháp lý sống động khẳng định rằng các chính phủ và người dân Việt Nam qua các thời kỳ và giai đoạn lịch sử khác nhau, không bao giờ chấp nhận đánh đổi chủ quyền, cũng đồng nghĩa với sự tồn vong của đất nước, dù bất cứ lý do gì và với bất cứ đối tượng nào. 

Nhà báo Việt Định Phương từng viết bài nhận định vào thời điểm năm 1974: “Nước mình nhỏ, đang yếu sau 30 năm chinh chiến, tuy không muốn gây hấn với ai nhưng cũng không thể chấp nhận để bất cứ một nước nào hiếp đáp, kể cả các siêu cường”.

Trong một làm việc với chúng tôi, tiến sĩ Nguyễn Nhã cho rằng việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền với Hoàng Sa năm 1974 không thực sự làm hài lòng người dân, do hoàn cảnh chiến tranh chia cắt, tình hình chính trị phức tạp. “Tin tức về chủ quyền Hoàng Sa nhanh chóng chìm nghỉm đi”- tiến sĩ Nguyễn Nhã nói. Khi điểm qua các báo năm 1974 tại Sài Gòn, ta có thể dễ dàng nhận thấy là chỉ một vài tháng sau khi sự việc xảy ra, báo chí hầu như rất ít nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa mà chủ yếu tập trung vào tình hình chiến sự, an ninh trật tự, kinh tế.

Tờ Tia Sáng số ra ngày 29/1/1974 đưa tin rằng: Bộ Ngoại giao VNCH: Vẫn tiếp tục tranh đấu đòi chủ quyền Hoàng Sa. Xem ra mấy chữ “vẫn tiếp tục” đã cho thấy phong trào tạm lắng xuống. “VNCH vẫn chưa mất đảo Hoàng Sa và chỉ mất khi nào chịu từ bỏ tranh đấu về chủ quyền của quần đảo này” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao tuyên bố. Vấn đề là ai sẽ tiếp tục tranh đấu và tranh đấu như thế nào, đến bao giờ, trong khi tình hình chính trị của miền Nam ngày càng bi đát? Hơn một năm sau, ngày 30/4/1975 chính phủ VNCH đã sụp đổ, đầu hàng và chuyển giao chính quyền cho quân giải phóng.

Với những gì đã làm được và chưa làm được, quá trình bảo vệ chủ quyền của VNCH trước năm 1975 là bài học và kinh nghiệm cho việc bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa hôm nay.

Tổng kết vụ hải chiến Hoàng Sa, một nhà bình luận cho rằng: “Vụ Hoàng Sa nổi bật nhất là nhờ khơi động đúng vào “tự ái dân tộc” (Dư luận và thực tế - Huỳnh Trung Chánh) – Đen Trắng số 31/1/1974. Cũng trên tờ báo này, một nhà bình luận khác cho rằng: “Từ nhiều năm nay, dân chúng chưa bao giờ được chính phủ cho biết tường tận về các tin tức liên quan đến các đảo Hoàng Sa và Trường Sa để rồi đùng một cái chiến trận bùng nổ khiến dân chúng phải ngỡ ngàng”.

MỚI - NÓNG