Đất trồng chè ở Lâm Đồng không bị nhiễm độc dioxin

TP - Ngày 19/11, UBND tỉnh Lâm Đồng chính thức có văn bản khẳng định hàng hóa xuất khẩu của Lâm Đồng, đặc biệt là mặt hàng nông sản không bị nhiễm dư lượng của chất dioxin trong chiến tranh như các phương tiện thông tin đại chúng ở Đài Loan đã phản ánh.
Đất trồng chè ở Lâm Đồng không bị nhiễm độc dioxin ảnh 1

Thu hoạch chè Oolong tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: Tuổi trẻ

Tại Lâm Đồng chỉ có hai vùng với diện tích rất nhỏ trước đây Mỹ có rải chất độc da cam là vùng nằm ở khu vực giáp ranh giữa huyện Cát Tiên với tỉnh Bình Phước và vùng nằm ở xã Gia Bắc, huyện Dinh. Diện tích đất này từ trước đến nay là vùng rừng núi, không sản xuất nông nghiệp và ở cách xa các vùng trồng chè, cà phê, rau, hoa… hàng trăm cây số, do đó hoàn toàn không ảnh hưởng đến các vùng nguyên liệu nông nghiệp của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho rằng việc các phương tiện thông tin đại chúng tại Đài Loan đăng tải thông tin sản phẩm chè của Lâm Đồng, Việt Nam trồng trên vùng đất bị nhiễm dioxin không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp Đài Loan đang hoạt động trên địa bàn Lâm Đồng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thế giới.

UBND tỉnh sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có phản hồi về mặt khoa học trong việc kiểm nghiệm dư chất dioxin đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam (trong đó có Lâm Đồng) và sẽ thông tin đến Văn phòng đại diện Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc) và Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam để có phản hồi với các cơ quan truyền thông Đài Loan.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp Đài Loan không bán được chè, nên họ muốn tung thông tin trên, làm rầm rộ, ảnh hưởng đến chè của Việt Nam. Ông Đức lưu ý, việc tuyên truyền các thông tin từ phía Đài Loan đưa ra cần rất thận trọng, hạn chế, nếu không khéo, sẽ ảnh hưởng bất lợi đối với ngành chè Việt Nam.

MỚI - NÓNG