> Hàng loạt vấn đề 'khó, nóng' chờ Quốc hội
> Ngày mai, Quốc hội bắt đầu kỳ họp 'nóng'
Cụm từ “khó khăn”, “rất khó khăn” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong báo cáo của Chính phủ. Những con số về nợ xấu, hàng tồn kho, dư nợ tín dụng, số doanh nghiệp phá sản... ám ảnh nền kinh tế. Có thể nói, những khó khăn mang tính hệ thống, chúng ta đã nhận diện, chỉ bệnh và cắt thuốc.
Tuy nhiên, dường như việc ban hành một số cơ chế, chính sách lại chậm, trong điều hành đôi khi còn thiếu quyết liệt.
Ví như, khi các doanh nghiệp phải còng lưng trả lãi ngân hàng trên 20% / năm là dấu hiệu cho thấy “những chiếc thòng lọng đã thít cổ doanh nghiệp”. Bóng ma lãi suất đã bao phủ nền kinh tế. Nhưng chúng ta đã thiếu quyết liệt để tuột khỏi cơ hội cứu các doanh nghiệp. Nay khi lãi suất cho vay được đồng loạt hạ xuống thì cả trăm ngàn doanh nghiệp đã thành... “xác khô”.
Phần nhiều số doanh nghiệp còn sống sót lại đang trong tình trạng “hôn mê sâu”, nên khả năng và hiệu quả hấp thụ vốn là rất khó. Hay câu chuyện tồn kho bất động sản. Hàng trăm khu đô thị, hàng vạn căn hộ, biệt thự rải khắp các cửa ô Hà Nội thì cỏ mọc rêu xanh.
Cả núi tiền bị “chôn” trong đất, nhưng doanh nghiệp lại thiếu vốn sản xuất. Doanh nghiệp có thể say sưa với lợi nhuận, và chấp nhận “được ăn cả, ngã về không”, nhưng với chính quyền thì không thể bị cuốn theo các dòng xoáy đầy rủi ro đó!
Tại kỳ họp này, người dân mong đợi hơn ở gần 500 vị đại biểu Quốc hội với trí tuệ và trách nhiệm của mình không chỉ mổ xẻ những khó khăn nội tại mà còn chỉ ra những giải pháp, cùng xắn tay tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế.
Bên cạnh những nội dung quan trọng, tại kỳ họp lần này Quốc hội cũng tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Nhiều ý kiến lo ngại có chuyện “chạy phiếu”, “mua phiếu”; hoặc các đại biểu của dân lại thiếu thông tin khi bỏ phiếu.
Đứng trước một việc hệ trọng và còn mới mẻ thì việc có những phân vân là không tránh khỏi. Nhưng với gần 500 đại biểu của dân, chúng ta không quá lo ngại về việc ai đó có thể “mua” được hay “chạy” được!
Có thể thấy nền kinh tế khó khăn đã gián tiếp bộc lộ một cách chân thực phẩm chất, năng lực và bản lĩnh của những “tư lệnh” ngành, lĩnh vực. Chỉ có điều, bức tranh kinh tế - xã hội của chúng ta ngày hôm nay là hệ quả của cả một quá trình, trong khi nhiều “tư lệnh” lại mới được đảm nhiệm vị trí.
Để thẩm định đúng “ưu” và “khuyết” của các vị trí, đòi hỏi các đại biểu Quốc hội phải có cái nhìn biện chứng. Một vị trí dám đón nhận khó khăn, tìm cách tháo gỡ và không ngại đụng chạm sẽ khác hẳn với vị trí không mất lòng ai và chẳng làm gì.
Lá phiếu chính là thước đo tín nhiệm của đại biểu (hay nói gián tiếp là của cử tri) đối với 49 vị trí do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Thước đo chuẩn giúp động viên khuyến khích người tích cực làm việc hiệu quả, là lời nhắc nhở với những người chưa tích cực, để họ cố gắng, vươn lên.
Nói cách khác, lá phiếu trong trường hợp này còn được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng giúp cỗ xe kinh tế - xã hội chuyển động lên phía trước. Nếu việc lấy phiếu tín nhiệm diễn ra một cách hình thức, khi đó niềm tin của nhân dân vào cơ quan quyền lực cao nhất bị giảm sút nghiêm trọng, kỳ vọng của dân sẽ thành thất vọng.