Dân trí & quan trí

Dân trí & quan trí
TP - Cách đây 2 tuần, một vị quan chức cấp vụ trưởng của Ngân hàng Nhà nước vừa có phát ngôn coi thường người sử dụng dịch vụ ATM, buộc phải kiểm điểm. Vị này ví việc người dân chấp nhận sử dụng dịch vụ ATM mà không đọc kỹ hợp đồng

> Phó Cục trưởng Cảnh sát gọi PV là 'thiểu năng'

là “nhắm mắt nhắm mũi ký thì phải chịu trách nhiệm thôi. Bút sa thì gà chết, mà gà không chết thì ông chết thôi”. Thậm chí, vị này còn cho rằng : “Ở nền văn minh lúa nước, chúng ta hưởng gió biển, khí trời quen rồi, bây giờ mất phí thì phải học quy trình thao tác cho tốt để đỡ trục trặc khi giao dịch trên máy ATM”.

Phát ngôn trên khó có thể chấp nhận được với tư cách là một “công bộc” của dân, hưởng lương thảo từ tiền thuế của dân đóng góp mà lại đi lo cho mấy ông phát hành thẻ.

Sau đó Ngân hàng Nhà nước đã phải ra ngay thông báo rằng, lời nói cá nhân của vị này không thể hiện quan điểm của NHNN, đồng thời yêu cầu vị vụ trưởng phải có báo cáo giải trình và kiểm điểm.

Ngay lập tức, tên tuổi vị vụ trưởng trót “lỡ miệng” kia đã trở nên nổi tiếng trên mạng. Từ khóa về vị vụ trưởng kia trên Google cho hơn 3 triệu kết quả chỉ trong vòng 0,32 giây.

Chưa hết, chiều 11-3 tại một hội nghị ở Bộ GTVT lại đến lượt một vị Cục phó của Bộ Công an phát ngôn rằng, các phóng viên bị “thiểu năng” khi đề cập đến vấn đề mũ bảo hiểm rởm.

Vị này chỉ đạo rằng : “báo chí nên hướng dư luận đúng vào các kết luận của các cơ quan chức năng. Báo chí cũng nên hướng dư luận vào đúng với các kết luận của những người chủ trì các cuộc họp của các cơ quan chức năng. Gần đây tôi lên mạng xem, báo chí vẫn hướng dư luận vào cái khác, đó là chúng ta nêu lên thế nào là mũ giả, mũ rởm”.

Choáng nhất là kết luận “các phóng viên đó có lẽ là thế nào đó, thiểu năng gì đó, có gì đó không hiểu thế nào là mũ giả, mũ rởm, mà cứ phải đưa ra bằng những lời lẽ, những giả thiết”.

Khỏi phải bình luận thêm về hai từ “thiểu năng” nói trên dành cho các nhà báo, những người đang hàng ngày, hàng giờ thực hiện bổn phận cao quý nhân dân giao phó.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại một trong những nghĩa vụ đầu tiên của nhà báo được ghi rõ trong Luật báo chí (Điều 15) là : “Thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân”.

Vậy lẽ nào, nhà báo không có quyền phản ánh ý kiến chính đáng của bạn đọc ? Lẽ nào nhà báo không được quyền phản biện các quy định bất hợp lý, đẩy cái khó cho dân, của cơ quan chức năng? Đáng buồn là hiện có không ít quan chức chỉ thích nghe những từ ngữ êm tai theo ý mình, không quen nghe ý kiến phản biện, tranh luận.

Khi vẫn còn “công bộc” lo cho một vài doanh nghiệp thay vì lo cho dân, khi vẫn còn quan chức chưa tôn trọng và hiểu rõ vai trò của báo chí, khi đó quyền làm chủ của dân còn bị xâm phạm.

Đáng mừng là dân trí giờ đây đã lên cao, một phần cũng do sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, truyền thông. Hy vọng và mong sao những sự việc kể trên chỉ là phút giây “lỡ miệng” nhất thời, không phản ánh trình độ quan trí của những vị phát ngôn ra chúng.

Dân trí càng cao, quan trí càng phải trau dồi lên tương ứng, bởi khi đó mỗi phát ngôn, mỗi hành động của quan chức sẽ bị dân soi và phán xét kỹ càng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG