Liêu xiêu

Liêu xiêu
TP - Dân ta vốn có truyền thống hiếu học nhưng chưa bao giờ cái sự học của con em mình lại làm cho nhiều bậc phụ huynh liêu xiêu như hiện nay. Liêu xiêu không chỉ vì những khoản chi lớn so với ngân sách của từng gia đình mà còn bởi tâm bất an, lúc nào cũng thấp thỏm sợ cái sự học lởm khởm nó làm hỏng cả một thế hệ, làm hỏng tiền đồ tương lai của con em mình.

> Tìm giải pháp xây dựng trường chất lượng cao

Trạng thái liêu xiêu đó thể hiện qua cách phụ huynh đôn đáo chạy trường chạy lớp, chạy bằng quan hệ, bằng tiền, “đánh võng” hết công lại sang tư.

Không thỏa mãn với hệ thống trường công chất lượng giáo dục đại trà, nhiều gia đình có điều kiện không ngại chi tiền cho con học trường tư với mức học phí đắt đỏ với hy vọng mua được sản phẩm giáo dục “hàng hiệu”.

Phân khúc thị trường giáo dục chất lượng cao trở thành mảnh đất màu mỡ cho những nhà kinh doanh giáo dục thời vụ.

Nhiều cơ sở giáo dục tự gắn cho mình những cái mác sang trọng như trường chất lượng quốc tế, trường song ngữ… trong khi ngay cả cơ sở vật chất cũng chỉ là thuê mượn tạm thời, giáo viên tiện đâu tuyển đấy.

Có phụ huynh từng băn khoăn khi biết lương giáo viên của trường mầm non có tên gọi bằng tiếng Anh mà chị vẫn gửi con chỉ 3 triệu đồng/ tháng.

Chị nói: “Trường thu học phí 6 triệu đồng/ HS/ tháng. Lương giáo viên thấp vậy chứng tỏ họ không đầu tư nhiều cho chất lượng giáo dục”.

Một cán bộ quản lý phòng GD&ĐT Ba Đình cũng từng chia sẻ với chúng tôi, hầu hết các trường tư trên địa bàn quận đều thuê mượn địa điểm, trong đó có nhiều trường dán mác chất lượng cao.

Vì cái mác này nên họ phải thuê những cơ sở vật chất trông sang trọng cho tương xứng với tên gọi, vì thế tiền nhà chiếm một tỉ trọng khá lớn trong cơ cấu giá học phí.

“Có nơi mỗi em phải trả khoảng 2 triệu đồng/tháng tiền thuê địa điểm”, vị cán bộ này cho biết.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì lỗi không phải do cơ chế thị trường mà do sự yếu kém trong khâu quản lý.

Trước sự bùng nổ nhu cầu về các cấp độ chất lượng giáo dục cũng như những dịch vụ kèm theo mà cơ quan quản lý vẫn cứ loay hoay nhận dạng các mô hình giáo dục. Chỉ khổ người dân tiền thì chi bộn mà không mua được “hàng hiệu”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG