Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội và được biết, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, ngay từ năm 1990, Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Bên cạnh đó, Nhà nước ta đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Trong Luật Hình sự, Luật Hôn nhân gia đình và hàng loạt các văn bản pháp luật khác cũng có những quy định về vấn đề này.
Cụ thể là tại điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Cha mẹ bỏ rơi con, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ; Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác; Áp dụng biện pháp có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật.
Luật này cũng nêu rõ trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức, quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự.
Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự. Gia đình, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em.
Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Luật còn quy định trách nhiệm của cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Còn trong Bộ luật Hình sự, hầu hết các hành vi phạm tội trong đó nạn nhân là trẻ em là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội.
Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng nạn nhân là trẻ em thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm…
Tuy vậy, trên thực tế, việc trẻ em bị bạo hành, bị bóc lột sức lao động, bị hành hung dã man vẫn diễn ra ở khắp nơi. Điều này cho chúng ta thấy việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em còn kém hiệu quả.
Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú – Giám đốc Trung tâm tham vấn sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên cho rằng, sự vô cảm và kiến thức pháp luật yếu kém của cộng đồng – nơi có trẻ em sinh sống là một nguyên nhân không nhỏ khiến tình trạng trẻ bị bạo hành ngày càng có xu hướng gia tăng.
Trở lại với cái chết thương tâm của bé Lộc bị bố đánh dẫn đến tử vong, một số người hàng xóm nói rằng, họ đã thấy bé bị bố đẻ hành hung nhiều lần. Giá như họ bớt thờ ơ, không coi việc cháu bé bị đánh đập là việc “dạy dỗ trẻ thông thường của nhà người ta”, nếu họ nhận thức được đây là hành vi vi phạm pháp luật và nhanh chóng báo với chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì chắc chắn sẽ không xảy ra hậu quả đau xót như thế.
Theo Huệ Linh