Đẩy ngược trách nhiệm về chính quyền

Đẩy ngược trách nhiệm về chính quyền
TP - Sau khi Tiền Phong đăng loạt bài “Đà Nẵng khởi kiện nhân tài” đã nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau. Vụ việc tưởng chừng đơn giản nếu căn cứ theo hợp đồng. Tuy nhiên, có học viên (HV) và người nhà đã có những tính toán trước khi quyết định “bẻ cò” thành phố…

> Đà Nẵng hoãn... khởi kiện 'nhân tài'
> Khởi kiện... 'nhân tài'

Những học viên trong dự án rất được thành phố quan tâm (trong ảnh là ông Bùi Văn Tiếng - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng tặng hoa cho một số nhân tài). ẢNH: NGUYỄN HUY
Những học viên trong dự án rất được thành phố quan tâm (trong ảnh là ông Bùi Văn Tiếng - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng tặng hoa cho một số nhân tài). ẢNH: NGUYỄN HUY.

Học viên Nguyễn Văn Lời hiện không còn liên lạc được, kể cả đối với người thân. Còn HV Hồ Thị Như Mai trước khi quyết định bỏ việc sang Anh học tiến sĩ đã gửi một bức thư cho lãnh đạo thành phố rồi tắt máy, khóa địa chỉ email và không bao giờ phản hồi những bức thư của cơ quan chủ quản gửi sang. HV Hà Thanh An mấy lần phản hồi qua email rồi im bặt. Đáng chú ý, Hà Thanh An cùng gia đình “phản pháo” các quyết định của thành phố bằng cách đẩy trách nhiệm về phía chính quyền.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó GĐ Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho hay, đến thời điểm này vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía các HV cũng như gia đình. Tuy nhiên, Trung tâm vẫn chờ đến hết kỳ hạn 3 tháng kể từ ngày ra quyết định, lúc đó nếu thành phố vẫn chưa nhận được tiền đền bù thì khởi kiện. “Có nhiều báo nói là Đà Nẵng dọa kiện nhân tài, hiểu thế là sai, chúng tôi chẳng dọa ai, cứ theo luật mà làm. Với lại chúng tôi cũng chưa gọi họ là nhân tài” – ông Chiến nói thêm.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Hồ Hoài Hà - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Sở Ngoại vụ Đà Nẵng) cho hay, kể từ cuối 2012, Hà Thanh An, chuyên viên của phòng Lãnh sự Việt kiều (lúc đó bà Hà là trưởng phòng) gửi đơn đến lãnh đạo Sở cũng như Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao xin được đi học tiến sĩ ở Anh với nguồn học bổng nước ngoài. Khi không được lãnh đạo thành phố đồng ý vì chưa đúng thời điểm, An tỏ vẻ chán nản và quyết tâm đi du học.

“Lúc đó tôi động viên, phân tích hết lẽ. Đến gần Tết Dương lịch năm 2012, những tưởng An đã hiểu mọi chuyện. Tuy nhiên, sau thời gian nghỉ Tết Dương lịch, An không đến cơ quan làm việc. Gọi điện thì tắt máy, buộc tôi phải gọi về gia đình tìm hiểu, mẹ An nói rất thản nhiên: “Ủa, chị làm ở Sở Ngoại vụ mà không biết cháu An nhà tôi đã đi du học ở nước ngoài à?”. Câu này làm tôi rất bất ngờ. Thậm chí, mẹ An còn nói, các quyết định không đồng ý đi du học tiến sĩ của An mà thành phố ban ra quá “chậm” khi thủ tục đã làm xong! Kể cả sau này, khi bố mẹ An lên làm việc với Sở, chúng tôi phân tích kỹ, nhưng không có kết quả gì.

“Phụ huynh của An cứ làm như việc An đi du học là lỗi của thành phố” - bà Hà kể. Sau khi Hà Thanh An bỏ đi du học ở Anh, bà đã nhiều lần gửi email, động viên khuyên bảo An quay về làm việc, đồng thời nói rõ những hậu quả mà An có thể gánh chịu nếu khăng khăng ở lại Anh, nhưng An vẫn không thay đổi.

“Tôi nói rất rõ rằng An có thể quay về làm việc, Sở sẵn sàng nhận trách nhiệm trước thành phố và bỏ qua hết những lỗi An mắc phải. An là chuyên viên giỏi, có năng lực dịch thuật có thể phát triển bất cứ nơi đâu. Sở cũng như thành phố sẽ tạo mọi điều kiện lương bổng, môi trường làm việc thông thoáng cho em, với trình độ hiện có, chuyện thăng tiến chuyên môn, vị trí công tác của An không phải chuyện khó. Tuy nhiên, An chọn con đường du học tiến sĩ, mà điều này là vi phạm hợp đồng với thành phố”.

“Trong email cuối cùng ngày 18/1/2013, An nói sẽ xin rút khỏi đề án một cách tỉnh rụi, xem như bất cần biết hậu quả. Sau này tôi cũng không gọi cho gia đình An nữa vì em ấy yêu cầu thế. Có lẽ đây là sự lựa chọn của em, thôi thì để chính quyền giải quyết theo luật. Tôi vẫn rất quý An, nhưng tình cảm là một chuyện, tuân thủ nguyên tắc là chuyện khác” - bà Hà nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.