Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng. |
Góp ý thẳng thắn, trách nhiệm
Đến dự Hội nghị có Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội; Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn... |
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An cho biết, thời gian qua, Ban Bí thư T.Ư đoàn đã trực tiếp chủ trì 5 cuộc hội thảo trong hệ thống Đoàn viên các lực lượng vũ trang; tổ chức Đoàn sinh viên; tổ chức Đoàn chức sắc tôn giáo; thanh niên trong công nhân viên chức.
Hôm nay, Ban Bí thư T.Ư Đoàn tiếp tục mở hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp của lực lượng văn nghệ sĩ, những nhà báo trẻ cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
“Chúng tôi mong muốn toàn thể các văn nghệ sĩ trẻ, nhà báo trẻ mà T.Ư Đoàn, báo Tiền Phong mời đến hôm nay có thể trao đổi, đóng góp ý kiến một cách thẳng thắn, đồng thời nói rõ những nguyện vọng, mong muốn, để chúng tôi tiếp thu, tổng hợp ý kiến báo cáo lên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp”, anh Dương Văn An nói.
Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội giới thiệu một số nội dung sửa đổi quan trọng của Dự thảo Hiến pháp. Ảnh: Xuân Tùng. |
Hội nghị đã nghe Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo giới thiệu những nội dung sửa đổi quan trọng và mục đích, yêu câu của đợt lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Ông Thảo đề nghị tập trung thảo luận về các vấn đề: Lời nói đầu, chủ quyền nhân dân, thể chế chính trị, quyền con người, quyền công dân, các tổ chức quyền lực nhà nước, các nội dung quy định về kinh tế, văn hóa, xã hội… và hình thức, cách thức thể hiện chương, điều của hiến pháp.
Đề cao tính nhân văn của hiến pháp
NSƯT Cao Ngọc Ánh, Phó Trưởng đoàn Ca Múa Nhạc Nhà hát Tuổi trẻ đánh giá cao chương II điều 44 trong dự thảo quy định “Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa”.
Chị Ánh chia sẻ, đã đi biểu diễn phục vụ khán giả khắp mọi miền của Tổ quốc, từ đô thị đến các vùng sâu, xa… được tận mắt chứng kiến cuộc sống, khát khao của những đứa trẻ không có điều kiện đến với các chương trình biểu diễn nghệ thuật.
“Những hình ảnh ấy đọng mãi trong tôi và thôi thúc tôi phải hành động để làm sao trẻ em phải được xem những chương trình nghệ thuật, phải được thụ hưởng văn hóa nghệ thuật”, chị Ánh nói.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng. |
Tuy nhiên, theo chị Ánh, để thực hiện được quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa cho mọi người thì nhà nước cần đầu tư cho những đơn vị làm văn hóa, tạo điều kiện để các đơn vị này phục vụ tốt nhất cho nhân dân, đưa hiến pháp vào đời sống.
“Vì vậy, tôi thấy cần bổ sung điều 63 (sửa đổi, bổ sung Điều 67): “nhà nước phát triển an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ, công bằng, bền vững …” nên cũng cần chú trọng hơn đến an sinh cho văn hóa vì văn hóa là nền tảng tinh thần vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển”, chị Ánh nói.
Dự thảo sửa đổi hiến pháp nêu rõ, mọi người đều có quyền được hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa. “Điều đó thể hiện tính ưu việt của chế độ và tính nhân văn của Hiến pháp”, chị Ánh chia sẻ.
Nhà thơ Hữu Việt, phó tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô đóng góp ý kiến. Ảnh: Xuân Tùng. |
Nhà thơ Hữu Việt, Phó Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô đánh giá cao bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ông cho rằng, một khi hiến pháp đáp ứng được thực tiễn cuộc sống thì sẽ có sức sống dài lâu. Ông cũng góp ý về quyền con người, quyền công dân, và các quy định về văn học nghệ thuật.
“Phần quy định về văn học, nghệ thuật khá ngắn gọn, cô đọng, nên theo tôi nó chưa đánh giá hết vai trò của văn học nghệ thuật”, ông Việt nói.
Không nên bỏ quy định về thanh niên
Nhà thơ Hữu Việt cũng đề nghị xem xét, không nên bỏ Điều 66 trong Hiến pháp 1992, vì nếu bỏ đi, sẽ không còn quy định nào nói về thanh niên, tuổi trẻ…
“Tôi đồng ý với một số ý kiến về việc giữ lại Điều 66 hoặc có thể bổ sung vào điều khoản về các tổ chức Đoàn thể trong điều 9 hoặc điều 10 của Hiến pháp sửa đổi, để khẳng định vị trí, vai trò của thanh niên trong hệ thống chính trị của nước ta, cũng như sự ưu việt của chế độ ta”, ông Việt nói.
Nhà văn, tiến sĩ Nguyễn Thúy Anh đồng tình với nhà thơ Hữu Việt, kiến nghị không nên bỏ Điều 66 về thanh niên. Bà Anh cũng kiến nghị, nên có quy định về việc gia đình, nhà nước tạo điều kiện cho thanh thiếu nhi có quyền được giải trí về vật chất và tinh thần.
Nhà báo Đinh Thị Nguyệt Minh, báo Thanh Niên nêu quan điểm về dự thảo sửa đổi hiến pháp. Ảnh: Xuân Tùng. |
Nhà báo Đinh Thị Nguyệt Minh, báo Thanh niên cho rằng: “Trong dự thảo hiến pháp sửa đổi, không có điều khoản nào nói về thế hệ trẻ; cũng không có quy định nào về trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên”.
Đồng thời, bà Minh kiến nghị “giữ lại quy định hiện hành tại điều 36 và 66 của Hiến pháp 1992, hoặc quy định một Điều mới về thanh niên, về vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong hiến pháp sửa đổi ở chương Chế độ chính trị”.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, Phó Trưởng Ban Thời sự - Chính trị (Báo Tiền Phong) đề xuất, trong Hiến pháp cần bổ sung nội dung: “Thế hệ trẻ Việt Nam được chăm lo, giáo dục và trọng dụng, đặc biệt là những tài năng trẻ của đất nước. Quốc hội cần có Luật về công tác phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài, trong đó có tài năng trẻ, cán bộ trẻ”.
Từ văn bản Luật do Quốc hội ban hành nhà nước mới có các cơ chế, chính sách cụ thể để phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, cán bộ trẻ. Có như vậy, các cơ quan, bộ, ngành mới thay đổi trong nhận thức, tư duy trong bố trí, quy hoạch cán bộ trẻ.
Nhà báo Ngọc Tiến, báo Tiền Phong đóng góp ý kiến. Ảnh: Xuân Tùng. |
Nhà báo Ngọc Tiến cho rằng, hiện nay, các khâu từ phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ, tôn vinh nhân tài đều chưa được cụ thể hóa bằng những văn bản pháp lý. Người trẻ vẫn chưa được tin tưởng, trọng dụng.
Cán bộ trẻ tham gia cấp ủy tại nhiều địa phương đều không đạt tỷ lệ yêu cầu. Tại nhiều địa phương, khi được xem xét giữ những chức vụ nhất định thì người cán bộ đã mất đi sự nhanh nhẹn, sáng tạo của tuổi trẻ. Do vậy, cần hiến định nội dung về trọng dụng nhân tài.
Ông Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu quan điểm. Ảnh: Xuân Tùng. |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này có rất nhiều nét đổi mới. Đây là bản hiến pháp của thời kỳ nhà nước chuyển đổi mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng sống cho nhân dân, đảm bảo cho nhân dân có một cuộc sống ổn định, an toàn và tốt đẹp.
“Ý kiến của chúng ta đóng góp càng nhiều, càng cụ thể bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Đó là tiếng nói đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân”, ông Bảo nói.
Theo đó, bản hiến pháp phải đảm bảo dân chủ, thực hành dân chủ, trừng trị thích đáng các hành vi tham nhũng, hại dân, hại nước.
“Tham nhũng ghê gớm nhất là tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính trị”, ông Bảo nhấn mạnh.
Ông Bảo cũng đánh giá rất cao những quy định ghi nhận các quyền cơ bản của con người, quyền công dân. Về vấn đề liên quan đến Đoàn thanh niên, ông Bảo nêu quan điểm: “Ở đây không phải vấn đề hình thức, mà là nhấn mạnh được vị trí, vai trò của thanh niên. Theo tôi, nên có một điều quy định về thanh niên. Nhưng nếu nó thẩm thấu vào các điều khác cũng được”.
Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An phát biểu kết thúc hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng. |
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư T.Ư Đoàn Dương Văn An cho rằng, các nhà báo, văn nghệ sĩ trẻ đã nghiên cứu, đóng góp những ý kiến sâu sắc, xác đáng, chi tiết cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
“Chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến và báo cáo lên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội”, anh Anh nói.
Anh An cũng yêu cầu các đơn vị báo chí xuất bản của T.Ư Đoàn cũng như các đơn vị tỉnh, thành Đoàn trực thuộc tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, đặc biệt là đoàn viên thanh niên….