Lập trường của Việt Nam trước việc Philippines khởi kiện Trung Quốc

Lập trường của Việt Nam trước việc Philippines khởi kiện Trung Quốc
TPO – Ủy ban Biên giới Quốc gia Bộ Ngoại giao nước ta ngày 24/1 có phản ứng về việc Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.

> LHQ nói về giải quyết tranh chấp biển Đông
> Tranh chấp biển Hoa Đông, Biển Đông 'bóp chết' ngành du lịch?
> Trung Quốc phản ứng việc Philippines đưa ra tòa LHQ
> Philippines đưa tranh chấp với Trung Quốc ra tòa án LHQ

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài được thành lập theo Điều 287 và Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Chiến nêu rõ: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là các vấn đề liên quan đến Biển Đông cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”.

Ông Nguyễn Duy Chiến cũng nêu rõ Việt Nam cho rằng các quốc gia hoàn toàn có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Bản đồ phi pháp, vô giá trị

Xung quanh việc vừa qua Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo đưa tin Cục Đo vẽ Bản đồ Quốc gia Trung Quốc công bố đã hoàn thành và dự kiến cho phát hành “Bản đồ toàn quốc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” và “Bản đồ địa hình Trung Quốc” khổ dọc mới vào cuối tháng 1/2013, trong đó vẽ yêu sách “đường chín đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) và các đảo, đá, bãi ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, ông Nguyễn Duy Chiến khẳng định: “Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Biển Đông theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Mọi bản đồ thể hiện thông tin sai lệch về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông là phi pháp và vô giá trị.”

Tàu Hải Tuần 21 của Trung Quốc được điều ra Biển Đông cuối tháng trước. Ảnh: Xinhua
Tàu Hải Tuần 21 của Trung Quốc được điều ra Biển Đông cuối tháng trước. Ảnh: Xinhua.

Động thái bước ngoặt

Trước đó, trong một động thái được cho là mang tính bước ngoặt, Philippines tuyên bố sẽ đệ trình tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra tòa án Liên Hợp quốc. Ngoại trưởng Philippines Del Rosario tuyên bố: “Philippines sẽ dùng mọi cách thức chính trị và ngoại giao để giải quyết tranh chấp biển đảo với Trung Quốc theo phương thức đàm phán. Chúng tôi hi vọng sẽ mang lại giải pháp lâu dài cho tranh chấp này”.

Manila cũng thông báo cho đại sứ Trung Quốc tại Philippines, bà Mã Khắc Thanh về quyết định đưa Trung Quốc ra tòa án phân xử theo Công ước về Luật biển (UNCLOS) của Liên hợp quốc, được cả 2 nước ký năm 1982.

Trong bản đệ trình lên tòa án Liên Hợp quốc, Philippines cho biết cái gọi là “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh, vẽ tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, trong đó có cả vùng biển, đảo nằm sát bờ biển các nước láng giềng, là bất hợp pháp.

Bản đệ trình cũng kêu gọi Trung Quốc “rút lại các hoạt động phi pháp, vi phạm quyền tối cao và tài phán của Philippines theo Công ước 1982 UNCLOS”.

Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, tâm điểm tranh chấp và căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines
Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, tâm điểm tranh chấp và căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines.

Trong thời gian qua, Trung Quốc và Philippines có những căng thẳng xung quanh tranh chấp bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

Ngày 22-1, ngay sau khi Philippines tuyên bố khởi kiện, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Thanh đã khẳng định: "Quan điểm trước sau như một của phía Trung Quốc đối với những tranh chấp tại Biển Đông cần phải được các bên liên quan giải quyết thông qua đàm phán. Điều này cũng là thỏa thuận đạt được giữa các bên liên quan trong Tuyên bố về Ứng xử của Các bên tại Biển Đông (DOC)."

Bà Mã Khắc Thanh phát biểu như trên trong cuộc gặp Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Theresa Lasaro, người trao công hàm thông báo với Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Ma Keqing về quyết định của Philippines.

LHQ nói về giải quyết tranh chấp biển Đông

Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon nói về giải quyết tranh chấp Biển Đông
Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon nói về giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Ngày 22-1 tại Mỹ, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon nói rằng, về việc đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng ra tòa án của LHQ, cơ quan này “sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn, nếu cần thiết, nếu được yêu cầu”.

Ông Ban Ki-moon nói thêm: Các nước trong khu vực nên giải quyết tranh chấp “thông qua đối thoại theo cách hòa bình, hòa giải.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Điểm lại những chuyên án ma túy lớn do Bộ Công an triệt phá năm 2024
Điểm lại những chuyên án ma túy lớn do Bộ Công an triệt phá năm 2024
TPO - Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an với quan điểm, phương châm “không chỉ đánh khúc giữa”, bắt giữ toàn bộ đường dây, tổ chức tội phạm ma túy, đối tượng chủ mưu cầm đầu, trong năm 2024, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã đấu tranh thành công nhiều chuyên án và thu giữ lượng lớn ma túy, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ trong cuộc chiến chống lại tội phạm.