Sai phạm ở địa phương rất ít bị phạt

Cảnh bán hàng ăn trên vỉa hè Ảnh: Hồ Thu
Cảnh bán hàng ăn trên vỉa hè Ảnh: Hồ Thu
TP - Trao đổi với báo chí sáng 23-1 ở Hà Nội, lãnh đạo Cục An toàn Thực phẩm thừa nhận hầu như chưa phạt được các đơn vị, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với thức ăn đường phố ở cấp phường xã.

> Siết thức ăn đường phố: Chưa dẹp cơ sở vi phạm
> Không hoãn nghị định quản thức ăn đường phố

Báo Thanh Niên: Từ 20-1 đến nay, đã có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoặc kinh doanh thức ăn đường phố bị phạt theo quy định của Thông tư số 30/TT-BYT chưa?

TS Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế: Hoàn toàn không có chủ trương phạt các cơ sở vi phạm ngay khi Thông tư Số 30/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ 20-1. Chúng tôi tạo điều kiện thời gian đủ dài cho các cơ sở kịp thích ứng với quy định mới.

Tuổi Trẻ: Các hành vi vi phạm ở cấp cơ sở, nhất là cấp xã phường, hầu như không bị phạt?

TS Nguyễn Thanh Phong: Chúng tôi thừa nhận có chuyện đó và đó là trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các ban ngành ban hành các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của cấp cơ sở trong xử phạt vi phạm.

Lao Động: Không ít quán mất vệ sinh, bẩn thỉu nằm cạnh trụ sở UBND phường xã. Quan chức ở đó chẳng những không phạt mà còn vào ăn uống thoải mái. Tại sao không phạt những người này?

TS Trần Quang Trung-Cục trưởng Cục ATTP: Đến nay, không có bất cứ quy định xử phạt nào cho kiểu hành vi đó. Nghị định 91/2012/NĐ-CP ngày 8-11-2012 cũng chỉ quy định xử phạt các hành vi làm mất vệ sinh ATTP. Theo tôi, chế tài cho các đối tượng ấy chính là kiểm điểm trách nhiệm cá nhân theo Luật Công chức.

Tuổi Trẻ: Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP, nói các nội dung cơ bản của Thông tư 30 đã được ban hành từ năm 2001, rồi 2005. Từng ấy năm không lập lại trật tự thức ăn đường phố, năm 2013, lại đem ra thực hiện dưới dạng Thông tư 30. Căn cứ vào đâu để đảm bảo văn bản này xoay chuyển được tình hình?

TS Nguyễn Thanh Phong: Năm 2000, Bộ Y tế chỉ đề ra 10 tiêu chí để đánh giá ATTP về thức ăn đường phố. Năm 2005, mới có Quyết định 41 quy định điều kiện vệ sinh ATTP đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống. Nhưng dù là “tiêu chí” hay “quy định”, bảo tình hình không xoay chuyển gì là không đúng.

TS Trần Quang Trung: Các quán bánh mỳ nhan nhản dọc các trục đường giao thông kiểu gì cũng nhiễm bẩn. Trong khi chờ một quyết định dẹp bỏ kiểu kinh doanh mất mỹ quan và mất vệ sinh này, chúng ta thấy bánh mỳ đều có nilon che.

Đài Tiếng nói Việt Nam: Cấp phép chứng nhận ATTP cho các quán thức ăn đường phố có phải là hợp thức hóa cho việc họ chiếm dụng vỉa hè không?

TS Nguyễn Thanh Phong: Không thể suy luận đơn giản như vậy được. Cấp giấy chứng nhận là để đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng. Còn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố lấn chiếm vỉa hè sẽ bị chế tài bởi các quy định khác.

Tương tự như vậy, cung cấp bơm kim tiêm cho người nghiện ma túy là để đảm bảo an toàn của chính người nghiện cũng như cộng đồng. Và điều đó không có nghĩa hợp pháp hóa hoạt động tiêm chích ma túy.

Tiền Phong: Cục ATTP thông báo sẽ mời báo chí tham gia các đoàn thanh tra ATTP. Đến nay, đã có báo nào được mời chưa? Thanh tra có cung cấp thông tin cho nhà báo trong quá trình thanh tra không?

TS Nguyễn Thanh Phong: Khá nhiều báo được mời nhưng một số báo không đi. Tôi buồn là các thông tin tích cực từ các cuộc thanh tra thì các báo hầu như không đưa.

Ngược lại, các báo chỉ nhăm nhăm đưa tin tiêu cực. Liên quan đến cung cấp thông tin, theo luật, thanh tra viên không được phép cung cấp thông tin cho bất cứ ai trong quá trình thanh tra. Tuy nhiên, nếu cùng tham gia thanh tra và trực tiếp phát hiện thông tin thì đấy là cách để nhà báo có thể có thông tin mà bản báo cần.

Theo TS Nguyễn Thanh Phong, năm 2001, theo kết quả điều tra, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm ở cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tại các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật ở rau muống (83 - 87% số mẫu); rau cải lá (44 - 91% số mẫu); sử dụng hàn the trong chế biến bánh cuốn, bánh tẻ, bánh phở, giò chả từ 60 đến 94% số mẫu; sử dụng phẩm mầu ngoài danh mục đối với kem, gia vị, tương ớt, thức ăn ngay từ 13,6 đến 51% số mẫu; thực phẩm chín nhiễm E.coli ở giò, chả, nem chạo, kem, rau sống từ 26,8 đến 100% số mẫu; còn bàn tay người chế biến nhiễm E.coli mức độ nhiễm từ 37 đến 92% số mẫu xét nghiệm.

Năm 2010 - 2011, theo kết quả điều tra, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm tại 63 tỉnh thành phố đối với thức ăn ngay tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố khác hẳn.

Tỷ lệ mẫu ô nhiễm E.coli là hơn 14%; coliforms là 18%; phẩm mầu kiềm là 9,4%; hàn the là hơn 13% và formol là 6,2%, độ ôi khét là 29%.

Tuy nhiên, sự cải thiện là chưa ổn định và bền vững. Năm 2012, theo báo cáo của 48/63 tỉnh thành, đã giám sát được 12.295 mẫu về ATTP. Kết quả cho thấy mẫu bánh cuốn, bánh tẻ, bánh phở, giò chả, nem, kem, nước đá uống bị nhiễm Coliforms là 11,7 - 62,7%; ô nhiễm E.Coli là 6 - 34,2%; phẩm mầu công nghiệp 0,4 - 0,7%.

Đáng chú ý, độ ôi khét là hơn 30% và 10-15,4% số mẫu kiểm nghiệm có hàn the. Đặc biệt, 40 - 41,7% số mẫu nhóm thực phẩm này có mức ô nhiễm bào tử nấm mốc men vượt quy định cho phép.

Quốc Dũng ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG