> Tiền lương: Bất bình đẳng, không đủ sống
Hội thảo Thực trạng chính sách lương và giải pháp cải cách. Ảnh: Trường Phong. |
Bên lề hội thảo thực trạng chính sách lương và giải pháp cải cách, chiều 17 – 5, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội trao đổi với báo chí.
Bà Mai cho biết, hội nghị TƯ Đảng vừa qua và bài phát biểu bế mạc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cải cách lương của khu vực lao động sẽ đi nhanh hơn lương của cán bộ công chức và chúng ta đang phấn đấu mục tiêu đến năm 2015 sẽ đạt nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Hiện nay, lương của khu vực doanh nghiệp vẫn cao hơn khu vực công chức và sắp tới sẽ tiếp tục dịch chuyển nhanh hơn nữa để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.
Đây là khu vực có quan hệ lao động, doanh nghiệp trả tiền nên hoàn toàn có điều kiện để làm việc này, tuy nhiên, cũng phải đi những bước hợp lý với tình hình kinh tế xã hội.
Đối với nhóm cán bộ công chức, chúng ta còn phải tiếp tục bàn để tìm ra con đường đi rõ ràng. Cũng đã có một số giải pháp thiết lập như thế nào, sắp xếp bộ máy ra sao, nhưng để cho chuẩn mực, chúng ta phải tiếp tục trao đổi.
Thưa bà, mục đích của việc cải cách chế độ tiền lương?
Cải cách tiền lương để khắc phục những bất cập trong chính sách tiền lương của ta. Qua vài chục năm, dù có những tác động tích cực nhưng chính sách tiền lương cũng bộc lộ những bất cập.
Mục tiêu đầu tiên của đợt cải cách lần này là khắc phục những bất cập đó. Hai là định hướng cho mục tiêu lâu dài là lương thực sự phải trở thành một động lực cho bộ máy, cho khu vực tư và tạo điều kiện ổn định cuộc sống của người lao động, của cán bộ công chức nhà nước, những người đang hưởng lương tham gia phát triển đất nước.
Phương hướng cải cách như thế nào, thưa bà?
Hiện nay, tạm thời chúng ta đang đưa ra các nhóm như sau: Một là khu vực doanh nghiệp, khu vực có quan hệ lao động.
Tôi thấy rằng, lần này, bộ luật lao động sửa đổi đã định ra tương đối rõ ràng về con đường đi để tiếp tục đưa tiền lương trong khu vực có quan hệ lao động một cách chuẩn mực hơn theo quan điểm tiền lương là giá cả sức lao động theo nền kinh tế thị trường và có sự quản lý của nhà nước.
Nhà nước có vai trò trong tiền lương của khu vực này khi công bố tiền lương tối thiểu định kỳ hoặc hàng năm.
Thứ hai là công bố các thông tin liên quan đến tiền lương, tiền lương bình quân.
Nhà nước trở thành bên thứ ba hỗ trợ để người lao động có thể thỏa thuận về tiền lương trong các hợp đồng hoặc thỏa ước lao động tập thể được ký giữa người sử dụng lao động và đại diện người lao động, hoặc đưa ra mức tiền lương tối thiểu ngành để có thể nâng mức tiền lương tối thiểu thông qua việc ký kết giữa đại diện chủ sử dụng lao động và đại diện người lao động.
Có thể nói, đối với khu vực doanh nghiệp, khu vực có quan hệ lao động thì con đường đi tương đối rõ ràng, và tôi nghĩ, cách xác lập này cũng không có gì khác với các nước có cùng trình độ phát triển.
Hai là đối với khu vực dịch vụ công: Có thể nói, sẽ có sự đổi mới mạnh mẽ khi chúng ta tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công. Tuy nhiên, bước đi này khá dài.
Ví dụ như giá viện phí, chúng ta sẽ tính đúng, tính đủ giá chi phí và sau đó lại xác lập phần nào là phúc lợi xã hội nhà nước phải lo, phần nào là dân sẽ chi trả và sự chi trả đó lại thông qua một cơ chế là bảo hiểm y tế để tạo thành mạng lưới phòng tránh rủi ro cho người dân.
Sau này, cơ chế này sẽ đi từng bước, tức là đồng bộ với việc tính đúng, tính đủ viện phí là một cơ chế tự chủ của các cơ sở y tế công lập.
Nguồn thu nhập sẽ từ viện phí chứ không phải từ ngân sách nhà nước. Viện phí có thể do người dân trả trực tiếp hoặc thông qua bảo hiểm y tế, và cơ sở y tế công lập sẽ được quyền tự chủ trên cơ sở có sự kiểm soát của nhà nước, có sự khống chế các khung, điều kiện để quyết định tuyển dụng cán bộ, nhân viên của họ. Họ quyết định mức lương phải trả, quyết định các công việc của cơ sở y tế công trên cơ sở đó để nâng cao chất lượng.
Tôi nghĩ đến thời điểm đó thì sự cạnh tranh của các cơ sở công lập của chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn để xác định thương hiệu của mình, để người dân có thể tiếp cận những dịch vụ công cung cấp cho họ.
Con đường này đi khá dài, nhưng nó sẽ tạo nên sự cải cách rất mạnh mẽ trong khu vực trên và tiền lương nhà nước đang trả cho khu vực này có lẽ sẽ chỉ còn tập trung vào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Những nơi có điều kiện thì người ta có thể tự lực được, thông qua cơ chế chúng ta cho phép tính đúng, tính đủ giá dịch vụ.
Ba là đối với khu vực cán bộ công chức: Đây là khu vực mà tôi nghĩ rất nan giải. Hiện nay, chúng ta đang xem cán bộ công chức là một khu vực đặc thù và lao động công vụ được xem là lao động đặc thù.
Có thể nói, hiện nay, chúng ta tiếp tục nâng quan hệ tiền lương để đạt được mức có thể chấp nhận được. Nhưng điều quan trọng nhất, ở mức lương 1, sử dụng chung lương tối thiểu của khu vực có quan hệ lao động hay là lựa chọn một mức lương đầu tiên là mức lương trung bình để phù hợp với lao động công vụ. Chỗ này chúng ta sẽ tiếp tục tính toán để đưa ra một mức hợp lý.
Nếu chúng ta cải cách mạnh mẽ khu vực dịch vụ công, chúng ta sẽ có nguồn từ ngân sách nhà nước qua khu vực này để tiếp tục xây dựng nguồn trả lương.
Nếu chúng ta cứ giữ cách thức như hiện nay thì sẽ không bao giờ trả lời nguồn từ đâu để trả lương được. Nhưng nếu điều chỉnh lại toàn bộ khu vực này thì cán bộ công chức sẽ có điều kiện để nâng mức lương lên, sẽ đi đến mục tiêu là cán bộ công chức đi làm việc có mức sống là trung bình, để toàn tâm toàn ý cho công việc công vụ trong sạch, vững mạnh, hiệu quả, minh bạch, công khai.
Chúng ta có thể học hỏi điều gì từ những cải cách của các nước trên thế giới?
Hiện nay, đối với khu vực có quan hệ lao động chúng ta đang đi theo kinh nghiệm một số nước trên thế giới.
Với khu vực công chức thì có lẽ chỉ có thể nghiên cứu tham khảo vì chúng ta có điều kiện riêng của Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng, Việt Nam sẽ quyết định chính sách cho khu vực này phù hợp với thực tiễn của đất nước từ ngân sách, từ điều kiện kinh tế xã hội.
Vấn đề giảm biên chế có được đề cập đến trong cải cách tiền lương?
Tôi nghĩ đây là vấn đề mới mà xã hội đang đặt ra yêu cầu. Không phải chỉ là tiếp tục điều chỉnh tiền lương cán bộ công chức để tạo động lực cho cán bộ công vụ mà cái quan trọng hơn là chúng ta thiết kế lại toàn bộ bộ máy nhà nước theo một mô hình vị trí việc làm.
Sẽ thiết kế ra trong một cơ quan quản lý nhà nước thì có bao nhiêu việc làm đảm bảo phục vụ cho chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan quản lý nhà nước. Trên cơ sở đó từng vị trí việc làm sẽ đặt ra từng yêu cầu đối với người cán bộ công chức cho từng việc làm và lương phải trả theo việc làm. Nó thoát khỏi cái ngạch bậc hiện nay một cách cơ bản.
Chúng ta phải thoát khỏi một cái cách thức cũ mà vận hành theo cách mới là vị trí việc làm. Thiết kế được một mô hình như vậy nó sẽ tạo động lực mới là mỗi vị trí việc làm sẽ có mức lương tương ứng. Và rõ ràng khi tôi làm đúng việc đúng với đào tạo của tôi, được trả một đồng lương đúng mức, thì sẽ yên tâm với cuộc sống.
Việc giảm biên chế gặp những khó khăn gì?
Có rất nhiều thách thức đặt ra cho chúng ta, nhưng mà nếu quyết tâm làm thì chúng ta vẫn sắp xếp được. Làm sao hướng tới một mục tiêu là bộ máy nhà nước phải mạnh mẽ, phải có hiệu quả hơn.
Khu vực có quan hệ lao động thì phải được đảm bảo để người lao động có thể sống được bằng tiền lương của mình ở một mức có thể chấp nhận được
Theo bà, khi nào chúng ta có thể thấy được hiệu quả của các biện pháp này?
Ngay từ bây giờ chúng ta đã đi những bước đi đầu tiên cho quá trình cải cách tiền lương. Ngay từ bây giờ toàn bộ công việc đang được chuẩn bị.
Năm 2013 sẽ có điều chỉnh một phần để đáp ứng được yêu cầu của năm 2013.
Cải cách tiền lương dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2014 đến năm 2020. Tôi cũng cho rằng, đối với nước ta, phải đi vài bước chứ không phải ngay tức khắc là cải cách ngay được.
Trường Phong ghi