Hoang mang trước tin thuyền viên bị cướp biển sát hại

Hoang mang trước tin thuyền viên bị cướp biển sát hại
TP - Hai trong số 12 thuyền viên Việt Nam làm việc cho tàu đánh cá Shiuh Fu-1 của Đài Loan bị cướp biển Somalia bắt giữ cuối năm 2010 ngoài khơi biển Madagascar vừa điện về cho biết, một người đã bị sát hại; trong vòng một tuần nữa, nếu không nộp tiền chuộc sẽ bị bắn chết.

>Cướp biển Somalia đe dọa tính mạng 12 người Việt
>Thuyền viên bị cướp biển bắt, liên lạc về nhà

Cùng chung số phận với 12 thuyền viên Việt Nam còn có 14 thuyền viên nước ngoài khác hiện vẫn bị cướp biển Somalia bắt giữ. Ông Trần Văn Vinh (48 tuổi, quê Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, con trai ông là Trần Văn Hùng (25 tuổi) đang trong tay cướp biển hôm 23-4 điện về cho biết, thuyền viên Việt Nam bị cướp biển sát hại tên là Lưu Đình Sơn (quê ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An).

Hai thuyền viên khác là người Trung Quốc cũng bị sát hại. Toàn bộ thuyền viên Việt Nam đang bị đau ốm, nằm lăn lóc trên tàu. Suốt hai ngày trước khi Sơn điện về nhà, cướp biển không cho các thuyền viên ăn uống, suốt ngày dọa bắn chết.

Theo ông Vinh, con trai ông xuất cảnh đi đánh cá trên tàu Đài Loan từ ngày 17-12-2009. Ngày 25-10-2010, tàu bị cướp biển Somalia bắt giữ. Kể từ khi bị bắt giữ, anh Hùng gọi điện về nhà 2 lần.

Từ ngày bị bắt giữ, mỗi ngày, cướp biển chỉ cho ăn một bát cơm hoặc một cái bánh mỳ và cho uống 1 cốc nước. “Không biết thông tin đúng hay sai nhưng khi nghe con trai điện về cả gia đình lo lắng, không ăn không ngủ, lòng như lửa đốt. Mong các cơ quan chức năng giúp đỡ để con trai tôi sớm được thả về” - ông Vinh nói.

Ông Lưu Đình Thu, 49 tuổi, quê Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An cũng cho biết, con trai ông là Lưu Đình Hùng, sinh năm 1990, điện về ngày 23-4 cho biết, nếu trong vòng một tuần nữa, cướp biển không nhận được tiền chuộc, sẽ sát hại hết thuyền viên trên tàu. “Tôi đã làm việc với công ty cũng như Cục quản lý lao động ngoài nước nhưng vẫn chưa biết khi nào con sẽ được thả” - ông Thu lo lắng.

Khi điện về, Hùng cho biết cướp biển đòi chuộc 3 triệu USD thì mới thả người.

Chủ tàu đã chuyển tiền đợt một

Ông Đỗ Hoàng Lê - Phó tổng giám đốc Cty Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ - Inmasco, thuộc Cienco1 cho biết, Lưu Đình Sơn đúng là do Inmasco đưa đi. “Sau khi tiếp nhận thông tin từ người nhà, lãnh đạo Cty đã trực tiếp báo cáo với Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) để thông báo với phía Đài Loan kiểm chứng thông tin. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa nhận được thông tin chính thức từ chủ tàu Đài Loan” - ông Lê nói.

Theo ông Lê, có thể lao động gọi điện về là theo yêu cầu của cướp biển để sớm nhận được tiền chuộc. “Trước đó, thuyền viên cũng gọi về cho biết, thuyền trưởng tàu Shiuh Fu-1 đã bị cướp biển chặt tay, nhưng sau đó chủ tàu cho biết là không chính xác” - ông Lê nói.

Làm việc với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Tạo - Trưởng phòng Quản lý lao động (Cục quản lý lao động ngoài nước) cho biết, người nhà thuyền viên hoang mang là điều dễ hiểu, tuy nhiên, người nhà cũng không nên quá lo lắng vì sẽ dính bẫy của cướp biển. “Đáng lẽ, các thuyền viên đã được thả về rồi nhưng vì cướp biển thay đổi người liên lạc với chủ tàu nên sau đó quá trình đàm phán bị trục trặc” - ông Tạo cho biết.

Cũng theo ông Tạo, thực tế, chủ tàu đã chuyển tiền đợt một cho cướp biển, nhưng đến đợt chuyển tiền thứ hai, phía cướp biển đổi người liên lạc mới nên quá trình thương lượng đến nay chưa xong.

Trong khi đó, theo lãnh đạo ba công ty đưa các thuyền viên trên sang Đài Loan làm việc là Servico (7 thuyền viên), Inmasco (4 thuyền viên), Vạn Hoa (1 thuyền viên) cho biết, đã nhiều lần thúc giục chủ tàu phía Đài Loan sớm hoàn tất quá trình đàm phán để giải cứu thuyền viên.

Nhưng vì đây là vấn đề quốc tế, nằm ngoài phạm vi can thiệp của doanh nghiệp nên rất khó khăn. Dù bị cướp biển giam giữ, các thuyền viên vẫn được nhận lương hằng tháng, đại diện Cty Inmasco cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
TPO - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh yêu cầu giám đốc các ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ và chất lượng các dự án. Bộ GTVT sẽ xem xét và xử lý trách nhiệm các chủ thể tham gia dự án nếu có không hoàn thành nhiệm vụ.