Vụ khiếu nại của 'cựu' tử tù Liên Khui Thìn: Biệt thự, đất kê biên bị tẩu tán

0:00 / 0:00
0:00
Vụ khiếu nại của 'cựu' tử tù Liên Khui Thìn: Biệt thự, đất kê biên bị tẩu tán
TPO - Không chỉ lợi dụng ông Liên Khui Thìn nhận án tử để "hất cẳng" vị đại gia này ra khỏi công ty TNHH Hồng Long bằng các tài liệu giả mạo, một số đối tượng chiếm quyền điều hành còn ngang nhiên tẩu tán nhiều tài sản của công ty, trong đó có không ít mặt bằng nhà đất đã được kê biên.

Bán biệt thự bỏ túi hàng trăm lượng vàng

Công ty TNHH Hồng Long (Cty HL) là một trong những công ty con do “cựu tử tù” Liên Khui Thìn sáng lập và sở hữu nhiều tài sản tại công ty này, trong đó có biệt thự số 61B đường Tú Xương (quận 3).

Theo bản án hình sự phúc thẩm số 05/HSPT ngày 12/1/2000 của tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao, Cty HL phải thanh toán cho công ty Epco (cũng do ông Thìn sáng lập và giữ chức Chủ tịch HĐQT) để doanh nghiệp này trả nợ với tổng số tiền gần 39 tỷ đồng bằng việc kê biên, đấu giá nhiều tài sản do Cty HL quản lý để thu nợ.

Biệt thự 61B Tú Xương nằm ở vị trí đắc địa thuộc khu trung tâm TPHCM, có tổng diện tích 160 m2, nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước cho ông Trần Tựu và bà Lê Thanh thuê sử dụng. Năm 1996, ông Tựu và bà Thanh sang nhượng lại quyền sử dụng cho Cty HL với giá 180 lượng vàng SJC. Cho đến ngày xảy ra vụ án EPCO – Minh Phụng vào năm 1997, biệt thự vẫn do Cty HL quản lý sử dụng.

Vụ khiếu nại của 'cựu' tử tù Liên Khui Thìn: Biệt thự, đất kê biên bị tẩu tán ảnh 1

Biệt thự 61B Tú Xương (quận 3) tọa lạc tại vị trí đắc địa ở trung tâm TPHCM

Ngày 13/6/2001, khi đại gia Liên Khui Thìn đang thắc thỏm trong khu biệt giam của tử tù, ông Đỗ Trường Sơn với chức danh Phó giám đốc Cty HL đã ký biên bản thanh lý hợp đồng căn biệt thự này. Theo đó, ông Trần Tựu và bà Thanh trả lại cho Cty HL 285 lượng vàng SJC. Đổi lại, Cty HL giao trả lại nhà và toàn bộ giấy tờ cho ông Tựu và bà Thanh.

Ông Đỗ Trường Sơn chính là một trong 5 thành viên mới được đưa vào Cty HL sau khi đại gia Liên Khu Thìn bị… cho ra rìa bằng việc giả mạo thông tin đăng ký và được Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TPHCM cấp giấy chứng nhận. Và, bất ngờ hơn, ông Đỗ Trường Sơn là con của ông Đỗ Hữu Cảnh, người được “cựu tử tù” Liên Khui Thìn ủy quyền điều hành Cty HL và có trách nhiệm xử lý công nợ.

Vụ khiếu nại của 'cựu' tử tù Liên Khui Thìn: Biệt thự, đất kê biên bị tẩu tán ảnh 2

"Cựu tử tù" Liên Khui Thìn (bên phải). Ảnh chụp trước khi xảy ra đại dịch COVID-19

Trở lại với vụ bán biệt thự 61B Tú Xương. Thực chất của thương vụ này là chủ cũ mua lại căn biệt thự với giá 285 lượng vàng SJC (so với giá mua trước kia, Cty HL thu lời được 105 lượng vàng SJC).

Điều đáng nói, thời điểm bán căn biệt thự 61B Tú Xương cũng là thời gian Cty HL đang phải thi hành án (THA). Tuy nhiên, sau khi nhận được 285 lượng vàng SJC, những người điều hành Cty HL đã tránh né, không thực hiện nghĩa vụ với nhà nước.

Nguồn tin riêng của Tiền Phong cho biết, sau khi phát hiện việc bán căn biệt thự trên có dấu hiệu tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ THA, các cơ quan chức năng đã làm việc với Cty HL.

Theo thừa nhận của những người điều hành Cty HL, số tiền bán căn biệt thự lẽ ra dành để trả nợ theo bản án Epco – Minh Phụng đã được đưa vào kinh doanh, cụ thể là đầu tư vào dự án khu dân cư Hiệp Bình Phước.

Đất kê biên vẫn phân lô, bán nền

Tuy nhiên, trớ trêu là khu dân cư Hiệp Bình Phước sau đó cũng đã bị Cty HL tẩu tán bằng cách chuyển nhượng cho hàng trăm khách hàng, dù đã quyết định kê biên để đảm bảo THA.

Dự án khu dân cư Hiệp Bình Phước có tổng diện tích 107.456 m2 tọa lạc tại phường Hiệp Bình Phước (nay thuộc TP Thủ Đức). Tháng 11/2002, chấp hành viên Phòng THA TPHCM (nay là Cục THA Dân sự TPHCM) đã ra Quyết định kê biên tài sản số 654/THA kê biên tài sản của Cty HL, gồm mặt bằng nhà đất tại số 282 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (trụ sở của Cty HL) và toàn bộ diện tích 107.456 m2 đất tại phường Hiệp Bình Phước để THA.

Vụ khiếu nại của 'cựu' tử tù Liên Khui Thìn: Biệt thự, đất kê biên bị tẩu tán ảnh 3

Quyết định kê biên khu đất hơn 107.000 m2 tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức) để thi hành án.

Quyết định kê biên còn nêu rõ: Mọi hành vi gây rối trật tự, cản trở, chống đối việc kê biên tài sản THA thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bất chấp tài sản đã được nhà nước kê biên, những người điều hành Cty HL tại thời điểm đó vẫn tiến hành phân lô, chia nền và lập hợp đồng mua bán, chuyển nhượng trái pháp luật cho 484 khách hàng.

Hầu hết các hợp đồng chuyển nhượng nền đất Cty HL lập cho khách hàng đều do ông Đỗ Trường Sơn ký với nhiều chức danh khác nhau như: Giám đốc trung tâm giao dịch đầu tư kinh doanh địa ốc thuộc Cty HL, Phó giám đốc Cty HL… và đều không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền và chính quyền địa phương.

Vụ khiếu nại của 'cựu' tử tù Liên Khui Thìn: Biệt thự, đất kê biên bị tẩu tán ảnh 4

Một trong số hàng trăm hợp đồng chuyển nhượng đất của Cty HL cho khách hàng

Một số chuyên gia bất động sản cho biết với giá chuyển nhượng trên hợp đồng cho các khách hàng từ 1,4 đến 2 triệu đồng/m2, Cty HL đã bỏ túi khoảng 200 tỷ đồng, Và, nếu khu đất này không bị tẩu tán, được bán đấu giá đúng quy định, với thời giá năm 2003-2005 khoảng 4-5 triệu đồng/m2 thì nhà nước thu được ít nhất là hơn 400 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với số tiền đại gia Liên Khui Thìn và Cty HL phải THA.

Theo tố cáo của ông Liên Khui Thìn, bản án vụ EPCO-Minh Phụng có hiệu lực đã 21 năm nhưng đến nay việc THA vẫn chưa xong vì ông bị tước quyền dân sự đối với tài sản và cổ phần tại các công ty, trong đó hầu hết tài sản là nhà đất có giá trị rất lớn đã bị các cá nhân và nhóm lợi ích chiếm đoạt trái pháp luật.

Không chỉ “hô biến” khu đất trên, càng lạ lùng hơn là mặt bằng số 282 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) dù đã được cơ quan THA kê biên nhưng sau đó Cty HL vẫn được sử dụng mà không có sự chuyển giao để tổ chức THA theo quy định.

Cty HL do cựu tử tù Liên Khui Thìn sáng lập và nắm giữ 75% vốn đăng ký ban đầu là 4 tỷ đồng cùng nhiều tài sản giá trị rất lớn. Khi vụ án Epco – Minh Phụng nổ ra, ông Liên Khui Thìn đã ủy quyền cho ông Đỗ Hữu Cảnh (góp 25% vốn) thay mặt điều hành và có trách nhiệm xử lý công nợ.

Sau khi bị tuyên án tử hình, ông Liên Khui Thìn bị loại ra khỏi Cty HL. Tháng 6/2002, ông Đỗ Hữu Cảnh làm thủ tục đăng ký bổ sung 5 thành viên mới, trong đó có ông Đỗ Trường Sơn. Theo kết luận của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, nội dung kê khai trong hàng loạt hồ sơ đăng ký kinh doanh/đăng ký doanh nghiệp của Cty HL từ năm 2001 để được Sở KH&ĐT TPHCM cấp chứng nhận đăng ký thay đổi là giả mạo.

Ngày 29/6, qua xác minh đơn tố cáo của ông Thìn, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã có văn bản số 55/TB-CSKT-P10 gửi Viện Kiểm sát tối cao (Vụ 3) thông báo đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 25/QĐ-CSKT-P10 để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại công ty TNHH EPCO (TPHCM) và một số đơn vị có liên quan.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.