Có “đặc cách” với tác giả ngoại
Cùng chung quan điểm với nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng: Sex trong tiểu thuyết “Vạn Xuân” của nữ văn sĩ người Pháp Yveline Féray thuộc hàng táo bạo. Càng táo bạo hơn khi tác phẩm lại viết về một nhân vật lịch sử nổi tiếng của Việt Nam: Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Ở đây không bàn đến giá trị nghệ thuật của tác phẩm nhưng không ít người đặt giả thiết: Nếu “sinh nở” “Vạn Xuân” là một nhà văn Việt Nam, liệu tác phẩm ấy có được xuất bản không? Nếu được xuất bản thì những “pha” sex choáng váng trong cuốn sách ấy có bị cắt xén tả tơi không?
Tuy không vị nào có trách nhiệm trong lĩnh vực xuất bản lại “dại dột” thừa nhận ưu tiên sex trong văn học dịch hơn văn học nội song cứ điểm lại những cuốn sách gây bão tố ở đề tài này sẽ thấy ít nhiều có sự “đặc cách”. Ý kiến của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Sự phân biệt đối xử hình như cũng có”. Theo anh có nhiều lí do dẫn tới sự phân biệt ấy: Vì ta muốn tôn trọng tác giả nước ngoài, vì ta đã tham gia công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả v.v...
Chúng tôi có cuộc trao đổi với dịch giả trẻ Minh Thương, người đã dịch cuốn “Kiên ngạnh như thủy” của Diêm Liên Khoa. Tác phẩm này đã đem lại cho Minh Thương giải thưởng văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015. “Kiên ngạnh như thủy” cũng là cuốn tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi nhất của nhà văn Diêm Liên Khoa ở hai khía cạnh: Ngôn ngữ và tính dục. Dịch giả Minh Thương công nhận: Nhà văn Việt khi viết sex bị “soi” kỹ hơn nhà văn nước ngoài viết cùng đề tài. Điều này theo cô không có gì lạ: “Tôi thấy ngay ở Trung Quốc cũng thế thôi. Mặc dù ở Trung Quốc cởi mở hơn mình nhưng cơ quan quản lí ở Trung Quốc cũng sẽ khắt khe với các nhà văn Trung Quốc hơn tác giả nước ngoài”.
Vẫn thiếu khoan dung và tôn trọng?
Không phải cuốn sách văn chương nào viết về sex có xuất xứ “ngoại” cũng được ưu tiên như nhau. Một trong những cuốn sách may mắn không bị “soi” về sex chính là “Kiên ngạnh như thủy” (tác giả: Diêm Liên Khoa. Dịch giả: Minh Thương) . Khi dịch “Kiên ngạnh như thủy” dịch giả trẻ gặp một số khó khăn. Tuy không “chào thua” như việc dịch tên tác phẩm “Kiên ngạnh như thủy” (Bền cứng như nước, nghĩa thuần Việt) song việc dịch những đoạn sex trong “Kiên ngạnh như thủy” cũng không phải câu chuyện dễ dàng: “Những đoạn dịch về tính dục khiến tôi cảm thấy hơi khó khăn, bởi vì nhà văn Trung Quốc thường viết mạnh mẽ hơn nhà văn Việt. Khi chuyển sang tiếng Việt tôi phải Việt hóa, làm thế nào để độc giả Việt dễ tiếp nhận nhưng trên nguyên tắc tôn trọng văn phong của tác giả. Và NXB Hội Nhà văn, đơn vị cấp giấy phép cho “Kiên ngạnh như thủy” đã không cắt phần sex nào”.
Trong quá trình dịch “Kiên ngạnh như thủy” Minh Thương cũng có những cuộc trao đổi với “cha đẻ” của tác phẩm, nhà văn Diêm Liên Khoa. Một trong những tác gia quan trọng nhất của văn học Trung Quốc đương đại hóa ra lại là người dễ tính (hơn nhiều nhà văn Việt Nam): Ông đồng ý để Minh Thương cắt những đoạn (sex) mà cô cảm thấy không phù hợp với thị hiếu của độc giả Việt Nam. Bởi ông quan niệm, khi ông đã viết xong tác phẩm thì số phận tác phẩm không thuộc về ông nữa. Nhưng Minh Thương đã gắng không cắt đoạn nào trong “Kiên ngạnh như thủy”. Một tác phẩm gây choáng váng ở Trung Quốc trong buổi đầu ra mắt vì theo như Diêm Liên Khoa “phạm cả vào vấn đề chính trị lẫn sắc giới” mà vẫn được xuất bản và tôn vinh ở Việt Nam, phải nói là một điều may mắn với tác giả và dịch giả.
Thế nhưng “Đàn hương hình” của Mạc Ngôn do Trần Đình Hiến dịch lại kém may hơn. Qua khảo sát dịch phẩm “Đàn hương hình”, Minh Thương khẳng định: “Không chỉ lược bỏ từ, câu, đoạn, bản dịch thậm chí còn lược bỏ cả những trường đoạn lớn”. Nhưng “Đàn hương hình” không phải dịch phẩm văn học Trung Quốc duy nhất của Việt Nam tiến hành cắt bỏ so với nguyên tác, Minh Thương còn dẫn chứng tác phẩm “Phế đô” của Giả Bình Ao cũng bị cắt đi nhiều trường đoạn liên quan đến tính dục. Dịch giả, nhà nghiên cứu Minh Thương đưa ra quan điểm của mình: “Tình dục hay bạo lực là vấn đề chung của nhân loại, văn học thể hiện hai vấn đề này như thế nào sẽ thể hiện quan niệm mỹ học của văn học mỗi quốc gia. Trong quá trình dịch, quan điểm thẩm mỹ trong nguyên tác nên nhận được sự khoan dung và tôn trọng”.
Cách đây vài năm, dịch giả “Báu vật của đời” đã giãi bày với báo chí: “Vì cái tựa sách, tôi đã luẩn quẩn mất 3 tháng. May quá, dịch đến trang cuối thì tìm được cái định nghĩa của Mạc Ngôn: “Báu vật của thiên nhiên là bầu trời, báu vật của đời là vú to mông nở”. Vì sao dịch giả không để nguyên “Vú to mông nở” như đúng cách gọi mà Mạc Ngôn muốn, chắc độc giả cũng tự hiểu. Đã bước vào U90, dịch giả Trần Đình Hiến vẫn ao ước: “Tôi rất mong đến lúc nào đó được gọi sự vật bằng đúng tên của nó”.
Nhưng “Báu vật của đời” không chỉ né tên tác phẩm mà dịch giả Minh Thương còn chỉ ra dịch giả Trần Đình Hiến không ít lần dịch tránh từ. Cô lấy dẫn chứng: “Trong “Báu vật của đời”, đoạn Thượng Quan Lỗ Thị trong khi vượt cạn nhớ lại khoảnh khắc yêu đương với mục sư Maloa, bản dịch là: “Tại bãi cỏ xuân lần ấy, ông nói rằng ông Trời của Trung Quốc và Đức Chúa của phương Tây là một, như cánh tay với bàn tay, như sen trắng với sen đỏ, như - chị đỏ mặt - chim trẻ con với cái ấy của người lớn”. Ở đây dịch giả đã dịch tránh một từ chỉ cách gọi tục nhất về bộ phận sinh dục nam thành “cái ấy của người lớn”. Cách nói giảm nói tránh này đã giảm đi sắc thái tục trong nguyên tác”. Mạc Ngôn cũng đã để cho nhận vật Tư Mã Khố (“Báu vật của đời”) khi bị giam trước lúc hành hình trong đoạn nói chuyện với nữ đảng viên cộng sản được sử dụng một từ tục nhất để thể hiện hành động tính giao giữa nam và nữ. Nhưng trong bản dịch, Trần Đình Hiến chọn cách viết tắt: “Cô em, tôi đã đ. không biết bao nhiêu phụ nữ, chỉ tiếc rằng cho đến nay vẫn chưa đ. được một nữ đảng viên Cộng sản”.
Chính dịch giả Trần Đình Hiến cũng có lần tổng kết rằng: “Văn chương Trung Quốc nói chung rất mạnh bạo. Còn nhà văn của ta thì vẫn hơi… nhát tay”. Có thể nói thêm, người dịch của ta cũng vẫn hơi… nhát tay được chăng? Sự nhát tay có lẽ đáng thương hơn đáng trách. Dịch giả Minh Thương tâm sự thành thật: “Trừ những chi tiết dịch giả cảm thấy không hợp lí, nếu cắt chi tiết này sẽ ảnh hưởng đến chỉnh thể tác phẩm thì dịch giả sẽ đấu tranh nhưng về cơ bản sẽ tôn trọng thị hiếu của khán giả trong nước và khó khăn của nhà xuất bản. Nhạy cảm quá thì khó xin giấy phép”.
Ưa đạo đức giả, thèm uyển ngữ?
Chúng tôi có cuộc trao đổi với dịch giả Lê Quang, người có công giúp độc giả Việt tiếp xúc với những tác phẩm văn học hiện đại viết bằng tiếng Đức: “Người đọc”, “Tình ơi là tình”… Lê Quang thẳng thừng đánh giá: Ở ta đang diễn ra tình trạng “cởi mở một cách hổ lốn và dung tục”: “Các nhà xuất bản ở ta không phải không cởi mở với các tác phẩm văn chương có yếu tố sex hay thậm chí cấm, mà áp dụng quá nhiều “tiêu chí thuần phong mỹ tục” một cách tùy tiện và thiếu thống nhất khi chọn sách và kiểm duyệt”. Với riêng bản thân, Lê Quang cũng đã từng có bản quyền và dịch một cuốn best- seller của Đức, từng được lên phim và sân khấu, nhưng bị kiểm duyệt xé ngay: “Nó không giống “50 sắc thái”, mà tục tĩu một cách hồn nhiên và trẻ ranh, gây hấn ở trình không cao, nói chung theo tôi là vô hại. Từ đó tôi từ bỏ ý định dịch sách kiểu ấy. Dịch mà không chắc trên 80% có qua kiểm duyệt hay không thì mất hứng”. Lê Quang cũng lấy thêm một ví dụ nhỏ: “Tuần sau, tôi sẽ ra sạp một cuốn truyện dịch, khoa học thường thức cho trẻ con, nguyên bản là “Nhà du hành vũ trụ đi ị vào đâu?” và kiểm duyệt bắt đổi thành “Nhà du hành vũ trụ đi vệ sinh vào đâu?”. Tôi định cắt hợp đồng nhưng sách hay, tiếc cho các cháu, đành gật đầu”. Song đây có lẽ là lần cuối cùng dịch giả thỏa hiệp: “Nhưng từ giờ sẽ cương quyết, vì dịch là một nghề bù lỗ, lại còn bực mình nữa thì đi xe ôm cho thảnh thơi đầu óc”.
Dịch một tác phẩm nước ngoài ra tiếng Việt với Lê Quang khó khăn lớn nhất lại không đến từ bản thân dịch giả: “Khó khăn nhất là người Việt-cơ quan kiểm duyệt đã đành, nhưng ngay cả người đọc- ưa đạo đức giả, luôn mong đợi uyển ngữ, cho dù nguyên bản trần trụi. Những kiểu nói tránh, viết tắt v.v... đều là phản bội nguyên bản. Một khi ai cũng biết chữ viết tắt đó là gì, tại sao không viết hẳn ra?”. Lê Quang cho rằng, bệnh chung khi động đến đề tài sex của người viết ở ta là “viết lắt léo, né tránh, bóng gió”: “Dần dần, từ vựng Việt Nam đẻ ra một loạt khái niệm vô cùng ốm yếu và trí trá để ám chỉ động thái liên quan đến sex. Dần dần người viết ở ta tự kiểm duyệt, để những đứa con mình ra đời như những quái thai. Không phải không cần uyển ngữ, nhưng áp lực luôn luôn phải dùng uyển ngữ sẽ giết chết sáng tạo. Và tự kiểm duyệt là cách tự hạ thấp mình ghê gớm nhất- không chỉ riêng về sex”. Cho nên, theo Lê Quang “người nào ngây thơ thì tưởng chỉ có Tây mới viết được sex. Ai không ngây thơ thì hiểu ta cũng viết được, nhưng không dám”. Riêng Lê Quang lại thích các nhà văn Nhật viết về sex hơn người Âu/Mỹ: “Họ viết bạo liệt và trần trụi hơn”.
“Người nào ngây thơ thì tưởng chỉ có Tây mới viết được sex”
Dịch giả Lê Quang