Hòa chung nhịp đập của Thủ đô sáng tạo

TPO - Nằm ở vị trí đắc địa, sân khấu ca nhạc ngoài trời tại ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay hút du khách đến với những chương trình ca nhạc đa dạng của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. 

Lần đầu trong hàng chục năm “tự xưng” ca sĩ, tôi đã xuống với khán giả, cùng nhảy, cùng hát… giữa ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay, chả run chút nào. Đó cũng là buổi diễn ca nhạc cuối cùng của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.

Chính Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đã tạo điều kiện cho nhóm nghệ sĩ “thời vụ” DragonPlus với các thành viên nghề chính là nhà báo, luật sư hay giảng viên âm nhạc có cơ hội được “xuống đường”, được gần gũi với khán giả đến thế.

Hòa chung nhịp đập của Thủ đô sáng tạo ảnh 1

Nghệ sĩ và khán giả không còn khoảng cách trong buổi diễn cuối của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024. Ảnh: Lê Hải.

Bờ Hồ ngoài là đất siêu kim cương còn có ý nghĩa đặc biệt về tinh thần. Là nơi người dân cả nước nhớ về mỗi khi nhắc đến Hà Nội. Không phải ai cũng có cơ hội ngày ngày tập thể dục quanh Tháp Rùa như dân phố cổ. Cũng không phải lúc nào cũng có một sân khấu ca nhạc xinh xắn được dựng lên đón chào tất cả nghệ sĩ từ chuyên đến “sắp chuyên”, từ còn trẻ tới hơi có tuổi…

DragonPlus hiểu khi lần thứ hai được nhận lời mời trình diễn tại lễ hội thường niên của thành phố nghĩa là đã ít nhiều được ghi nhận như những công dân sáng tạo tích cực của Thủ đô - một trong 3 thành phố sáng tạo của Việt Nam được UNESCO công nhận.

Những kỳ lễ hội như vừa rồi chính là dịp để thành phố tạo điều kiện cho cư dân được thỏa sức sáng tạo tùy năng lực, sở trường của mình. So với lần trước, lần này nhóm đã có tiến bộ đáng kể khi lần đầu tiên giới thiệu được sáng tác riêng là Mẹ Trái Đất.

Hòa chung nhịp đập của Thủ đô sáng tạo ảnh 2

Các thành viên nhóm DragonPlus (từ trái sang) Diệu Ánh, Khôi Minh, Như Anh, Phương Mai và Việt Long. Ảnh: Trần Nam.

Chúng tôi vẫn nhắc mãi trải nghiệm trình diễn trong công xưởng của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm năm ngoái với chất lượng âm thanh và cả “sắp đặt ánh sáng” không chê vào đâu được. Ngay sau đó, chúng tôi trình bày với BTC: giá mà được diễn thêm buổi nữa... Năm nay, nhóm được giao luôn 2 buổi diễn tại phố đi bộ Hồ Gươm vào 2 ngày mở màn và bế mạc Lễ hội.

Buổi diễn đầu tiên mang chủ đề Kỷ niệm thành phố tuổi thơ. Trong đó tiết mục “đinh” là liên khúc Mùa hoa phượng nở (Hoàng Vân) và bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Hồng Đăng.

Hai bài hát được viết trong thập niên 1960-1970 đều là thời chiến nhưng vẫn thấy nổi trội nét lãng mạn, hào hoa rất Hà Nội. Dấu ấn của chiến tranh chỉ thấp thoáng ở tiết tấu hành khúc, nét giai điệu ngắn gọn, thúc giục. Khi “nghìn việc tốt giục lòng ta” trên tinh thần hướng ra tiền tuyến, hay trên “đường hành quân gấp gấp”, trong “tiếng ve chào say sưa” càng cảm nhận rõ tình yêu với thành phố trong sáng như “tuổi ngây thơ”.

Hai bài hát không chỉ hòa quyện về âm nhạc mà còn liền mạch về trình tự thời gian. Từ mái trường đến chiến trường, những đứa con của thành phố không quản ngại lên đường…

Hòa chung nhịp đập của Thủ đô sáng tạo ảnh 3

DragonPlus trong biểu diễn sáng 9/11 mở màn chuỗi 9 ngày hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm nay. Ảnh: BTC.

Chủ đề được BTC “đặt hàng” cho buổi tiếp là Lời tình ta hy vọng - một bài hát đương đại còn nóng hổi của nhạc sĩ Đỗ Bảo. Bài hát chia sẻ những nỗi niềm, tâm trạng, những “góc khuất” từng cá nhân nhiều khi bị chìm lấp trong bộn bề nhịp sống đô thị. Thúc giục ai đó rời khỏi bóng tối, “đứng lên mở cánh cửa ngày” để thấy rằng “bạn đẹp lắm, bạn là duy nhất như cuộc sống này”.

Cùng từ khóa “hy vọng” trong chiều bế mạc lễ hội, một lần nữa Bài ca hy vọng (Văn Ký) cùng Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân) - những giai điệu đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc - lại vang lên bên Hồ Gươm, qua cảm thức của thế hệ lớn lên trong thời bình.

Những bài hát chúng tôi thuộc nằm lòng không biết từ bao giờ. Trước hết chúng là những mẫu mực của âm nhạc. Dạo gần đây, đọc kỹ hơn về hoàn cảnh ra đời, tôi càng thêm yêu và khâm phục những người làm nên bài hát, cả những người từng hát. Chẳng hạn Bài ca hy vọng từng là bài ca thể hiện ý chí quật cường của người làm cách mạng bị giam cầm, tra tấn nơi ngục tù Côn Đảo…

Hòa chung nhịp đập của Thủ đô sáng tạo ảnh 4

DragonPlus chọn loạt ca khúc thể hiện dòng chảy lịch sử văn hóa của Thủ đô gửi tới khán giả của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo lần này. Ảnh: Lê Hải.

Không thể thiếu những giai điệu tươi mới đầy sức sống của Hôm nay tôi nghe (Trịnh Công Sơn), Câu chuyện nhỏ của tôi (Thanh Tùng), Hà Nội những năm 2000 (Trần Tiến) hay Hà Nội 12 mùa hoa (Giáng Son)… tạo một bầu không khí sôi động, đủ nhiệt để khiến khán giả không nỡ đứng yên. Có cả khách nước ngoài, người lớn tuổi ngồi xe lăn, người đang bó bột tay, có người tạm dừng chiếc xe đạp chằng buộc vô thiên lủng các thứ (như thể đang đi gom phế liệu)… để hát, để nhảy cùng chúng tôi.

Đứng giữa giao lộ, chúng tôi thấy rõ hơn tầm vóc của lễ hội năm nay với 110 hoạt động thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa tiêu biểu. Ước tính 30 vạn lượt người đã được thụ hưởng bầu không khí tràn đầy tinh thần sáng tạo trong đúng những ngày tiết trời chuẩn thu Hà Nội. Lại thêm một lý do hấp dẫn để du khách đến với Hà Nội vào “mùa sáng tạo”.

Tin liên quan