Nổi tiếng và giàu có nhờ văn học trực tuyến

Chân dung tiểu thuyết gia nổi tiếng Trung Quốc với bút danh Ðường Gia Tam Thiếu.
Chân dung tiểu thuyết gia nổi tiếng Trung Quốc với bút danh Ðường Gia Tam Thiếu.
Trương Vĩ, tiểu thuyết gia trực tuyến thu nhập hàng đầu ở Trung Quốc, không hề tỏ ra khiêm tốn giả tạo về thành công của mình. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, chàng trai 35 tuổi với bút danh Ðường Gia Tam Thiếu chia sẻ: “Tôi yêu viết lách, và tôi có năng khiếu trong việc đó”.

Theo China Daily, năm 2015, Trương Vĩ kiếm được 110 triệu NDT (tương đương 16,8 triệu USD). Phần lớn tài sản của Trương là từ bán sản phẩm trí tuệ, bao gồm tiểu thuyết, truyện hay ý tưởng kịch bản được dựng thành phim, chương trình truyền hình và game. 

Những năm gần đây, chiến lược này đem lại nguồn thu lớn cho các trang văn học trực tuyến và nhà văn Trung Quốc. Nguồn thu nhập hiện tại đưa Trương lên ngang hàng với các tác giả có sách bán chạy nhất như Stephen King và George R. R. Martin.

Các tác phẩm của Trương thường thuộc thể loại giả tưởng. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Trương “Đấu La Đại Lục”, là câu chuyện về một võ sĩ bất ngờ rơi vào một thế giới mới kỳ quái tên là Đấu La Đại Lục. Câu chuyện được chuyển thể thành phim, chương trình truyền hình và video game.

Trương bắt đầu viết tác phẩm đầu tay vào tháng 2/2004, năm 23 tuổi, khi đang là một kỹ sư website. Trước đó, anh từng làm việc cho CCTV.com. Trương cho biết mình muốn viết một tiểu thuyết giả tưởng về ma thuật và ánh sáng vì thời điểm đó không có nhiều tiểu thuyết nói về chủ đề này. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên ra đời với cái tên “Đứa con của ánh sáng”.

Theo Trương, văn học trực tuyến thời điểm đó vẫn đang phát triển ở giai đoạn đầu. Hầu hết những cây bút văn học trực tuyến thời đó chỉ viết cho vui. Nhưng nhiều nhà văn đã không hoàn thành tiểu thuyết của họ, vì vậy rất khó để theo dõi các câu chuyện diễn biến ra sao. Là một độc giả, bản thân Trương không thích đọc những tiểu thuyết dang dở và không đầy đủ. Vì vậy, khi bắt đầu viết, Trương đã cập nhật tiểu thuyết của mình mỗi ngày để độc giả có cái mới để đọc.

Lúc mới viết, mỗi ngày Trương có thể viết 2.000 – 3.000 chữ. Hiện tại, tốc độ của tiểu thuyết gia nổi tiếng này đã là 7.000 – 8.000 từ một ngày, những ngày cao hứng nhất có thể là 15.000 – 16.000 từ. Lượng người theo dõi và văn học trực tuyến đang đóng góp 2-3% vào tổng thu nhập của Trương.

Nói về sự khác biệt giữa văn học trực tuyến và văn học truyền thống, chàng trai này cho biết với văn học trực tuyến người ta có thể xuất bản từng đoạn tác phẩm của mình ngay sau khi hoàn thành, và thảo luận nó với độc giả cực nhanh, trong khi với một cuốn sách, phải viết xong toàn bộ thì mới có thể xuất bản. 

Theo Trương, đây là sự khác biệt lớn nhất. Với văn học trực tuyến, bạn chỉ cần vài ngàn từ để bắt đầu quyển sách của mình và cho độc giả thấy bạn đang viết gì. Đó cũng là cách mà văn học trực tuyến duy trì sự tồn tại của nó. Tuy nhiên, anh cũng cho hay phần lớn thu nhập của mình đến từ sách in và các tài sản trí tuệ, chứ không phải từ văn học trực tuyến.

Trương cho rằng nhiều độc giả thích đọc tiểu thuyết mạng hơn là sách in vì đơn giản họ tìm thấy cảm giác phấn khích khi được đọc diễn biến mới của câu chuyện mỗi ngày. Vốn dĩ văn học trực tuyến là một hình thức văn học bình dân, dễ tiếp cận, lại là hình thức giải trí rẻ nhất, để đọc cả ngàn chữ, độc giả chỉ phải tốn vài xu. Nhưng điều đó không có nghĩa là tiểu thuyết gia trực tuyến tự do hơn nhà văn viết sách in, vì họ đều phải tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan.

Nổi tiếng và giàu có nhờ văn học trực tuyến ảnh 1

Một cảnh trong game “Ðấu La Ðại Lục”, lấy ý tưởng từ tiểu thuyết mạng cùng tên của Ðường Gia Tam Thiếu.

Nhiều công ty đang mua bản quyền từ các tác giả văn học trực tuyến và biên tập lại thành kịch bản phim, chương trình truyền hình và game, với Trương, điều này là dễ hiểu. Trương cho rằng các tài sản trí tuệ thường đi kèm với hàng triệu người đọc, vì thế chọn tác phẩm đang có nhiều người hâm mộ thì lợi nhuận phòng vé sẽ cao. Tài sản trí tuệ có thể chuyển thành phim dài tập, từ đó tối đa lợi nhuận và khuếch đại ảnh hưởng tổng thể của chúng.

Theo tác giả nổi tiếng này, mô hình văn học trực tuyến của Trung Quốc sở dĩ phát triển như vậy là vì người hâm mộ đọc tiểu thuyết mạng hàng ngày để cập nhật tập mới, chương mới, trong khi ở các nước khác trên thế giới ít khi như vậy. Thay vào đó, nhiều nước số hóa sách in để mọi người có thể mua và đọc trên điện thoại di động.

Mang trong mình tham vọng tạo nên một thương hiệu lớn như Disney, Trương cho biết đang tìm đối tác lớn để cùng phát triển các sản phẩm trí tuệ của mình. Chìa khóa thành công trong ngành công nghiệp này của chàng trai trẻ cực kỳ đơn giản, đó là trao cho độc giả sản phẩm mới mỗi ngày. 

Suốt 12 năm qua, không ngày nào Trương không viết và cho ra đời những trang viết hay sản phẩm trí tuệ mới. Tài năng và nhiệt huyết chính là mấu chốt thành công của tiểu thuyết gia này. Trả lời phỏng vấn, Trương nói: “Ngay từ lúc bắt tay vào viết cho đến tận bây giờ, tôi chưa bao giờ viết vì tiền”.

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG