"Văn học viết cho thiếu nhi là mảnh đất màu mỡ, chưa nhiều người khai hoang” - Văn Thành Lê (tên thật Lê Văn Thành, đang công tác tại chi nhánh NXB Kim Đồng TPHCM) nhận xét. Anh cho rằng, người lớn vì nhiều lí do quên đọc sách, hoặc ít đọc, nhưng trẻ em thì không. Trẻ em cần sách, trong đó có sách văn học. Gần đây xuất hiện số tác giả trẻ quan tâm và bước đầu có tác phẩm được các em đón nhận. “Khi thấy cần thiết, phải viết ra thì mới mong từ trái tim chạm đến trái tim. Chứ gánh vác trách nhiệm và vai trò, e là sẽ ra một thứ văn… bao cấp” - Văn Thành Lê nói về vai trò của nhà văn đối với thiếu nhi.
Dịch giả tiếng Trung Trần Nhật Mỹ (SN 1986) và Hoàng Phương Thúy dịch giả tiếng Anh - Trung (SN 1989) khi được hỏi về văn học dịch đều tâm niệm: “Người dịch phải cố gắng để dịch không thành diệt”.
Văn Thành Lê.
Hoàng Phương Thúy nói: “Tôi yêu thích những cuốn sách giàu chất nhân văn, giúp mở rộng thế giới tri thức và cảm xúc người đọc. Những tư tưởng đẹp ấy cần được thể hiện qua văn phong xuất sắc. Còn về hình thức, tôi luôn hướng tới những cuốn sách đẹp, bìa và ruột được thiết kế đậm tính thẩm mỹ và sáng tạo”.
Dịch giả Trần Nhật Mỹ: “Có người nói, tác giả là mẹ ruột của tác phẩm, người dịch là mẹ nuôi chăm cơm đút cháo. Tôi thấy có chút gì đó khá đúng. Người dịch cần có sự ứng biến linh hoạt và sự nắm bắt cái hồn của nguyên tác”.
Nhật Mỹ.
Bàn về mảng dịch cho thiếu nhi hiện nay, Trần Nhật Mỹ cho rằng: “Sách cho trẻ em bây giờ muôn hình vạn trạng. Điều đáng tiếc là sách dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt thì nhiều nhưng dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài còn là khoảng trống. Tôi mong được thấy sách tiếng Việt được dịch sang tiếng nước ngoài”.
“Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, việc giao lưu toàn cầu trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Thị trường sách thiếu nhi trong giai đoạn này cực kì phong phú về chủng loại, đa dạng về hình thức. Các bậc phụ huynh ngày nay coi việc tìm mua sách, đọc sách cùng con là một phần không thể thiếu trong quá trình giáo dục”- Hoàng Phương Thúy nói.