> Bằng Kiều tri ân khán giả thủ đô giữa đêm mưa bão
Không có lý do gì khiến chương trình hòa nhạc của Bằng Kiều tại Hà Nội không thành công. Một giọng hát hay và lạ trong một dòng nhạc an toàn chiều lòng số đông khán giả, ê-kip hàng đầu trong không gian hoành tráng bậc nhất.
Đầu đêm diễn, ca sĩ thông báo bị viêm họng nhưng nhờ cầu khẩn “ơn trên” nên đã ổn. Quả thực, nam danh ca hát càng về sau càng phong độ, làm khán giả thỏa mãn ở tất cả các nốt cao.
Chỉ một hai bài hát đầu là hơi run rẩy vì đó là bài về Hà Nội, còn ca sĩ thì không cầm được nước mắt. Chương trình đạt chuẩn âm thanh và ánh sáng, không có múa phụ họa hoặc kỹ xảo gì khác.
Thiết kế sân khấu kết hợp ánh sáng khá ấn tượng dù có vẻ hơi rối. Nói chung Bằng Kiều in concert đủ tầm thỏa mãn những ai thích Bằng Kiều.
Không chỉ gần với số đông về âm nhạc mà Bằng Kiều còn tỏ ra thân mật trong giao lưu. Giữa chương trình, anh đưa gia đình gồm có mẹ, vợ và 3 con trai lên sân khấu.
Mẹ anh nói những lời cảm ơn chân tình tuy hơi dài gửi đến những người thầy của con trai và khán giả. Sau khi tặng mẹ một bó hoa “vớt vát” 20-10 (ngày lễ mà lần đầu tiên anh biết đến), Bằng Kiều tặng hoa hồng và nhẫn cho vợ kỷ niệm 10 năm ngày cưới.
Trizzi Phương Trinh không nói gì, chỉ rưng rưng cảm động. Khán giả được thể, tỏ ra suồng sã: “Hôn đi! Hôn đi!”. Bằng Kiều hôn con. Khán giả (giọng nữ): “Hôn vợ cơ mà!”.
Ngoài việc là ngôi sao của đại chúng, một lý do có thể khiến việc Bằng Kiều khoe gia đình trở nên có ý nghĩa. Đó là hoàn cảnh khá đặc biệt của anh: Một người con Hà Nội trở về sau thời gian dài xa cách.
Cũng có thể sự lâu trở về của Kiều khiến cho tình cảm khán giả Hà Nội dành cho anh thêm mặn nồng. Phổ biến tình trạng Bằng Kiều vừa hát một câu (cũng chả cần có nốt nào cao), khán giả đã vỗ tay tán thưởng.
Hình ảnh đáng nhớ của chương trình là khi Mỹ Linh yêu cầu khán giả thắp điện thoại di động để tạo thành một trời sao trên mặt đất khi cô cùng Bằng Kiều song ca Trái tim không ngủ yên.
Bằng Kiều nói cảm ơn Mỹ Linh vì nhờ bài song ca này, mà anh bước chân vào nghề ca sĩ. “Không có em thì không có anh”, Kiều nhấn mạnh.
Mỹ Linh cho hay, lần nào hát cùng nhau (ở hải ngoại), Kiều cũng cảm ơn chị về việc này nhưng chị không dám nhận, cho rằng Bằng Kiều nổi tiếng là do cái duyên của chính anh.
Nhiều người cứ “chê” Bằng Kiều cũ quá, nhưng thực ra mà nói, anh thức thời. Cứ cái gì khán giả thích thì dù cũ dù mới anh đều hát hết.
Dù sao anh cũng là một ca sĩ có giọng riêng và chính nó làm cho anh có phong cách riêng. Cũng có thể nói rằng anh đã có công làm mới, “làm khó” một số bài hát xưa.
Những bài như Phút cuối, Buồn ơi chào mi… vốn đã trở nên nhàm, dễ nghe, dễ hát qua những giọng hát quen thuộc nay được thổi vào một luồng hơi mới, thách thức hơn - luồng hơi của Bằng Kiều.
Có thể thấy Bằng Kiều khá thận trọng trong lựa chọn bài để hát. Hầu như những bài Bằng Kiều đã hát đều được đón nhận. Đó có thể là bài hát mới nhưng thường “chất” không có gì mới.
Một số người tiếc rẻ với chất liệu giọng ấy, nếu Bằng Kiều sử dụng để sáng tạo những thứ mới mẻ, phá cách hơn thì sẽ còn hay hơn; rồi Bằng Kiều đã quá dễ dàng thỏa hiệp với khán giả ở nơi mới.
Thực ra chẳng riêng gì Bằng Kiều mà hầu như bất cứ giọng hát đã có danh trong nước nào sang hải ngoại thì đều mang phong cách hải ngoại cả. Cũng phải thông cảm cho họ vì “ở bển” không dễ dàng gì để có một đời sống âm nhạc phong phú khi ca sĩ chỉ hát vào cuối tuần cho một lượng khán giả khép kín.
Nếu ca sĩ không nhanh chóng thích nghi sẽ không có cơ hội để làm lại. Mà thực ra có mấy ca sĩ trong nước (nhất là cùng lứa với Bằng Kiều) có thể tự hào mình có cá tính sáng tạo, có khả năng định hướng khán giả?
Khán giả ở đâu thì cũng có độ bảo thủ tương đồng. Bằng chứng là khán giả Việt Nam không phân biệt trong hay ngoài nước đều có không ít “thần tượng” chung.
Theo Mỹ Linh thì không phải chị không làm được những album nhạc xưa nhưng ca sĩ thời nào thì nên hát nhạc thời đấy: “Nếu cứ hoài cổ để nhạc xưa chiếm lĩnh thị trường thì quả là vô lý. Nhạc xưa hay nhưng không thể hay mãi mãi và nhạc Việt không chỉ có thế. Nếu cứ thế thì nền âm nhạc trở nên tàn tật, không phát triển và rồi thế hệ trẻ sẽ chỉ nghe nhạc ngoại”.
Bằng Kiều thì lại là một ví dụ cho việc “ca sĩ ở đâu hát nhạc ở đấy”. Trong lần về nước hòa nhạc này, Kiều hát lại một số bài thời Làn sóng xanh mà anh gọi là thời “nhạc Việt lên ngôi” và một số thể loại anh sẽ không hát ở hải ngoại như Phú Quang.
Chắc hẳn nếu về nước “làm ăn” thường xuyên hơn, thực đơn âm nhạc của anh sẽ lại thay đổi.