> Ngư dân kể chuyện bị kiểm ngư Trung Quốc đoạt tài sản
Ngư dân Phạm Quang với lá đơn gởi đến nhiều cơ quan chức năng để kiện hành vi của lính Trung Quốc. |
Ngang ngược
Trong ngôi nhà nằm sát mép biển, lão ngư dân Trần Xề đan lưới chuẩn bị cho phiên biển mới ở vùng biển Hoàng Sa. Ông Xề sục sôi kể lại chuyến đi Hoàng Sa cách đây hơn 10 năm trước. 9 giờ ngày 30-4-2000, cả 3 chiếc thuyền của thôn Định Tân gồm: Phạm Quang, Trần Xề, Dương Văn Nam với 28 thuyền viên tiến ra quần đảo Hoàng Sa đánh cá chuồn.
Ngày 2-5, cả 3 tàu cá đến đảo Đá Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa. Những phiên lưới đầu tiên, các thuyền đều làm ăn thuận lợi, được gần một hầm cá chuồn. Ban ngày đánh lưới chuồn, ban đêm các ngư dân tranh thủ câu cá kiếm thêm cho vợ con. Chưa kịp mừng thì tai họa ập đến.
Chiều 6-5, đang thả lưới thì hai chiếc tàu Trung Quốc mang số 31 và 32 ập đến. Nghe tiếng súng bắn xối xả, đạn rít chói tai, ông Xề lao người xuống nước để tránh đạn.
“Các ngư dân Việt Nam trở thành trò tiêu khiển của lính Trung Quốc - ông Quang nhớ lại - họ nổ súng và cười khi thấy những ngư dân núp chạy bảo toàn tính mạng”. Khi bắt giữ, không để ngư dân kéo lưới lên tàu, đám lính hạ lệnh cắt bỏ.
Ngư dân Phạm Quang rơi nước mắt khi nghĩ đến giàn lưới hơn 300 tấm trị giá hàng trăm triệu của 3 tàu đều chìm nghỉm. Một ngư dân ra dấu nài nỉ xin đưa tài sản lên tàu nhưng cũng bị lính Trung Quốc gạt phắt và hăm dọa. Sau khi tịch thu toàn bộ máy định vị và hốt 10 tấn cá chuyển sang tàu, lính Trung Quốc buộc mũi 3 con tàu kéo về đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Đấu tranh đòi công lý
Trên đường bị lôi về đảo Phú Lâm, các ngư dân trên thuyền bàn kế để có người thoát thân về Việt Nam báo cáo tình hình. Lên đảo, các ngư dân bị lập biên bản ngay trong đêm và quy tội “xâm phạm chủ quyền vùng biển của Trung Quốc”, đồng thời mỗi tàu bị ép buộc phải nộp phạt hơn 12.000 USD. Tại đây, các ngư dân gặp thêm ông thuyền trưởng Nguyễn Vinh là người cùng quê cũng bị bắt giữ trước đó.
Tàu chiến Trung Quốc tiếp tục hành trình kéo thuyền bị bắt và đưa các ngư dân về đảo Hải Nam. Thấy tình hình không ổn, ông Quang bàn kế thoát thân về nước để tố cáo hành vi thu giữ tài sản trái phép của Trung Quốc cho nhà chức trách Việt Nam.
Chào tạm biệt anh em, ông Quang ném một chiếc thúng xuống biển và phi thân theo. Trong đêm tối mù mịt, ông Quang gò lưng chèo hướng về phía một chiếc tàu đánh cá đang thắp đèn khá xa mà ông nhận định là ngư dân tỉnh Bình Định.
Khi lên tàu trình bày hoàn cảnh, sau vài ngày, ông Quang được đưa vào đất liền. Trở về với 2 bàn tay trắng, ông Quang mang lá đơn kiện cùng với thuyền trưởng Trần Xề gửi đến các cấp với hy vọng sẽ được bồi thường thiệt hại, bởi các ngư dân đều dứt khoát: “Quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam !”.
Vụ kiện chưa đi tới đâu thì vào ngày 15-5-2007, ông Phạm Kháng (SN 1956), người anh ruột của ông Quang lại bị Trung Quốc bắt giữ tại quần đảo Hoàng Sa và nhốt 2 tuần lễ tại đảo Phú Lâm. Ngày nào người phiên dịch cũng tới thò đầu vào hỏi có chịu nộp tiền phạt không.
Cuối cùng, không chịu được sức ép, các ngư dân phải gọi điện cho gia đình đi vay mượn và nộp 60.000 Nhân dân tệ qua tài khoản ngân hàng của thành phố Tam Á tỉnh Hải Nam. Trước khi các ngư dân rời đảo Phú Lâm với tờ biên lai phạt, lính Trung Quốc còn xuống thuyền hút toàn bộ 1.500 lít dầu, lấy 210 tấm lưới, 1 máy dò cá, hốt đồ đạc mang lên đảo.
Trong tờ biên bản phạt của Trung Quốc ghi rõ: Xử phạt tàu cá QNg 5978 TS Việt Nam số tiền 60.000 Nhân dân tệ, tương đương 8.000 USD. Ghi chú: đương sự vi phạm nghiêm trọng quy định “Luật ngư nghiệp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”….đương sự trong vòng 10 ngày phải nộp phạt, nếu không sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
Bắt giữ ngư dân Việt Nam đang đánh cá trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và xử phạt theo luật pháp do Trung Quốc áp đặt... là câu chuyện phi lý mà ngư dân xã Bình Châu đã phải gánh chịu cả chục năm qua.