Sau phán quyết của Tòa thường trực trọng tài quốc tế (PCA), tuy thua trong cuộc chiến pháp lý quan trọng trong ý đồ giành quyền kiểm soát biển Đông, Trung Quốc đã có một loạt động thái đối phó khiến tình hình trong khu vực ngày càng trở nên căng thẳng. Việc phớt lờ phán quyết của PCA sẽ khiến Trung Quốc “trả giá đắt trên cả 3 phương diện kinh tế, ngoại giao và uy tín quốc tế”.
Thứ nhất, để trả đũa điều mà họ cho là Nhật “té nước theo mưa”, tuyên bố ủng hộ tự do hàng hàng hải và hàng không ở biển Đông, đưa lực lượng tuần tra và cung cấp tàu tuần duyên cho Philippines, Trung Quốc đã đưa các tàu cảnh sát biển có gắn hạm pháo vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật tuyên bố chủ quyền trên biển Hoa Đông.
Từ 6 chiếc ngày 5/8, đến ngày 10/8, số tàu cảnh sát biển đã lên tới 15 chiếc và gần 400 tàu cá đã có mặt quấy nhiễu vùng biển xung quanh Senkaku. Hành động này chính là nhằm vào Mỹ, thử thách liên minh Nhật – Mỹ.
Tuy nhiên có vẻ Trung Quốc đã tính sai bởi ngày 10/8, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau đã tuyên bố “Quần đảo Senkaku thuộc quyền quản lý của Nhật Bản sau thỏa thuận Okinawa năm 1972. Điều này nằm trong nội dung của điều 5, Hiệp ước an ninh song phương Mỹ-Nhật năm 1960, nên Mỹ sẽ bảo vệ khi có bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào xảy ra tại đây”.
Thứ hai, phô trương sức mạnh bằng cách hai lần liên tục huy động lực lượng lớn các máy bay ném bom H-6K, tiêm kích Su-30, trinh sát, tiếp dầu trên không bay tuần tra trên vùng trời Biển Đông, thậm chí tới cả không phận bãi Scarborough sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Hành động này vừa nhằm thể hiện “quyền kiểm soát không phận” như báo chí Trung Quốc rêu rao, vừa nhằm nắn gân Mỹ bởi “lằn ranh đỏ” mà họ cảnh cáo Trung Quốc: “đừng có ý định quân sự hóa Scaborough”.
Thứ ba, tuyên truyền rùm beng về việc tổ chức diễn tập quân sự chung với Nga để giữ cân bằng chiến lược trong khu vực. Thực ra cuộc diễn tập “Liên hợp trên biển-2016” là hoạt động mang tính thường niên. Tuy nhiên, Trung Quốc nhân cơ hội này tổ chức ở Biển Đông vào tháng 9 tới đây với quy mô lớn khác thường.
Họ sẽ huy động số lượng rất lớn tàu chiến và máy bay. Việc Trung Quốc cố ý lôi kéo các tàu chiến, máy bay Nga đến biển Đông tập trận rõ ràng nhằm vào Mỹ và các nước ASEAN, tạo nên sự cân bằng chiến lược để ổn định tình hình theo ý mình.
Máy bay ném bom H-6K bay tuần tra trên vùng trời đảo Scaborough.
Thứ tư, tăng cường binh lực ở các đảo nhân tạo. Ngày 8/8, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ công bố các bức ảnh vệ tinh mới nhất chụp hồi tháng 7 cho thấy Trung Quốc đã xây dựng các hangar (nhà để máy bay) ở 3 sân bay tại các đảo nhân tạo Subi, Vành Khăn và Chữ Thập, mỗi nơi đều có thể triển khai một trung đoàn với đủ loại máy bay tối tân như Su-30, ném bom H-6K và báo động sớm. Những thông tin này đã gây xôn xao dư luận bởi nó cho thấy Trung Quốc không hề ngừng việc đẩy mạnh quân sự hóa biển Đông.
Thứ năm, phóng vệ tinh để tăng cường giám sát biển Đông. Ngày 10/8, Trung Quốc dùng tên lửa “CZ-4B” phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên lên quỹ đạo vệ tinh “Cao phân-3” có độ phân giải từ 1đến 500m, dải rộng từ 10 đến 650km. Theo báo chí Trung Quốc, vệ tinh này hoạt động trên độ cao 700km có thể “phân biệt rõ từng gian Cố Cung”, “thấy rõ từng con thuyền trên mặt biển”; nó sẽ trở thành “mắt thần” để giám sát biển Đông.
Thứ sáu, đàn áp các học giả, nhà nghiên cứu ủng hộ chính nghĩa, tôn trọng sự thật và lẽ phải, thẳng thắn phê phán quan điểm, lập trường sai trái của chính quyền Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Điển hình là việc kích động dư luận ra sức phê phán, chỉ trích các nhà nghiên cứu, học giả ở Viện nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc và ông Lý Lệnh Hoa, chụp mũ họ là “nội gián”, “Hán gian”, buộc tội họ “vạch đường”, “tiếp tay” cho Philippines trong Vụ kiện biển Đông.