Trung Quốc: Phe diều hâu trỗi dậy vì mất mặt trên biển Đông

Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Đông. Ảnh: People's Daily
Hải quân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Đông. Ảnh: People's Daily
TP - Sau khi Trung Quốc bị Tòa Trọng tài quốc tế bác bỏ đòi hỏi quyền lịch sử trên hầu khắp biển Đông, nhiều tiếng nói diều hâu trong quân đội nước này đang đòi giới lãnh đạo phải phản ứng quyết liệt hơn đối với phán quyết của tòa.

Theo giới quan sát, phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12/7 không khiến Trung Quốc thừa nhận sự thật mà còn làm dấy lên làn sóng chủ nghĩa dân tộc, được biểu hiện bằng những cuộc biểu tình rải rác hoặc những bài xã luận lớn tiếng trên báo chí nhà nước Trung Quốc. Đến nay, Bắc Kinh chưa có dấu hiệu sẽ hành động hung hăng hơn. Nhưng một số tiếng nói hiếu chiến trong quân đội Trung Quốc đang đòi lãnh đạo nước này hành động mạnh bạo hơn - một cách phản ứng nhằm vào Mỹ và các đồng minh khu vực, Reuters dẫn các nguồn tin thân cận với lãnh đạo và quân đội Trung Quốc.

Phát ngôn sặc mùi thuốc súng

“Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã sẵn sàng”, một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc nói và ngụ ý phát động chiến tranh nhằm vào láng giềng. Một nguồn tin khác thân thiết với lãnh đạo Trung Quốc cũng mô tả tư tưởng diều hâu  trong quân đội nước này. 

“Đó là sự mất mặt lớn. Chúng ta sẽ làm điều chúng ta phải làm… Toàn quân đội đã được củng cố”, nguồn tin nói. Một số học giả và sĩ quan quân đội nghỉ hưu của Trung Quốc cũng đòi phải gửi tín hiệu phản ứng mạnh mẽ hơn. “Quân đội Trung Quốc sẽ vào cuộc, Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ nước nào trong vấn đề chủ quyền”, ông Liang Fang, giáo sư công tác tại ĐH Quốc phòng thuộc Quân đội Trung Quốc, viết trên mạng xã hội Weibo.

Cuối tuần qua, báo chí nhà nước Trung Quốc hân hoan dẫn lại một số báo Mỹ nói rằng, chiến lược của Mỹ sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết “đang thất bại”. Niềm tin dường như được cả Bắc Kinh và Washington thừa nhận này xuất phát từ một hội nghị cấp cao khu vực gần đây mà ở đó tuyên bố chung không đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài hay Trung Quốc. 

Sau đó, báo chí nhà nước Trung Quốc tuyên bố chiến thắng lần thứ hai, lần này với Úc. Cuối tuần qua, Global Times (Thời báo Hoàn cầu) thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng bài xã luận lên án Úc chỉ là “mèo giấy” với “lịch sử không vẻ vang” thường bị các nước khác chế giễu, ABC đưa tin.

Bắc Kinh nói rằng, tuyên bố chung do Úc, Mỹ và Nhật Bản đưa ra tuần trước nhằm kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài là một thất bại vì không mấy quốc gia khác ủng hộ quan điểm này. Bài xã luận được đăng trong bối cảnh thời điểm phát biểu của Ngoại trưởng Úc Julie Bishop bị người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng gạt bỏ, thậm chí còn cảnh báo Úc phải “nói và cư xử thận trọng”.

Một dấu hiệu nữa cho thấy chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng ở Trung Quốc sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài là một vụ biểu tình nhỏ xảy ra ở thành phố Melbourne (Úc) do một số người trong cộng đồng người Hoa tham gia nhằm kêu gọi Úc ủng hộ việc Trung Quốc phủ nhận phán quyết. Một số bình luận trên mạng thậm chí còn kêu gọi ngành du lịch Trung Quốc tẩy chay Úc.

Nhiều chú ý dồn vào nguy cơ Trung Quốc thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông. Những nguy cơ khác bao gồm việc quân đội Trung Quốc gắn tên lửa lên các máy bay ném bom khi tuần tra trên biển Đông, có khả năng nhằm vào các nước tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với nước này, các nhà phân tích nhận định.

 Ông Yue Gang, một đại tá Trung Quốc về hưu, nói rằng, thông báo của Trung Quốc về việc tuần tra thường xuyên trên vùng trời biển Đông cho thấy nước này đang tìm cách phủ nhận năng lực trên không vượt trội của Mỹ nhờ các tàu sân bay. Trung Quốc cần đủ tự tin để chọc giận và đuổi Mỹ ra, ông này nói.

Trung Quốc được cho là sẽ bất chấp tất cả để tăng cường năng lực quân sự trên biển Đông. “Chúng tôi phải chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài và phải coi đây là ngã rẽ trong chiến lược quân sự trên biển Đông”, ông Li Jinming công tác tại Viện Nghiên cứu biển Đông thuộc ĐH Hạ Môn (Trung Quốc) viết trong bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á.

Nằm im chờ thời

Trong khi đó, giới quan sát nhận định, lãnh đạo Trung Quốc sẽ không làm gì gây chú ý trước khi đón Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 9. Trung Quốc không muốn để xảy ra sự vụ nào trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình đón tiếp lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới đến Hàng Châu. Tuy nhiên, quan điểm của các nhân vật diều hâu trong quân đội Trung Quốc có thể làm tăng nguy cơ xảy ra hành động khiêu khích hoặc khinh suất trên biển Đông có thể dẫn đến xung đột nghiêm trọng.

Các nhà ngoại giao cho rằng, lãnh đạo Trung Quốc hiểu rất rõ mối đe dọa từ các cuộc xung đột. “Họ đang ở thế bất lợi. Họ lo ngại vì phản ứng quốc tế”, Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao công tác tại Bắc Kinh. “Họ thật lòng về việc muốn đưa các cuộc đàm phán trở lại quỹ đạo. Lãnh đạo Trung Quốc phải nghĩ dài và nghĩ kỹ về việc sẽ đi đâu tiếp theo”, nhà ngoại giao nói. 

Ngoài ra, trong các lực lượng vũ trang Trung Quốc cũng có sự thừa nhận rằng, lực lượng của Trung Quốc sẽ thua nếu đối mặt với Mỹ. “Hải quân của chúng tôi không thể thắng người Mỹ. Chúng tôi chưa đạt được trình độ công nghệ như vậy. Chỉ có dân thường Trung Quốc phải chịu hậu quả”, một nguồn tin Trung Quốc nói. Ngay cả khi lập ADIZ trên biển Đông, Trung Quốc cũng khó thực thi vì khu vực này nằm quá xa đất liền Trung Quốc.

Nhà ngoại giao đang làm việc tại Bắc Kinh cho rằng, Trung Quốc sẽ chọn thời gian từ sau khi kết thúc hội nghị G20 đến trước khi bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 để có thêm hành động nào đó.

MỚI - NÓNG