“Bốn đảo thuộc quần đảo này nên bị nhấn chìm xuống biển bởi bom hạt nhân của Tư tưởng Chủ thể (Juche). Nhật Bản không còn cần thiết tồn tại gần chúng ta nữa”, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 14/9 dẫn tuyên bố từ Ủy ban Hòa bình châu Á - Thái Bình Dương của Triều Tiên (KAPPC) – cơ quan giải quyết các mối quan hệ bên ngoài và tuyên truyền của chính quyền Kim Jong-un.
Được biết, Juche là hệ tư tưởng chính thức của CHDCND Triều Tiên; theo đó, “con người là chủ thể của mọi sự và quyết định mọi việc” và người dân Triều Tiên là chủ thể của cuộc cách mạng Triều Tiên.
Không chỉ đe dọa “xóa sổ” Nhật Bản, KAPPC còn kêu gọi giải tán Hội đồng Bảo an, nơi mà chính quyền ông Kim gọi là “công cụ của các ác”, gồm các quốc gia “chuyên tống tiền” vận hành theo mong muốn của Mỹ.
Mỹ cũng không nằm ngoài tầm ngắm. Bản tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng ta hãy biến đất liền Mỹ trở thành tro bụi và bóng tối. Chúng ta hãy thổi bùng sự phẫn nộ của chúng ta bằng cách huy động tất cả những phương thức trả đũa đã được chuẩn bị cho đến hiện tại”.
Phát ngôn trên của Bình Nhưỡng phản ứng lại việc UNSC vừa thông qua nghị quyết trừng phạt mới liên quan đến vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên hôm 3/9 do Mỹ đề xuất. Cụ thể, 15 nước thành viên UNSC thống nhất cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng may mặc, đồng thời hạn chế nhập khẩu nhiên liệu vào quốc gia này.
Ở một động thái trái ngược trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cùng ngày cho biết, đã lên kế hoạch cung cấp 8 triệu USD cho “người láng giềng” thông qua các chương trình nhân đạo của Liên Hợp Quốc.
Kế hoạch này đánh dấu sự trợ giúp nhân đạo đầu tiên của Seoul đến Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 vào tháng 1/2016, và dựa trên chính sách lâu dài để tách hoạt động nhân đạo ra khỏi chính trị.
Phía Hàn Quốc khẳng định, đã bàn bạc với Nhật Bản và Mỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Tuy nhiên, theo đánh giá, Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ từ chối khoản trợ cấp trên để phản đối việc Hàn Quốc ủng hộ nghị quyết trừng phạt mới của UNSC.