“Cách giải quyết song phương và ngoại giao mà chính phủ Peru đã đưa ra ngày hôm qua thiếu căn cứ pháp lý và đạo đức. Nó không giúp hòa bình và an ninh thế giới được cải thiện hơn, ngược lại chẳng khác gì “đổ dầu vào lửa”. Chúng tôi phản đối và nuối tiếc cho quyết định này”, Reuters dẫn lời Đại sứ Triều Tiên tại Peru Kim Hak-chol trong một tuyên bố ở thủ đô Lima ngày 12/9.
Trước đó một ngày, Peru tuyên bố trục xuất Đại sứ Triều Tiên tại Lima Kim Hak-chol để phản đối việc Bình Nhưỡng bỏ ngoài tai lời kêu gọi chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này. Theo đó, ông Kim có 5 ngày để rời khỏi đất nước của dãy Andes.
Quyết định trục xuất này theo sau một động thái tương tự của Mexico hồi tuần trước và một cuộc gọi công khai từ Mỹ hồi tháng trước đến các nước Mỹ-Latinh, kêu gọi cắt đứt quan hệ với chính quyền Kim Jong-un.
Ngoại trưởng Peru, ông Ricardo Luna, tuyên bố trên bắt nguồn từ luật pháp quốc tế, được phản ánh qua các lệnh trừng phạt mới chống lại Bình Nhưỡng được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua hôm 11/9.
“Không thích hợp để duy trì mối quan hệ với đất nước này (Triều Tiên). Mặc dù chúng tôi không hoàn toàn cắt đứt quan hệ, nhưng bằng cách trục xuất đại sứ, cấp ngoại giao giữa hai nước đã bị hạ xuống”, ông Luna nói.
Triều Tiên đang phải đối mặt với sự lên án ngày càng gia tăng từ cộng đồng thế giới sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và mạnh nhất hôm 3/9, làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến tranh vũ trang trên Bán đảo Triều Tiên.
Theo mô tả của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ vừa được thông qua đầu tuần “không thấm vào đâu so với những gì cuối cùng sẽ phải xảy ra.
Trong buổi họp báo mới đây, ông Kim Hak-chol phản đối mạnh mẽ nghị quyết mới, cho rằng đây là một phần của sự thù hằn của Mỹ đối với Triều Tiên.
“Đó là vấn đề giữa chúng tôi và Mỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục không chùn bước trên con đường công lý mà chúng tôi đã lựa chọn, bất kể những lời phỉ báng và vu không của Mỹ. Bởi vì chúng tôi chắc chắn rằng, những thứ chúng tôi theo đuổi sẽ và chỉ có thể chiến thắng”, ông Kim nhấn mạnh.
Một đại diện của Đại sứ quán Triều Tiên tại Peru cho biết, ông Kim sẽ rời khỏi Lima theo yêu cầu và hai nhà ngoại giao khác sẽ ở lại phụ trách đại sứ quán.
Theo Reuters, Bình Nhưỡng mở cửa Đại sứ quán tại Peru vào những năm 1980 dưới thời chính phủ đầu tiên của cựu Tổng thống Alan Garcia. Tuy nhiên, Peru không có nhà ngoại giao nào ở Triều Tiên. Thương mại giữa hai quốc gia này cũng không có gì đáng chú ý.