Chính quyền Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã phải trả giá cho vụ thử hạt nhân lần sáu bằng nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, được thông qua hôm 11/9 với những điều khoản nặng nề nhằm vào hai lĩnh vực sống còn của Bình Nhưỡng là dầu thô và may mặc.
Theo nghị quyết trừng phạt, Triều Tiên chỉ được phép nhập khẩu dầu thô với hạn mức bốn triệu thùng/năm và các sản phẩm dầu tinh chế với hạn mức hai triệu thùng/năm. Động thái này có thể sẽ khiến lượng dầu tiêu thụ ở Triều Tiên giảm 30%. Ngoài ra, Triều Tiên còn bị cấm xuất khẩu hàng may mặc.
Trước đó, Mỹ từng muốn cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu mỏ ở Triều Tiên, nhưng đề xuất này bị Nga và Trung Quốc phản đối kịch liệt vì cho rằng nó sẽ khiến đời sống chính trị của Bình Nhưỡng rơi vào bất ổn.
Thiếu dầu, Triệu Tiên có lao đao?
Theo dữ liệu được cung cấp bởi hải quan Trung Quốc, Triều Tiên hiện nhập khẩu khoảng 2,2 triệu thùng sản phẩm dầu mỏ mỗi năm. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ lại tin rằng con số này trên thực tế cao hơn nhiều: khoảng 4,5 triệu thùng.
Nếu con số này là chính xác, thì trong tương lai, lượng nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Triều Tiên sẽ bị cắt giảm tới hơn một nửa, theo đúng mức trần hai triệu thùng sản phẩm dầu mỏ/năm trong nghị quyết trừng phạt mới.
Dẫu vậy, việc áp mức trần nhập khẩu dầu mỏ có thực sự ảnh hưởng đến Triều Tiên hay không, theo một số chuyên gia, lại là một câu hỏi chưa có lời giải.
Một binh sĩ Triều Tiên đứng canh gác các thùng dầu được tập kết gần bờ sông Yalu - biên giới tự nhiên giữa Triều Tiên với Trung Quốc. Ảnh: AP
David von Hippel – một chuyên gia về năng lượng thuộc Viện nghiên cứu Nautilus, chuyên nghiên cứu về Triều Tiên cho rằng các biện pháp trừng phạt về dầu mỏ khó có thể làm ảnh hưởng đến nền chính trị hiện tại ở Triều Tiên.
Hồi đầu tháng này, Viện Nautilus công bố một bản báo cáo (mà von Hippel là đồng tác giả) cho thấy sự sụt giảm lớn trong lượng xuất khẩu dầu từ Trung Quốc sang Triều Tiên dường như chỉ tác động rất nhỏ đối với các hoạt động quân sự của Bình Nhưỡng.
Bởi theo báo cáo, Triều Tiên được cho là đang dự trữ một lượng dầu đáng kể, ước tính đủ cung cấp cho quân đội trong vòng một năm (tình trạng hòa bình) hoặc một tháng (tình trạng chiến tranh).
Dù vậy, cũng có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang tiêu thụ dầu mỏ ở mức “thắt lưng buộc bụng”. Nguồn cung các sản phẩm dầu mỏ dường như đang giảm, các sản phẩm này đang dần biến mất khỏi trạm xăng và các cửa hàng tiêu dùng, trong khi giá của chúng lại có xu hướng tăng.
Quang cảnh bên ngoài Nhà máy Hóa chất Sungri, một nhà máy lọc dầu thuộc Khu kinh tế đặc biệt Rason của Triều Tiên, gần biên giới Nga và Trung Quốc. Ảnh: AP
Đồng quan điểm với David von Hippel, ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế châu Á – Thái Bình Dương thuộc IHS Markit cũng cho rằng lệnh hạn chế nhập khẩu dầu sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của quân đội Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Biswas lưu ý rằng quan hệ giao thương dầu mỏ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đang rất phức tạp.
Việc xuất khẩu xăng từ Trung Quốc sang Triều Tiên đã giảm mạnh, xuống chỉ còn 120 tấn trong tháng Bảy, ít hơn nhiều so với con số 8.262 tấn trong tháng Sáu. Ngược lại, sản lượng xuất khẩu dầu diesel từ Trung Quốc sang Triều Tiên lại tăng vọt, từ 367 tấn trong tháng Sáu lên 1.162 tấn trong tháng Bảy. Một tấn tương đương khoảng 7 thùng dầu thô.
“Bình Nhưỡng vẫn đang nhận được nguồn cung cấp nhiên liệu từ Trung Quốc, đủ để duy trì các hoạt động thiết yếu”, ông Biswas nhận định.
Lệnh trừng phạt mới: Thất bại hay thành công của Mỹ?
Để đổi lấy sự đồng thuận của Nga và Trung Quốc về nghị quyết trừng phạt mới, Mỹ "cực chẳng đã" phải xuống nước và bỏ một số điều khoản quan trọng trong dự thảo nghị quyết mà nước này đưa ra trước đó.
Không chỉ thất bại trong việc áp lệnh cấm nhập khẩu dầu lên Triều Tiên, Mỹ còn không thành công trong việc áp đặt lệnh cấm đi lại toàn cầu và đóng băng tài sản đối với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Lệnh đóng băng tài sản của Air Koryo – hãng hàng không lớn nhất Triều Tiên cũng không được đưa vào nghị quyết trừng phạt.
So với bản dự thảo, nghị quyết được thông qua đã loại bỏ yêu cầu “chấm dứt hoàn toàn việc thanh toán cho lao động Triều Tiên đang làm việc tại nước ngoài”. Thay vào đó, nghị quyết yêu cầu những quốc gia tiếp nhận lao động Triều Tiên phải “báo cáo lên Liên hợp quốc số lượng người Triều Tiên mà họ tuyển dụng và thời gian kết thúc hợp đồng”.
Nhận định về các điều khoản trong nghị quyết trừng phạt mới, chuyên gia David von Hippel cho rằng các chế tài liên quan đến việc xuất khẩu hàng dệt may của Triều Tiên có thể sẽ có tác động lớn hơn so với các chế tài về dầu mỏ.
Công nhân làm việc bên trong Nhà máy dệt Kim Jong Suk ở thủ đô Bình Nhưỡng. Đây là nhà máy dệt lớn nhất Triều Tiên. Ảnh: AP
Dệt may vốn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên, với tổng giá trị xuất khẩu ước tính đạt 750 triệu USD trong năm 2016.
Việc bị cấm xuất khẩu hàng dệt may, cộng với các lệnh cấm vận trước đó liên quan đến than, quặng sắt, hải sản,... vẫn có thể sẽ khiến Triều Tiên gặp khó khăn về kinh tế.
“Tuy nhiên, tôi không chắc rằng nó sẽ thực sự ảnh hưởng đến chương trình tên lửa và hạt nhân, bởi đây là những thứ mà lãnh đạo Triều Tiên luôn ưu tiên hàng đầu.”, David von Hippel nói.
Nhận định này có phần tương đồng với phát biểu hôm 5/9 của Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi BRICS ở Hạ Môn (Trung Quốc).
Ông Putin khẳng định: "Triều Tiên có thể chấp nhận nghèo khó, nhưng họ sẽ không dừng chương trình quân sự một khi họ còn cảm thấy không an toàn. Vậy làm cách nào để Triều Tiên cảm thấy an toàn? Chỉ có cách phục hồi luật pháp quốc tế.”