Ngay từ đầu, thoả thuận “lịch sử” này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt không chỉ từ phía Israel là nước đồng minh thân cận của Mỹ và cũng là nước thù địch với Iran. Ngay tại Mỹ, nó cũng vấp phải sự phản đối dữ dội của đảng Cộng hoà vốn thân thiết với Israel và một bộ phận không nhỏ đảng Dân chủ của chính ông Obama.
Toàn bộ 19 phiếu chống Tổng thống
Ngày 14/4 vừa qua, Tiểu ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đã xem xét bản dự luật cho phép Quốc hội có quyền bác bỏ bất kỳ hiệp định nào mà Tổng thống Obama thoả thuận với Iran. Bản dự luật đã được toàn bộ 19 thành viên Tiểu ban (cả Cộng hoà lẫn Dân chủ) tán thành. Theo bản dự luật đó, nếu thoả thuận chung cục với Iran được ký kết, Quốc hội sẽ nghiên cứu văn bản này trong vòng 30 ngày. Sau đó, Tổng thống sẽ được dành 12 ngày để quyết định có phủ quyết quyết định của Quốc hội hay không.
Nếu Tổng thống phủ quyết, Quốc hội sẽ có 10 ngày hành động để vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống. Trong suốt quá trình tranh cãi đó, Mỹ sẽ không gỡ bỏ bất kỳ một biện pháp trừng phạt nào đã áp đặt với Iran. Hơn thế nữa, nếu dự luật được 67 Thượng nghị sĩ thông qua, Tổng thống sẽ không thể thực hiện quyền phủ quyết của mình.
Như vậy, Tổng thống Obama dù muốn cũng sẽ không thể tự quyết định về thoả thuận hạt nhân với Iran. Quyền quyết định giờ đây thuộc về Quốc hội. Nói cách khác, ông Obama đã phải lùi bước trước sức ép của Quốc hội.
Theo thoả thuận được ký kết tại Lausanne ngày 2/4, Iran sẽ được gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt về kinh tế đã áp đặt từ trước. Nhưng giờ đây, theo Dự luật mới được thông qua, Tổng thống Obama chỉ có thể đơn phương quyết định bãi bỏ những biện pháp trừng phạt mà chính ông đã áp đặt. Còn Quốc hội sẽ đưa ra quyết định về những biện pháp trừng phạt mà Quốc hội đã áp đặt.
Lâm vào ngõ cụt
Có thể thấy, vấn đề hạt nhân của Iran lại có nguy cơ lâm vào ngõ cụt bởi vì lập trường có tính nguyên tắc của Iran là mọi biện pháp trừng phạt đều phải được gỡ bỏ. Hơn thế nữa, những biện pháp trừng phạt do Quốc hội Mỹ áp đặt mới là những biện pháp nặng tay nhất, trong đó có lệnh cấm Iran bán dầu mỏ và khí đốt cho châu Âu.
Những diễn biến mới nhất tại Washington không khiến Iran thất vọng bởi vì họ không có ảo tưởng đối với thực tế chính trường Mỹ cũng như đối với ảnh hưởng to lớn của những thế lực Israel chống Iran hoạt động tại hậu trường nước Mỹ.
Theo nhận định của các nhà phân tích, rất nhiều thành viên trong ban lãnh đạo Iran phản đối bản thoả thuận khung đã ký kết tại Lausanne. Việc một nhân vật được coi là ôn hoà như ông Hassan Rouhani chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Iran chỉ là do Iran muốn thử một lần nữa về khả năng thoả thuận với Mỹ.
Cũng theo nhận định của các nhà phân tích, dư luận rộng rãi ở cả Mỹ lẫn Iran đều hiểu rằng việc khôi phục quan hệ giữa hai nước không có triển vọng vào thời điểm hiện nay mà phải chờ kết quả cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra sang năm tại Mỹ. Tất cả những gì có thể thoả thuận đều đã thoả thuận rồi.
Không thể tiến xa hơn bởi vì chẳng bao lâu nữa nước Mỹ sẽ có nhà lãnh đạo mới. Còn hiện nay tại Mỹ không có một nhân vật nào đủ khả năng đứng ra chịu trách nhiệm. Quyết định có tính chất dung hoà nói trên giữa Tổng thống và Quốc hội Mỹ đã xác nhận thực tế đó.
Vấn đề hạt nhân của Iran lại có thể lâm vào bế tắc. Không phải vô cớ Tổng thống Iran Rouhani khẳng định, Tehran chỉ ký thoả thuận chung cục (dự kiến vào cuối tháng 6 năm nay) sau khi mọi biện pháp trừng phạt được gỡ bỏ. Còn phía Mỹ đáp lại rằng các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ được gỡ bỏ từng bước tuỳ theo hành động cụ thể của Iran có thể hiện “thiện chí” hay không.