Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Dương Văn Quảng, nguyên Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Pháp, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nói rằng, nhìn lại lịch sử bầu cử tổng thống Pháp thì cuộc bầu cử lần này mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Từ khi còn là sinh viên và sau này làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Đại sứ tại UNESCO, ông Quảng đã 5 lần tận mắt chứng kiến bầu cử tổng thống Pháp (năm 1974, 1981, 1988, 1995, 2012).
6 điều chưa từng có
Theo ông Quảng, xuất hiện 6 điều chưa từng có trong lịch sử bầu cử tổng thống Pháp vừa qua. Thứ nhất, chưa bao giờ có một người chưa ra tranh cử bao giờ như ông Macron lại trúng cử. Thậm chí, cách đây 3 năm, nhiều người không biết ông Macron là ai. Thứ hai, đây là lần đầu tiên trong quá trình tồn tại của nền cộng hòa thứ năm của nước Pháp, hai chính đảng (đảng Những người cộng hòa và đảng Xã hội) thay nhau nắm quyền 58 năm qua đã bị loại ngay tại vòng đầu.
Thứ ba, chưa bao giờ lực lượng cực hữu lại hùng hậu như vậy. Hơn 34,5% cử tri bỏ phiếu ủng hộ bà Marine Le Pen tương đương 11 triệu cử tri Pháp. Thứ tư, số người không đi bầu hoặc đi bầu nhưng bỏ phiếu trắng cao kỷ lục. Có khoảng 8,9% cử tri đi bầu nhưng bầu không hợp lệ hoặc bỏ phiếu trắng. Có tới 25% cử tri không đi bỏ phiếu. Thứ năm, chưa bao giờ người dân Pháp lại chia rẽ như hiện nay. Ngay từ bầu cử vòng một, nước Pháp gần như chia thành làm bốn trào lưu chính trị khác nhau: người theo tư tưởng cánh hữu (ủng hộ ông Francois Fillon); người theo tư tưởng trung dung (ủng hộ Phong trào “Tiến bước” Emmanuel Macron); người theo cánh tả (ủng hộ ông Jean Luc Melenchon - Chủ tịch đảng Nước Pháp bất khuất); người theo tư tưởng cực hữu (ủng hộ bà Le Pen - chủ tịch đảng Mặt trận dân tộc). Điều cực kỳ khó khăn đối với tân tổng thống Macron là làm thế nào để đoàn kết được các đảng phái để đưa nước Pháp tiến lên.
Thứ sáu, bình thường, khi có một tổng thống mới được bầu ra, người ta gần như chắc chắn rằng tổng thống đắc cử sẽ có đa số phiếu ở Quốc hội để lãnh đạo nước Pháp. Nhưng cuộc bầu cử này mới chỉ bầu ra tổng thống, không ai dám chắc rằng tổng thống mới sẽ tạo ra đa số trong Quốc hội Pháp. Ngay tối 7/5 khi ông Macron được tuyên bố thắng cử, ba đảng phái chính trị còn lại đã tuyên bố sẽ ra tranh cử Quốc hội để làm đối trọng chống lại tân tổng thống. Như vậy, ba lực lượng chống đối trên, nếu tính về mặt số học, đại diện cho hơn 60% cử tri Pháp. Vậy làm sao, tân tổng thống có thể chiếm được đa số ghế? Muốn như vậy, ông Macron bắt buộc phải cơ cấu triệt để nền chính trị của mình chỉ trong vòng một tháng tới. Đó là ẩn số rất lớn mà cuộc bầu cử này tạo ra.
Hiện tượng Macron
Lý giải về chiến thắng của ông Macron, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an, cho rằng, sự xuất hiện của ông Macron đã tạo nên “hiện tượng Macron”. Nó có nét tương đồng với sự xuất hiện của ông Donald Trump vào năm 2016. Năm 2016, khi xã hội Mỹ bị chia rẽ sâu sắc, ông Trump, một nhà kinh doanh chưa từng kinh qua chính trường, đắc cử tổng thống.
Trở lại năm 2017 với nước Pháp, thắng lợi của ông Macron cũng phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Pháp kể từ thời Napoleon đến giờ. Nước Pháp chia rẽ đến độ, cử tri Pháp không còn tin vào hai đảng thay nhau cầm quyền 60 năm qua. Bà Le Pen theo chủ nghĩa cực đoan, và bức tranh Brexit cũng treo lơ lửng trên đầu nhiều người Pháp. Có thể có nhiều người ủng hộ bà Le Pen, nhưng họ rất sợ Frexit (Pháp rời khỏi EU), nên họ bỏ phiếu cho ông Macron.
Cách đây 15 năm, bố của bà Le Pen chỉ giành được 18% trong vòng hai. Sau 15 năm, đảng Mặt trận dân tộc cực hữu này đã phát triển lên gần gấp đôi. Sự phát triển của lực lượng cực hữu dân túy là xu thế chống lại toàn cầu hóa, chống lại xu thế hợp nhất châu Âu. Do đó “hiện tượng Macron” còn cho thấy rằng, cả châu Âu chưa yên ổn. Cộng với phong trào cánh tả ở Hà Lan, Áo đang lên là không thể đùa được, ông Cương nhận định. Sự xuất hiện này phản ánh châu Âu cũng như nước Pháp đang bị chia rẽ sâu sắc, đang ở giữa ngã ba đường. Đó là thách thức lớn nhất đặt ra cho nước Pháp và cả châu Âu hiện nay.
Cương nhận định: “Hai đảng lớn nhất vừa rồi bỏ phiếu cho ông Macron là bỏ phiếu cho châu Âu không tan rã. Còn khi ông Macron đã là chủ nhân điện Elysee, không phải lúc nào họ cũng ủng hộ ông Macron. Do đó, khó khăn lớn nhất của ông Macron là vượt qua được cơ quan lập pháp. Cuộc bầu cử quốc hội Pháp vào tháng 6 mới thực sự quyết định tình hình nước Pháp. Đây chính là bức tường không dễ vượt qua và là thách thức lớn nhất với ông Macron”.
Theo ông Cương, ông Macron phải cực kỳ khôn ngoan để lôi cuốn được các nghị sỹ thuộc hai đảng lớn - đảng Xã hội cánh tả và đảng Những người cộng hòa cánh hữu chiếm đa số trong Quốc hội. Họ mới là người quyết định quan hệ của Pháp với thế giới. Ông Macron phải đi giữa hai làn đạn (cả cơ quan lập pháp, hành pháp và người dân Pháp) để dung hòa những chia rẽ, hàn gắn vết nứt sâu trong xã hội Pháp. “Việc này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sai lầm. Chính sách 100 ngày đầu tiên của ông Trump đã không hàn gắn vết thương trong lòng xã hội Mỹ, mà càng làm cho nước Mỹ chia rẽ. Nếu ông Macron học bài học thất bại của ông Donald Trump thì có khả năng từng bước củng cố quyền lực của mình và thực hiện chính sách”, ông Cương nói.
Ngày 8/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi thư mừng tới ông Emmanuel Macron nhân dịp ông được bầu làm Tổng thống Pháp. Trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai tại Pháp, ông Macron (sinh năm 1977) giành 66,1% số phiếu ủng hộ, đưa ông trở thành tổng thống thứ tám và là vị tổng thống trẻ nhất từ trước đến nay ở Pháp.