Năm lỗ hổng trong ngành tình báo Pháp

Nhân viên tình báo Pháp tìm kiếm thông tin. (Ảnh minh họa)
Nhân viên tình báo Pháp tìm kiếm thông tin. (Ảnh minh họa)
Nhật báo Libération ngày 26/11 dành 4 trang để điểm ra và phân tích "5 lỗ hổng của ngành tình báo Pháp", trả lời cho câu hỏi được nhiều người đặt ra: Ví sao Tình báo Pháp để khủng bố lọt lưới?

Thực tế cho thấy sau vụ tòa soạn tạp chí trào phúng Charlie Hebdo bị tấn công hồi đầu năm nay, bất chấp các hồi chuông báo động gióng lên suốt những tháng sau đó, các cơ quan tình báo Pháp xem ra vẫn bất lực trong trách nhiệm giám sát khủng bố, để chúng tiếp tục gây ra vụ tấn công đẫm máu ngay giữa thủ đô Paris tối 31/10 vừa qua.

Lỗ hổng thứ nhất, theo Libération là “những mắt lưới thủng ngay trong hệ thống ngành tình báo Pháp". Đây chính là hệ quả của việc sáp nhập hai cơ quan giám sát: Nha An ninh Quốc gia (Direction de la Sûreté de l’Etat-DST) và Tổng cục Tình báo (Renseignements généraux – RG) để thành lập Tổng nha Phản gián (Direction centrale du Renseignement intérieur – DCRI) năm 2008.

Cựu Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là ông Nicolas Sarkozy muốn chấm dứt sự trùng lặp để thiết lập một hệ thống theo dõi “FBI theo kiểu Pháp”, nhưng sự sáp nhập đó lại làm tan rã hệ thống mắt lưới do Tổng cục Tình báo thiết lập đã nhiều năm.

“Tổng cục tình báo RG đã đặt được nhiều mối liên hệ với người dân. Họ có nhiều mối giao tiếp khác nhau (các giáo sĩ, các chủ doanh nghiệp, nhân viên trợ giúp xã hội, láng giềng…) và họ có thể nói rõ chi tiết đôi khi của từng con phố, từng tòa nhà, nếu như có những vấn đề tồn tại”. Một chuyên gia phân tích bày tỏ tiếc nuối.

Còn theo đánh giá của một cựu nhân viên tình báo khác, thì “phá vỡ RG là một sai lầm chiến lược. Cả một kho dữ liệu về những đối tượng khủng bố “tiềm năng” đã bị thất lạc, hồ sơ theo dõi bị hủy, các nhóm cảnh sát từng làm việc chặt chẽ với nhau cũng bị phân tán. Và hôm nay chúng ta đang trả giá đắt cho việc đó”.

Lỗ hổng thứ hai là hệ thống theo dõi lạc hậu. Libération thậm chí còn ví Tổng nha phản gián Pháp như "người bị cụt cánh tay, nhưng tầm với đề ra lại quá cao" bởi hiện nay số lượng đối tượng bị theo dõi nhiều vô kể.

“Ngày nay chúng ta không chỉ phải để mắt đến những tên trộm cướp bị cực đoan hóa, mà còn phải chú ý cả những kẻ điên rồ có khả năng tấn công một căn cứ hải quân bằng dao, những kẻ từng là chiến binh thánh chiến giờ thoắt ẩn thoắt hiện, những kẻ vừa ra tù, các thiếu niên bị cô lập và có thể kể từ giờ còn phải theo dõi cả người tị nạn nữa… Thật tình mà nói, điều đó đã vượt quá sức cho một Tổng nha phản gián duy nhất của Pháp". Một nguồn tin từ chính phủ Pháp than thở.

Trong bối cảnh đó, hệ thống theo dõi của Pháp vẫn còn mang dấu ấn quá đậm nét về “một nền văn hóa được kiến tạo từ thời chiến tranh lạnh”, mà tiền thân của Tổng nha phản gián DGSI lại là DST - cơ quan chỉ chuyên chống gián điệp chứ không phải là chống khủng bố.

Giữa hai hình thức này có một sự khác biệt rất rõ: Phản gián đòi hỏi nhiều thời gian, xử lý thông tin kiên nhẫn và có nguyên tắc bí mật riêng. Trong khi đó, chống khủng bố lại đòi hỏi xử lý nhanh và chia sẻ thông tin. DGSI của Pháp từ hơn 30 năm qua vẫn được duy trì theo kiểu thời chiến tranh lạnh và bị ảnh hưởng bởi hình mẫu gián điệp Nga hay Iran.

Lỗ hổng thứ ba là tình trạng quá lệ thuộc vào công nghệ. Cũng trong năm 2008, dưới thời Tổng thống Sarkozy, Pháp quyết định tiến hành cuộc đua công nghệ. Sách Trắng quốc phòng trong năm đó đã tăng chi tiêu cho đầu tư công nghệ trong ngân sách hàng năm của các cơ quan tình báo. Thế nhưng, việc giám sát hàng loạt các dữ liệu giao tiếp đang dần thay thế cho việc thu thập thông tin từ nguồn nhân lực, đã tỏ ra kém hiệu quả.

Về điểm này, ông Claude Moniquet, cựu nhân viên Tổng cục tình báo DGSE, giải thích: “Xin ngân sách cho một chiếc siêu máy tính còn dễ hơn là cử người trực tiếp làm việc tại địa bàn”. Ông Moniquet cũng không quên nhấn mạnh rằng: “Trong ngành tình báo thì yếu tố đầu tiên và trước hết phải là con người, còn kỹ thuật chỉ là công cụ hỗ trợ”. Nhất là khi phải đối phó với những tên khủng bố không sử dụng các phương tiện giao tiếp điện tử, như Oussama Ben Laden là một ví dụ điển hình.

Quá dựa vào công nghệ nhưng lại “thiếu khả năng phân tích”  là lỗ hổng thứ tư. Ngành tình báo Pháp hiện đang thiếu các chuyên gia có thể diễn giải và phân tích các thông tin thu thập được một cách nhuần nhuyễn. Đây là một lỗ hổng thường xuyên bị chỉ trích rằng “lẫn lộn giữa thu thập và phân tích”.

“Tổng cục tình báo từng là bộ phận rất tinh thông kỹ thuật phân tích, giờ lại trở thành một cơ quan kỹ thuật nhưng năng lực phân tích còn kém. Trong khi đó, họ rất cần chuyên gia phân tích để hỗ trợ lẫn nhau”, theo nhận xét của một cựu nhân viên an ninh.

Lỗ hổng cuối cùng được Libération điểm ra là châu Âu cũng có “bệnh” nói nhiều làm ít. Tại châu Âu sự hỗ trợ lẫn nhau chỉ là tối thiểu, các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) cũng thường đề ra khá nhiều biện pháp hợp tác mà… còn lâu mới thực hiện được. Mặc dù EU có cả Europol đóng trụ sở tại La Haye, nhưng Libération nhấn mạnh: “Vẫn còn xa cơ quan này mới thành FBI của châu Âu”.

Cũng bởi tình báo, cảnh sát, tư pháp và quốc phòng vẫn là chuyện nội bộ của từng nước thành viên, cho nên việc chia sẻ thông tin ngay giữa các nước EU với nhau còn khó khăn. Phải đến đầu năm 2013 và nhất là sau vụ tấn công Charlie Hebdo ở Paris đầu năm 2015, các nước thành viên EU mới bắt đầu trao đổi danh sách những nghi can bị theo dõi.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG