Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Aston Carter lên án các hoạt động bồi lấp, xây dựng trái phép của Trung Quốc ở biển Đông, đến lượt Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris, điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 17/9. Ông Harris nêu rõ, việc Trung Quốc xây dựng 3 đường băng trên các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa và đang đẩy nhanh quá trình quân sự hóa khu vực là mối đe dọa lớn về quân sự, gây ra nguy cơ đối với tất cả các nước trong khu vực.
Bị truy vấn bởi các thành viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ về việc liệu các lực lượng Mỹ có nên thách thức Trung Quốc bằng cách tiến vào phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép hay không, đô đốc Harris đáp: “Tôi tin chúng ta sẽ thực hiện, cho phép thực hiện việc tự do lưu thông hàng hải và hàng không qua các đảo nhân tạo đó ở biển Đông bởi chúng không phải là đảo” (ý đô đốc Harris muốn nói đó chỉ là những bãi đá và rạn san hô do Trung Quốc bồi lấp, mở rộng, xây dựng nên không được xếp vào diện đảo theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982).
Khi được hỏi về việc tiến vào phạm vi 12 hải lý nghĩa là thế nào, ông Harris trả lời (về các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng): “Phụ thuộc vào thực thể và thực hiện quyền tự do lưu thông là một trong những việc mà chúng tôi đang cân nhắc”. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear (nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam) phát biểu trước Ủy ban Quân vụ rằng, những cuộc tuần tra như vậy đã không được tiến hành kể từ năm 2012, nhưng chúng nằm trong lựa chọn sắp tới của Lầu Năm Góc. Ông Shear nói rằng, Trung Quốc vẫn chưa lắp đặt vũ khí tiên tiến trên các đảo nhân tạo. “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng họ sẽ không thực hiện việc đó. Đây sẽ là một nỗ lực mang tính dài hạn”, ông Shear nói. Đô đốc Harris nói tất cả các đường băng Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo đều dài 3.000m. “Họ cũng đang xây dựng các cơ sở cảng nước sâu ở đó, chúng có thể đón các tàu trọng tải lớn, các chiến hạm và tạo cho Trung Quốc một khả năng đặc biệt”, ông Harris quả quyết.
Theo tướng Harris, trên các đảo nhân tạo, Trung Quốc sẽ thiết lập các hệ thống tên lửa, đường băng, nhà chứa máy bay và trạm trinh sát. “Nó tạo ra một cơ chế mà nhờ đó, Trung Quốc có thể kiểm soát thực tế biển Đông trong bất cứ kịch bản chiến tranh chớp nhoáng nào”, ông nhận định. Ông Harris cho biết, Mỹ cũng ghi nhận Trung Quốc đang gia tăng triển khai hoạt động tàu ngầm tầm xa, bao gồm tới khu vực Sừng châu Phi và biển bắc Ảrập trong các chiến dịch tuần tra chung chống cướp biển, ngoài ra phải kể tới các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo tiến ra Thái Bình Dương.