Theo hãng tin Sputnik, tại cuộc bỏ phiếu diễn ra ở Hạ viện Đức vào hôm nay (ngày 2/6), hầu hết các nghị sỹ Đức đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết này, chỉ có một phiếu chống và một phiếu trắng.
Ngay lập tức, Thổ Nhĩ Kỳ triệu hồi đại sứ từ Đức để tham vấn liên quan đến việc Quốc hội Đức thừa nhận tội diệt chủng người Armenia năm 1915.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chấp nhận quyết định của Quốc hội Đức về chủ đề này, ngay cả các nhà sử học vẫn không thể tán thành.
Cho đến nay, hơn 20 nước trên thế giới, trong đó có Pháp và Nga, đã công nhận đây là vụ diệt chủng người Armenia.
Chúng tôi đã triệu hồi đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ từ Đức về nước để tham khảo ý kiến. Sau khi chúng tôi nhìn thấy văn bản của quyết định này, chúng tôi thậm chí không cần phải suy nghĩ về các bước tiếp theo của mình”.
Cùng ngày, Đại sứ Đức tại Ankara cũng được triệu tập đến Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.
Làn sóng phản đối quyết định của Quốc hội Đức hiện đang tăng rất cao tại Ankara.
Ông Yasin Aktay, thư ký báo chí của đảng Công lý và Phát triển (đảng cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ) nói rằng quyết định đó làm hư hại nghiêm trọng mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức.
Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmush thì gọi đó là “sai lầm lịch sử”.
Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, người Armenia là dân tộc thiểu số của đế chế Ottoman với số lượng khoảng 2,5 triệu người chủ yếu theo Công giáo.
Theo ước tính, trong giai đoạn 1915-1916, khoảng từ 200.000-1,5 triệu người Armenia đã bị Đế chế Ottoman tàn sát, nhiều người bị buộc phải cải đạo sang đạo Hồi.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ từ nhiều năm nay vẫn nhất mực cho rằng những người bị giết hại trong vụ giết người hàng loạt vào năm 1915 đã chết vì một cuộc nội chiến. Tuy nhiên, vụ thảm sát người Armenia đến nay vẫn gây căng thẳng giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay vẫn không chấp nhận coi đây là hành động diệt chủng bất chấp Nghị viện châu Âu đã ra nghị quyết kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận tội ác này.