Phe đối lập Syria có tên lửa vác vai Stinger

Phe đối lập Syria có tên lửa vác vai Stinger
TP - Đại tướng quân đội Nga Nikolai Makarov hôm 24-10 nói rằng, lực lượng đối lập ở Syria vừa được trang bị hệ thống tên lửa phòng không vác vai Stinger của Mỹ để chống lại quân chính phủ của Tổng thống Bashar al Assad.

> Hàng chục nghìn người Syria mất tích bí ẩn

Chiến sự ở Syria. Ảnh: Ria-Novosti
Chiến sự ở Syria. Ảnh: Ria-Novosti.

Đại tướng Makarov nói tại tổng hành dinh quân đội Nga rằng, Mátxcơva đã có bằng chứng đáng tin cậy về việc phe đối lập ở Syria đã sở hữu tên lửa Stinger, nhưng chưa biết ai đã cung cấp loại vũ khí này cho lực lượng nổi dậy.

Hồi tháng 8, truyền hình Mỹ NBC News đưa tin, lực lượng đối lập ở Syria vừa được cung cấp một số lượng chưa xác định hệ thống tên lửa Stinger.

Bên cung cấp loại vũ khí này có thể là Thổ Nhĩ Kỳ, Ảrập Xêút hoặc Qatar vì các nước này luôn kêu gọi hỗ trợ quân sự cho phe đối lập Syria.

Nữ Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland không thể xác nhận việc có đúng là lực lượng nổi dậy đối lập ở Syria đã được trang bị tên lửa Stinger hay không.

Bà Nuland cho biết, Mỹ hiện vẫn chống lại tình trạng phát tán không thể kiểm soát được tên lửa phòng không vác vai.

“Chúng tôi đã nói rõ là chúng tôi lo ngại như thế nào đối với việc sử dụng loại vũ khí này trên thế giới. Chúng tôi làm việc với các chính phủ để thu hồi hệ thống tên lửa phòng không vác vai Stinger để loại vũ khí này không bị luân chuyển từ nơi này đến nơi khác”, bà Nuland nói.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukahevich cho rằng, việc vũ trang cho lực lượng nổi dậy đối lập Syria loại vũ khí nguy hiểm như tên lửa Stinger hoặc sử dụng loại vũ khí này là một hành động nguy hiểm nhất.

Năm 2003, hơn 95 nước trên thế giới ký thỏa thuận về kiểm soát việc xuất khẩu tên lửa phòng không vác vai.

Tháng 5-2004, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu cùng với Mỹ ký một thỏa thuận hạn chế phổ biến tên lửa phòng không vác vai.

Tên lửa phòng không vác vai Stinger
Tên lửa phòng không vác vai Stinger.

Tuy đến nay vẫn chưa có bằng chứng đặc biệt nào về việc Stinger đã được sử dụng ở Syria, nhưng các nhóm nổi dậy khác nhau đều khoe là đang sở hữu loại tên lửa này.

Một đoạn video được đưa lên mạng internet đầu tháng này cho thấy có vẻ như lực lượng nổi dậy ở thành phố Aleppo đã được trang bị tên lửa phòng không vác vai thời Liên Xô SA-7 Strela. Đây được coi là loại vũ khí nguy hiểm nhất thế giới được sản xuất rộng rãi.

Chuyên gia phân tích tình hình quân sự Douglas Barrie thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược có trụ sở tại London (Anh) nói rằng, các nhóm đối lập ở Syria đã sở hữu ít nhất tên lửa phòng không vác vai Strela-2, có thể nhờ lấy được từ kho vũ khí của quân đội Syria do Nga trang bị cho các lực lượng của Tổng thống Assad.

Ông cho rằng, rất có thể phe đối lập ở Syria đã có trong tay một số lượng nhất định tên lửa Stinger. Một khi đã sở hữu các loại vũ khí này, lực lượng đối lập được tăng cường đáng kể để chống lại các máy bay ném bom tầm thấp và máy bay trực thăng chiến đấu của quân đội chính phủ Syria.

Một số đoạn video được đưa lên YouTube cho thấy máy bay trực thăng Mi-8 và máy bay phản lực MiG-23 của quân đội chính phủ Syria đã bị phe nổi dậy bắn rơi.

Nhưng các video này cho thấy vũ khí được sử dụng để bắn rơi các máy bay Syria nói trên có vẻ như chỉ là pháo phòng không chứ không phải là tên lửa.

Hồi những năm 1980, Mỹ cung cấp cho Afghanistan hàng trăm tên lửa Stinger để chống lại quân đội Liên Xô ở Afghansitan.

Stinger là tên lửa vác vai chỉ cần một người là có thể sử dụng được. Đây là loại tên lửa tìm nhiệt do được lắp đặt thiết bị tìm kiếm nguồn phát tia hồng ngoại để tấn công. Tầm bắn hiệu quả nhất của Stinger là 400 m. Vũ khí này đặc biệt nguy hiểm đối với các mục tiêu lớn và bay thấp như máy bay chở khách, máy bay trực thăng.

Đ.P
Theo Ria-Novosti

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG