Dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo cũng bao gồm việc kêu gọi đóng băng tài sản của nhà lãnh đạo Triều Tiêu Kim Jong-un, đã được gửi đến 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Washington hy vọng các thành viên trong Hội đồng thực thi những biện pháp trừng phạt Triều Tiên triệt để hơn trong cuộc họp ngày 11/9 tới đây.
Mỹ tìm kiếm cơ hội từ Trung Quốc
Tranh luận giữa các nước xung quanh việc gia tăng trừng phạt Triều Tiên đã diễn ra sau khi Trung Quốc và Nga, những quốc gia có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an, tuyên bố không ủng hộ lệnh trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí đã có cuộc điện đàm kéo dài 45 phút hôm 6/9 để đi tìm sự đồng thuận về một số giải pháp nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
“Chúng ta sẽ không phải chịu đựng những gì đang xảy ra ở Triều Tiên”, Tổng thống Trump nói sau cuộc điện đàm. Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc “đã có cuộc nói chuyện rất, rất thẳng thắn và quyết liệt”.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, hành động quân sự “không phải là sự lựa chọn đầu tiên của chúng tôi. Tuy vậy, chúng ta cùng chờ xem điều gì sẽ xảy ra”.
Về khả năng Hội đồng Bảo an thông qua lệnh trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 3/9, các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc chỉ có thể đồng ý với lệnh cấm xuất khẩu dầu một phần hoặc tạm thời theo đề xuất của Mỹ.
Hàn Quốc loay hoay thuyết phục Nga
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ mối quan ngại rằng việc ngừng cung cấp dầu cho Triều Tiên sẽ gây tổn hại cho người dân nước này.
Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Young-chan, nói: “Dừng cung cấp dầu cho Triều Tiên là cần thiết. Tôi yêu cầu sự hợp tác của Nga”.
Tuy nhiên Tổng thống Putin nói rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không đạt được nhiều hiệu quả và ngừng cung cấp dầu sẽ làm hỏng các bệnh viện tại Triều Tiên.
Patrick Cronin, Giám đốc cao cấp về các vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh mới ở Washington cho biết: “Các biện pháp trừng phạt tiếp theo là siết chặt kinh tế của Triều Tiên, tuy nhiên Nga và Trung Quốc sẽ chống lại điều đó. Chúng ta có các lựa chọn ngoại giao, và quân sự như tăng cường lực lượng và đặt các lực lượng chiến lược trong khu vực”.
Bruce Klingner, chuyên gia Hàn Quốc tại Heritage Foundation, nói: “Mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan tới Triều Tiên, nếu được thông qua, đều là một bước đi tiến bộ. Những gì chúng tôi hiện có là tăng cường thực thi pháp luật”.
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Hàn Quốc Moon cho biết đã đến lúc Liên hợp quốc nghiêm túc xem xét việc ngăn chặn các nguồn ngoại tệ của Triều Tiên bằng cách cắt giảm nguồn cung dầu thô và cấm lao động ở nước ngoài.
“Nếu chúng ta không ngăn được hành động khiêu khích của Triều Tiên, có thể dẫn đến những tình huống không kiểm soát được”, ông Moon nói.
Tổng thống Putin cũng kêu gọi tất cả các bên cần kiềm chế. “Không cần quá căng thẳng và chúng ta không nên để cảm xúc lấn át và dồn Triều Tiên vào đường cùng. Hơn bao giờ hết chúng ta cần phải kiềm chế và tránh bất kỳ bước nào có thể gây leo thang căng thẳng”, Tổng thống Nga nhấn mạnh: “Bình Nhưỡng sẽ phải nhận trừng phạt, nhưng họ sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa trừ khi họ cảm thấy an toàn”.