Lịch sử dạy cách ứng phó khủng hoảng Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra tên lửa đạn đạo Hwasong-12. Ảnh: KCNA.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra tên lửa đạn đạo Hwasong-12. Ảnh: KCNA.
TP - Nhìn vào cuộc đối đầu hiện nay giữa Mỹ và Triều Tiên, các nhà sử học liên tưởng đến những tối hậu thư, trò lừa hoặc tin giả từng gây ra nhiều cuộc chiến với hậu quả thảm khốc.

"Một điều chắc chắn khi bạn lựa chọn chiến tranh là bạn không biết nó sẽ kết thúc như thế nào. Các nhà làm chính sách hiện nay nên thận trọng khi xử lý vấn đề Triều Tiên”, ông Mark Stoler, một nhà sử học chuyên về ngoại giao và quân sự tại ĐH Vermont (Mỹ), nói. Lịch sử dạy chúng ta rằng, các cuộc chiến tranh thường là hậu quả của những tuyên bố hùng hồn, hiếu chiến và thông tin không chuẩn xác. Đôi khi các nhà lãnh đạo không hành động đủ mạnh để ngăn cản những hành động hiếu chiến, như trong sự kiện Munich năm 1938.

Thông thường, xung đột là hậu quả của hàng loạt sai lầm dẫn đến kết quả không ai mong muốn. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy tính toán sai lầm có thể gây ra một thảm họa toàn cầu. Trước những cuộc xung đột như vậy, nước nào cũng cho rằng, họ có thể chỉ trải qua một cuộc chiến ngắn ngày, với hậu quả tương đối thấp, ông Stoler nói. Nhưng thực tế thường ngược lại. Sau vụ Thái tử Franz Ferdinand bị sát hại, Áo đề nghị Đức hỗ trợ tấn công Serbia. Hoàng đế Đức Kaiser Wilhelm dại dột chấp thuận và xua quân tấn công. Nga, đồng minh của Serbia, bắt đầu huy động lực lượng. Pháp rồi Anh cũng làm tương tự.

Trong thời buổi hạt nhân, cái giá của sự tính toán sai lầm còn lớn hơn nhiều, nhưng cho đến nay may mắn là những đánh giá đúng đã thắng thế. Nhà sử học, nhà báo Mỹ Evan Thomas giải thích trong cuốn sách “Ike’s Bluff” rằng, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower có vẻ đã suýt dùng đến vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Triều Tiên năm 1953. “Nếu người Trung Quốc và người Triều Tiên không chấp nhận thực tế mới, các nhà ngoại giao Mỹ đã chuẩn bị cho khả năng Mỹ sẽ mở rộng cuộc chiến bằng vũ khí hạt nhân”, ông Thomas viết. Không ai biết Tổng thống Eisenhower có thực sự muốn thả bom hạt nhân hay không, hay những thông điệp nguy hiểm của ông có được chuyển đi hay được hiểu đến mức nào.

Tổng thống Eisenhower tiếp tục chơi trò nguy hiểm vào năm 1958 khi Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev đưa ra tối hậu thư rằng Mỹ phải đưa quân khỏi Berlin. Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố với các trợ lý rằng, ông “đánhh cược tất cả” vào mối đe dọa này. Nhưng không lâu sau đó, ông mời nhà lãnh đạo Liên Xô sang thăm Mỹ khiến ông Khrushchev sau đó rút lui.

Vụ khủng hoảng tên lửa Cuba cũng là khoảnh khắc cuối cùng của kiểu chính sách hạt nhân liều lĩnh. Tổng thống Mỹ John Kennedy hồi đó đưa ra tối hậu thư cho ông Khrushchev vào ngày 27/10/1962 mà nhờ đó tránh được chiến tranh. Nhưng điều ấy chỉ xảy ra sau khi ông Khrushchev phớt lờ cảnh báo vào ngày 13/9 trước đó về việc đưa vũ khí hạt nhân đến Cuba. Liệu ông Kennedy thực sự sẽ phát động chiến tranh nếu ông Khrushchev không xuống nước? Thực tế là ông Kennedy trước đó nói với một tư lệnh Hải quân Mỹ rằng, ông sẽ khởi động chiến tranh vào ngày 30/10 nếu Nga không rút lui.

Triều Tiên sẵn sàng chấp nhận rủi ro

Lịch sử hiện đại cho thấy chiến tranh là sự đan xen giữa những lời hứa và tối hậu thư, đôi khi được coi trọng nhưng đôi khi bị phớt lờ. Đức đưa ra “cam kết Sussex” năm 1916 rằng các tàu ngầm của họ sẽ không tấn công tàu hàng nhưng sau đó làm ngược lại, kéo Mỹ vào cuộc chiến. Mỹ cảnh báo Iraq vào năm 1991 rằng nếu không rút quân khỏi Kuwait, Mỹ sẽ tấn công. Iraq không làm như vậy, và Mỹ đã làm như tuyên bố. Và với sự điên rồ mà hậu quả còn dai dẳng đến ngày nay, Mỹ xâm lược Iraq năm 2003 dựa trên thông tin tình báo sai rằng Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Vậy chúng ta nên áp dụng bài học của lịch sử như thế nào vào câu chuyện của Triều Tiên ngày nay? Trước tiên, thông điệp là điều cực kỳ quan trọng. Vì thế, nhiều nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump không nên gửi đi những tín hiệu nhạy cảm về chiến tranh và hòa bình trong những thông điệp dài 140 ký tự trên Twitter. Thứ hai, bằng chứng cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thực sự là một người sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Theo tính toán của giới chức Mỹ, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên đã cho thực hiện hơn 80 vụ phóng tên lửa hoặc thử bom từ khi lên nắm quyền năm 2011, trong khi bố của ông ấy chỉ thực hiện 20 vụ như vậy.

Liệu ông Kim có bao giờ sẵn sàng đàm phán với ông Trump? Đến nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã bác bỏ những đề nghị hòa bình từ phía Mỹ, đáp lại lời kêu gọi kiềm chế của người Mỹ bằng 3 vụ thử hạt nhân nữa. Triều Tiên khẳng định hành động của họ để tự vệ trước những cuộc tập trận gây hấn của Hàn Quốc và Mỹ. Liệu ông Kim có đùa? Hãy chờ xem. Mỹ và Hàn Quốc không có cuộc tập trận chung nào từ nay đến tháng 3 năm sau. Nghĩa là Bình Nhưỡng có 6 tháng tới để đưa ra lựa chọn. Như lịch sử chứng minh, hậu quả của việc mắc sai lầm trong chiến tranh là cực kỳ đáng sợ.

Theo Theo Washington Post
MỚI - NÓNG