Gần 2 năm đã qua kể từ chuyến thăm cấp cao cuối cùng của quan chức Trung Quốc đến Triều Tiên. Khoảng thời gian đó là dấu hiệu ngăn cách giữa hai đất nước đang đi theo hai con đường khác nhau: một là cường quốc đang trỗi dậy muốn giành được vị trí thống trị ở khu vực, còn người kia là nước láng giềng khó đoán với tham vọng riêng.
Nhưng Triều Tiên, với việc phớt lờ Trung Quốc để thực hiện vụ thử bom hạt nhân lần thứ 6 vào cuối tuần qua, đã trở thành một trở ngại bất ngờ và dai dẳng đối với Bắc Kinh.
Triều Tiên, một ngoại lệ trong trật tự mà Bắc Kinh hy vọng sẽ đóng vai trò dẫn dắt, đang tạo ra thách thức cực kỳ khó khăn.
Con đường lên vị trí thống trị của Trung Quốc đòi hỏi Mỹ phải rút khỏi châu Á và một thông điệp đến các đồng minh của Mỹ rằng họ không thể dựa vào Washington để được bảo vệ nữa. Ngược lại, việc Triều Tiên đe dọa sẽ kéo Mỹ dấn sâu hơn vào khu vực sẽ làm phức tạp hơn nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm giảm ảnh hưởng của Mỹ cũng như thuyết phục các nước sống không cần ô hạt nhân của Washington.
Trong khi đó, vị trí chiến lược của Triều Tiên cũng như năng lực hạt nhân ngày càng mạnh của nước này khiến Trung Quốc sẽ gặp nguy hiểm nếu cố kiềm chế Bình Nhưỡng.
“Triều Tiên có thể không phải vấn đề lớn nhất đối với Trung Quốc, nhưng lại gây thêm trở ngại nghiêm trọng cho nhiệm vụ của Trung Quốc trong việc thay thế vai trò của Mỹ ở Đông Á”, ông Hugh White, cựu chiến lược gia của Bộ Quốc phòng Úc, nhận định.
Ngay cả khi Mỹ rút khỏi khu vực thì “năng lực của Triều Tiên khiến Trung Quốc không bao giờ có thể thống trị khu vực như các lãnh đạo Bắc Kinh có thể đang hy vọng”, ông White nói.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã đánh cược vào khả năng Trung Quốc có thể dùng đòn bẩy kinh tế để thuyết phục Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân của họ.
Như khi làm như vậy, Nhà Trắng có thể đang hiểu nhầm tính phức tạp trong quan hệ của Trung Quốc với Triều Tiên mà nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc không dễ dàng quản lý.
Chiến tranh Lạnh mới
Tư tưởng ghét Triều Tiên ngày càng tăng lên trong xã hội và giới làm chính sách Trung Quốc. Trung Quốc vẫn giúp Triều Tiên tồn tại với việc bán dầu và các hàng hóa khác. Nhưng đối với nhiều người Trung Quốc, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên có vẻ không biết ơn.
Một cuộc hội thảo học thuật kéo dài 3 ngày diễn ra tháng trước ở Thượng Hải tập hợp nhiều người chỉ trích và chất vấn giá trị của Triều Tiên đối với Trung Quốc như một vùng đệm với Hàn Quốc và Nhật Bản. Họ cũng cảnh báo Triều Tiên có thể khiến những nước này tự phát triển vũ khí hạt nhân.
“Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc cảm thấy buộc phải chấp nhận lựa chọn cực đoan như vũ khí hạt nhân thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngoại giao khu vực”, ông Zhu Feng, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Nam Kinh, nhận định.
Học giả này cho rằng nếu vũ khí hạt nhân lan rộng sẽ đẩy Trung Quốc vào một cuộc “chiến tranh Lạnh mới” ở châu Á, và có thể sẽ kéo Mỹ tăng cường hiện diện ở khu vực, từ đó ảnh hưởng đến tham vọng thống trị khu vực của Bắc Kinh cũng như sẽ khiến Trung Quốc mang tiếng là gây ra tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân ở khu vực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã hiểu những rủi ro đó nên đã không đếm xỉa đến ông Kim Jong-un. Nhưng cũng giống những người tiền nhiệm, nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa áp dụng những biện pháp trừng phạt có thể khiến Triều Tiên sụp đổ và gây ra chiến tranh biên giới, dẫn đến một cuộc khủng hoảng tị nạn làm đe dọa đến vùng đông bắc dễ bị tổn thương của Trung Quốc hay một bán đảo Triều Tiên thống nhất do lực lượng Mỹ kiểm soát.
Tất cả những khả năng này đều có thể trở thành vấn đề đối với kế hoạch củng cố vị trí của Trung Quốc. Và nếu Triều Tiên bằng cách nào đó vẫn sống sót thì nước này sẽ vẫn là nước láng giềng khó chịu của Trung Quốc. Theo quan điểm của ông Tập, một nước láng giềng không thân thiện mà sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ là kết quả tồi tệ nhất.
Trung Quốc có nhiều nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân hơn bất kỳ nước nào trên thế giới: Nga, Ấn Độ, Pakistan và nay là Triều Tiên. Nhưng hoàn cảnh này một phần cũng do Trung Quốc mà nên.
Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên bắt nguồn từ một thỏa thuận năm 1976 giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông với Thủ tướng Pakistan hồi đó là ông Zulfikar Ali Bhutto.
Hai năm trước đó, Ấn Độ thử quả bom hạt nhân đầu tiên và ông Bhutto muốn theo kịp. Trung Quốc coi Ấn Độ là mối đe dọa tiềm tàng sau khi hai nước trải qua cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu, vì thế Bắc Kinh đồng ý giúp Pakistan.
Năm 1982, Trung Quốc chuyển urani cấp độ vũ khí sang Pakistan. Và năm 1990, Trung Quốc giúp mở địa điểm thử hạt nhân Lop Nur ở Pakistan và để Pakistan bí mật thử quả bom hạt nhân đầu tiên ở đây, theo cuốn sách “The Nuclear Express” của hai nhà khoa học hạt nhân Mỹ.
Thất vọng với hành động của Trung Quốc, Mỹ gây sức ép sau hậu trường và thuyết phục Trung Quốc ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân vào năm 1992.
Nhưng Bắc Kinh không sớm nhận ra những rủi ro từ việc phổ biến vũ khí hạt nhân cho đến khi thần đèn đã thoát ra. Năm 1998, khi Ấn Độ thử hạt nhân lần thứ năm, Pakistan đáp trả bằng một vụ thử hạt nhân công khai chưa đầy 3 tuần sau đó.
Cũng trong thời gian này, Pakistan chia sẻ công nghệ làm giàu hạt nhân với Triều Tiên, bao gồm công nghệ lò ly tâm, linh kiện, thiết kế và nhiên liệu cần thiết để chế tạo bom, để đổi lấy công nghệ tên lửa và thiết kế của Triều Tiên.
Năm 2002, hoạt động mua bán giữa hai nước công khai đến mức Pakistan đưa cả máy bay vận tải quân sự C-130 đến Triều Tiên để chở các linh kiện tên lửa đạn đạo. Chuyến bay này bị vệ tinh của Mỹ phát hiện.
Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đồng lõa trong thỏa thuận này, dù bằng cách khuyến khích Pakistan chia sẻ công nghệ hạt nhân với Triều Tiên hay làm ngơ khi nó xảy ra.
Kế hoạch dự phòng
Trong suốt hơn một thập kỷ, Mỹ đề nghị Trung Quốc bàn bạc xem hai nước sẽ làm gì nếu Triều Tiên sụp đổ, nhưng Trung Quốc từ chối.
Những câu hỏi cấp thiết nhất được đặt ra là: Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên ở đâu và ai sẽ bảo vệ chúng? Quân đội Mỹ - Trung sẽ tránh xung đột như thế nào khi cùng chạy đua làm điều đó? Bán đảo Triều Tiên sau này sẽ ra sao?
Lầu Năm góc đã đề nghị Bắc Kinh thảo luận về những “kế hoạch dự phòng” như vậy từ thời Tổng thống George W. Bush. Nhưng mỗi lần như vậy Trung Quốc đều im lặng, báo New York Times dẫn lời một cựu quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết.
Trong một lần hiếm hoi, các quan chức quân đội Trung Quốc tỏ ra quan tâm về chủ đề này vào năm 2006, năm Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên, một quan chức Mỹ nắm được vấn đề cho biết. Nhưng Lầu Năm góc khi đó ngờ vực liệu có phải Trung Quốc đang muốn tìm hiểu về kế hoạch của Mỹ mà không muốn tiết lộ suy nghĩ của họ.
Khi căng thẳng gia tăng trong những tuần gần đây, nhiều câu hỏi về việc Trung Quốc sẽ làm gì trong cuộc khủng hoảng vẫn chưa được trả lời. Nhưng chắc chắc Bắc Kinh sẽ phản đối các lực lượng Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38, nơi chia cắt hai miền Triều Tiên.
Tháng trước, tờ Thời báo Hoàn cầu thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài xã luận cảnh báo Triều Tiên rằng Trung Quốc sẽ trung lập nếu Triều Tiên tấn công Mỹ.
Nhưng bài xã luận cũng nói rằng Trung Quốc đã chuẩn bị để chặn đứng bất kỳ nỗ lực nào của lực lượng Mỹ và Hàn Quốc nhằm “lật đổ chế độ Triều Tiên và thay đổi môi hình chính trị trên bán đảo”.
“Khả năng là Trung Quốc sẽ chuẩn bị để can thiệp nhằm duy trì chính phủ Triều Tiên cũng như duy trì Triều Tiên như một quốc gia”, ông Yun Sun, một học giả tại Trung tâm Stimson tại Washington, nhận định.