Người Trung Quốc không lo xảy ra chiến tranh với Triều Tiên

Cầu bắc qua sông Yalu, nối giữa Dan Dong (Trung Quốc) với Triều Tiên. Ảnh: BBC
Cầu bắc qua sông Yalu, nối giữa Dan Dong (Trung Quốc) với Triều Tiên. Ảnh: BBC
TPO - Dan Dong (Trung Quốc) được cho là thành phố thể hiện rõ nét vai trò của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Bình Nhưỡng. Thế nhưng, vụ thử nghiệm bom H dưới lòng đất mới đây của Triều Tiên hầu như không gây ra nhiều xáo trộn ở nước láng giềng.

Theo ghi nhận của phóng viên BBC tại Dan Dong, các du khách vẫn vui vẻ tản bộ bên bờ sông Yalu – biên giới tự nhiên ngăn giữa Triều Tiên với Trung Quốc. Những chủ hàng ăn vẫn bận rộn chiên mực, rán bánh để phục vụ thực khách đến tận đêm muộn.

“Cuộc thử nghiệm nào cơ?”, một người trong số đó trả lời khi được hỏi về vụ thử hạt nhân hôm 3/9 của Bình Nhưỡng.

Trong công viên ven sông Yalu, một nhóm cư dân Dan Dong cao tuổi tụ tập chơi nhạc truyền thống Trung Quốc và khiêu vũ. Một phụ nữ trong số đó tỏ ra khá quan tâm đến chuyện thời sự. “Tôi cũng đang lo lắng về tình hình”, người phụ nữ vừa phe phẩy quạt vừa nói. “Nhưng tôi không tin rằng sẽ có chiến tranh, vì Trung Quốc với Triều Tiên luôn là bạn.”

Người Trung Quốc không lo xảy ra chiến tranh với Triều Tiên ảnh 1

"Triều Tiên với Trung Quốc là bạn", một cụ bà sống tại Dan Dong cho biết. Ảnh: BBC

Giống với Hàn Quốc, người dân Trung Quốc hầu như không quá ngạc nhiên với các cuộc thử nghiệm của Triều Tiên.

Vào năm 1998, tên lửa Triều Tiên lần đầu bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Năm 2006, Triều Tiên lần đầu tiến hành thử hạt nhân. Tốc độ phát triển chương trình vũ khí của Triều Tiên tăng nhanh như vũ bão, nhưng với người Trung Quốc, đây chỉ là chuyện bình thường.

Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã củng cố hàng rào an ninh dọc đường biên giới dài 1.400 km với Triều Tiên. Tuy nhiên, nhiều khu vực khác vẫn không có rào chắn.

Khác với khu phi quân sự (DMZ) ngăn giữa Triều Tiên với Hàn Quốc, Dan Dong không phải là một vùng biên giới đóng kín. Chỉ trong vài phút, người ta đã có thể bơi từ bến cảng ở Dan Dong đến bờ kia sông Yalu, chạm đất liền Triều Tiên. Vào mùa đông, mặt sông đóng băng đủ dày khiến người dân hai nước chỉ cần đi bộ một đoạn là đến được nước láng giềng.

Người Trung Quốc không lo xảy ra chiến tranh với Triều Tiên ảnh 2

Khách du lịch Trung Quốc chụp ảnh Triều Tiên từ bên kia biên giới. Ảnh: AFP

Bình Nhưỡng từ lâu đã được coi là đồng minh của Bắc Kinh, nhưng đồng thời cũng là “cái gai trong mắt” của Washington.

Việc giữ cho tình hình chính trị và kinh tế của Triều Tiên luôn ổn định cũng mang lại những lợi ích chiến lược cho Trung Quốc. Đó là lí do vì sao dù luôn bị Washington ép buộc quay lưng với nước bạn, nhưng Bắc Kinh có lẽ sẽ không bao giờ cắt đứt dòng chảy thương mại qua cây cầu hữu nghị Trung – Triều trên sông Yalu.

Người Trung Quốc không lo xảy ra chiến tranh với Triều Tiên ảnh 3

Xe tải Triều Tiên xếp hàng dài chờ đợi để được vào khu vực hải quan tại Dan Dong. Ảnh: BBC

Bình Nhưỡng bị đẩy vào đường cùng sẽ khiến khu vực biên giới Trung Quốc trở nên hỗn loạn và bất ổn. Đồng thời, việc này sẽ không có tác dụng khiến Triều Tiên hạn chế sự phát triển vũ khí hạt nhân, mà ngược lại, sẽ tạo ra động lực để chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un phát triển vũ khí hạt nhân như biện pháp đảm bảo an ninh cuối cùng.

Ở vùng ngoại ô Dan Dong, sự xuất hiện của một kho chứa dầu lớn có lẽ là biểu tượng rõ nhất về mối quan hệ phụ thuộc của Triều Tiên vào Trung Quốc. Phần lớn lượng dầu thô cần thiết cho hoạt động quân sự và kinh tế của Triều Tiên được bơm qua biên giới từ đây.

Mỹ lập luận rằng Trung Quốc cần phải làm gì đó để buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, cụ thể là “tắt vòi bơm dầu” qua nước láng giềng. Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng Mỹ, với tư cách là nguyên nhân khiến Triều Tiên bất ổn, mới là nước nắm giữ chìa khóa giải quyết vấn đề.

“Mỹ đã buộc Triều Tiên phải làm vậy”, một cụ ông chơi nhạc trong công viên ở Dan Dong than vãn. “Thế giới muốn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhưng vì những động thái gây hấn của Mỹ, điều đó sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.”

Dầu từ Trung Quốc, theo quan sát của phóng viên BBC, vẫn đang tiếp tục chảy sang Triều Tiên.

Theo Theo BBC
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.