Quốc hội bỏ phiếu bãi nhiệm ĐBQH có quốc tịch Síp

Ông Phạm Phú Quốc
Ông Phạm Phú Quốc
TPO - Ngày 12/11, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu TPHCM, người vừa bị phát hiện có hai quốc tịch.

Chiều 17/9, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Theo dự kiến, kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc ngày 17/11, được chia làm hai đợt họp trực tuyến và tập trung như kỳ họp thứ 9 trước đây.

Điểm đáng lưu ý tại kỳ họp này là việc Quốc hội làm công tác nhân sự, bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội có hai quốc tịch. Theo dự kiến, chiều ngày 12/11, Ủy ban Thường vụ trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở Đoàn về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.

Sang ngày hôm sau, 13/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc. Người bị bãi nhiệm có thể phát biểu ý kiến (nếu có).

Sau khi thành lập ban kiểm phiếu, việc bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc.

Trước đó, hãng tin Al Jazeera điểm tin, đại biểu Phạm Phú Quốc bị nêu tên trong danh sách những người nước ngoài đã sở hữu hộ chiếu Cyprus. Thông tin này ngay lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo chí và dư luận.

Sau đó, ông Phạm Phú Quốc gửi đơn xin thôi Đại biểu Quốc hội, thôi chức Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Trước đó, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (ứng cử đoàn Hà Nội) cũng không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội vì có hai quốc tịch. “Ông Phạm Phú Quốc hoàn toàn biết điều này, nhưng vẫn có hai quốc tịch, như vậy phải đưa ra Quốc hội bãi nhiệm chứ không phải chỉ đơn giản cho thôi nhiệm vụ”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 19,5 ngày (đợt 1: 8 ngày và  đợt 2: 11,5 ngày). Đợt 1 bắt đầu ngày 20-10 (khai mạc kỳ họp) và kết thúc ngày 28-10; đợt 2 bắt đầu từ ngày 3-11 đến bế mạc kỳ họp, ngày 17-11 (để tạo điều kiện cho việc tổ chức Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cố gắng không bố trí Quốc hội họp ngày 18-11).

MỚI - NÓNG