Hà Nội quyết liệt chống dịch, phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội xuất hiện hàng trăm ca dương tính SARS-CoV-2 mỗi ngày, trong đó phần lớn là ca ở cộng đồng. Ảnh: Duy Phạm
Hà Nội xuất hiện hàng trăm ca dương tính SARS-CoV-2 mỗi ngày, trong đó phần lớn là ca ở cộng đồng. Ảnh: Duy Phạm
TP - Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, cùng với việc điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở, thành phố tiến tới tổ chức điều trị cho các ca F0 thể nhẹ và không triệu chứng ngay tại nhà nếu đáp ứng các điều kiện và phù hợp với diễn biến, tình hình dịch bệnh.

Chỉ 10% hộ dân quận Hoàn Kiếm đủ điều kiện

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 1/12, đại diện lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đang tiếp tục rà soát, thống kê các hộ gia đình đủ điều kiện cách ly F1, điều trị F0 thể nhẹ trên địa bàn. Tuy nhiên, do đặc trưng dân số đông, nhà ở san sát, lại có khu phố cổ, phố cũ, chưa đảm bảo nhà vệ sinh riêng, phòng riêng nên tỷ lệ đủ điều kiện không cao. “Sơ bộ chỉ có khoảng 3.900 hộ/37.000 hộ (khoảng 10,5%) đủ điều kiện theo quy định”, vị này nói.

Theo đó, dựa trên số liệu thống kê nói trên, hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế Hà Nội, quận sẽ triển khai cách ly điều trị F1, F0 thể nhẹ tại nhà trên địa bàn, đảm bảo an toàn, không để lây lan dịch bệnh. Quận đã kích hoạt các trạm y tế lưu động, đảm bảo lực lượng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, với F0, việc cách ly điều trị tại nhà có nguy cơ cao, bởi hiện nay, việc thu gom rác thải y tế gặp nhiều khó khăn. “Bà con nhân dân cũng mong muốn được cách ly, điều trị tại nhà, bởi ở nhà thuận tiện hơn, tâm lý tốt hơn; giảm bớt gánh nặng chi phí cho nhà nước. Tuy nhiên, với những hộ không đủ điều kiện sẽ vẫn phải đi cách ly, điều trị tập trung theo quy định”, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm thông tin thêm.

Ngày 1/12, phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thành phố tiếp tục thực hiện cách ly F1 tại khu cách ly của thành phố, tại khách sạn và tại các cơ sở lưu trú. Thực hiện cách ly F1 tại nhà trên địa bàn các quận/huyện/thị xã của thành phố nếu đáp ứng các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Cùng với đó, củng cố, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, năng lực y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, hệ thống oxy tại các trạm y tế xã/phường/thị trấn, trạm y tế lưu động… để tổ chức điều trị cho các ca F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở; tiến tới tổ chức điều trị cho các ca F0 thể nhẹ và không triệu chứng ngay tại nhà nếu đáp ứng các điều kiện và phù hợp với diễn biến, tình hình dịch bệnh. Đồng thời khẩn trương rà soát để tiếp tục mở rộng các cơ sở thu dung điều trị các ca F0 thể nhẹ và không triệu chứng, đảm bảo chủ động trong mọi tình huống của dịch bệnh.

Thành phố tiếp tục huy động tối đa sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các Bộ, ngành T.Ư đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập, lực lượng y, bác sỹ đã nghỉ hưu, lực lượng sinh viên ngành Y tế của thành phố để bổ sung lực lượng kịp thời cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Ông Dũng cũng lưu ý làm tốt công tác phân luồng để tập trung điều trị các ca F0 theo tháp 3 tầng trên cơ sở thiết lập phần mềm quản lý theo dõi chuyển biến của các ca F0 và chủ động chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ thuốc men điều trị theo diễn biến của ca bệnh.

Thành ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các quận/huyện/thị xã căn cứ tình hình thực tiễn dịch bệnh để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn.

Sớm đưa Đông Anh và Gia Lâm lên quận

Về thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp để duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước; đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, phục hồi các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối; quyết liệt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm. Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu khẩn trương rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố một cách thực chất các dự án bất động sản đã giao từ thời tỉnh Hà Tây và huyện Mê Linh trước khi sáp nhập vào Hà Nội để từng bước khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Bí thư Hà Nội cũng yêu cầu xây dựng kế hoạch nội dung công việc, tiến độ cụ thể để tập trung triển khai trong năm 2022 đối với các chủ trương lớn: Chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; lập Quy hoạch phát triển thành phố giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); hoàn thành việc điều chuyển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về thành phố quản lý... Đối với kế hoạch năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất có một gói hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư công của thành phố cho các địa phương còn khó khăn để bảo đảm sự phát triển đồng đều giữa các địa phương trên địa bàn. Đối với 5 huyện đang phát triển lên quận, căn cứ thực tiễn phát triển của các địa phương và khả năng cân đối ngân sách của thành phố, trước mắt, tập trung hỗ trợ cho hai huyện Đông Anh và Gia Lâm sớm hoàn thành các tiêu chí.

Hà Nội tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân và trẻ em từ 12- 17 tuổi, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Xây dựng phương án cụ thể, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm an toàn để sớm tổ chức cho học sinh cấp 3, cấp 2 tại các quận/huyện/thị xã đi học trở lại. Thường xuyên tầm soát xét nghiệm y tế, đảm bảo thực sự an toàn cho các thầy cô giáo và học sinh khi quay trở lại trường học.

MỚI - NÓNG